Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 177/2003/QĐ-UB phê duyệt Đề án Sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước tại thành phố Đà Lạt do Tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 177/2003/QĐ-UB
Ngày ban hành 25/12/2003
Ngày có hiệu lực 25/12/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phan Thiên
Lĩnh vực Bất động sản,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/2003/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 25 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SỬ DỤNG HỢP LÝ QUỸ BIỆT THỰ THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Kết luận số 190-KL/TU ngày 17/11/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước tại thành phố Đà Lạt;

- Theo đề nghị Văn phòng Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân Tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án Sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước tại thành phố Đà Lạt (kèm theo Đề án).

Điều 2. Các sở, ban, ngành; các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm căn cứ nội dung đề án để tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân Tỉnh, Giám đốc các Sở : Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Tư pháp, Chánh Thanh tra Tỉnh, Chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, Giám đốc Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Lâm Đồng, Giám đốc Công ty Du lịch Dịch vụ Xuân Hương, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà thành phố Đà Lạt, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./-

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




PHAN THIÊN

 

MỞ ĐẦU

Thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách TP. Hồ Chí Minh 300 km về phía Đông Bắc và nằm phía Nam của Cao nguyên Lâm Viên, có độ cao trung bình 1500 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 18- 200C, thời tiết quanh năm mát mẻ. Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Lạt đã có tầm vóc một thành phố du lịch nghỉ mát trên cao nguyên xinh đẹp vào loại bậc nhất châu á và đóng vai trò một thành phố loại 2 trong hệ thống đô thị Việt Nam.

Với những lợi thế riêng được thiên nhiên ưu đãi và theo Quyết định “phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, Đà Lạt có 5 tính chất chủ yếu như sau:

Là trung tâm Chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng, là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng.

Là một trong những trung tâm du lịch, đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và sinh thái của vùng và cả nước.

Là một trong những trung tâm đào tạo đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của cả nước.

Là khu vực sản xuất chế biến rau và hoa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Có vị trí quan trọng về an ninh và quốc phòng.

Qui mô dân số toàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 dự kiến là 432.700 người, trong đó dân số nội thành là 201.000 người; dân số ngoại thành là 27.000 người; dân số vùng phụ cận là 154.700 người và dân số qui đổi từ lượt khách du lịch là 50.000 người (2.000.000 khách/ năm).

Hiện nay, tại TP. Đà Lạt có hàng nghìn biệt thự lớn nhỏ mà mỗi biệt thự đều có những nét kiến trúc độc đáo riêng, tạo nên một phong cách kiến trúc lấy thiên nhiên thơ mộng của Đà Lạt làm bối cảnh nên đã có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Có thể coi Đà Lạt như một thành phố bảo tàng kiến trúc độc đáo của Việt Nam. Một sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng về phong cách và bàn tay tài hoa của người Đà Lạt đã tạo dựng nên một tài nguyên quý giá trên miền đất cao nguyên, một sản phẩm du lịch đặc sắc cần được quan tâm nâng cấp, giữ gìn.

PHẦN I : TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ NHÀ CÓ NGUỒN GỐC BIỆT THỰ TRONG THỜI GIAN QUA

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Sau giải phóng (năm 1975), hầu hết các biệt thự tại TP. Đà Lạt được Nhà nước quản lý theo diện nhà vắng chủ, nhà cải tạo 2/IV ... và đưa vào sở hữu Nhà nước. Phần lớn các biệt thự trong số này được UBND Tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị Nhà nước (kể cả các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương) sử dụng làm nhà làm việc, số còn lại được giao cho các đơn vị sử dụng vào mục đích kinh doanh (tập trung vào các ngành: Du lịch, Thương mại, Ngoại thương...).

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc sử dụng quỹ biệt thự trong thời gian trước đây của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Đà Lạt nói chung không phát huy hết hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến tình trạng sử dụng sai công năng, để quỹ biệt thự xuống cấp, v.v ... Cụ thể như:

- Đối với số biệt thự giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng làm trụ sở, nhà làm việc: Nhiều cơ quan, đơn vị do nhu cầu bức xúc về nhà ở đã tự bố trí cho cán bộ, công nhân viên của mình vào ở trong biệt thự, biến biệt thự thành nhà ở tập thể dẫn đến tình trạng biệt thự không còn giữ được kiến trúc ban đầu (do bị ngăn cắt, cơi nới ... ). Phổ biến nhất trong số này là các biệt thự trước đây giao cho Công ty Xuất nhập khẩu của Tỉnh tại trục đường Hùng Vương.

[...]