Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 296/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 296/KH-UBND
Ngày ban hành 18/08/2022
Ngày có hiệu lực 18/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 296/KH -UBND

Lào Cai, ngày 18 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHOẺ TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2022- 2025

Phần thứ nhất

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025;

Quyết định số 3756/QĐ-BYT ngày 21/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở;

Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025;

Công văn số 1907/BYT-DP ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2016-2021

1. Thông tin chung

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc khu vực trung du và miền núi phía bắc Việt Nam, phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 182km đường biên giới quốc gia; có cửa khẩu Quốc tế, quốc gia, cửa khẩu phụ, các cặp lối mở và nhiều đường mòn qua lại biên giới. Toàn tỉnh có 09 huyện, thị xã, thành phố và 152 xã, phường, thị trấn với 25 dân tộc cùng sinh sống trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 64%).

Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đại bộ phận nhân dân làm nông nghiệp là chủ yếu, thu nhập bình quân đầu người thấp. Ở những vùng người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của người dân chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp, nền kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Điều kiện địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa. Phong tục tập quán và phương thức sản xuất còn lạc hậu, vẫn dựa vào kinh nghiệm, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất làm cho kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, công tác y tế của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong đó, các hoạt động phòng, chống Bệnh không lây nhiễm đã được quan tâm nhiều hơn.

Thực hiện quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025. Từ các hoạt động rời rạc phân mảng theo chuyên môn riêng lẻ của các đơn vị y tế trong địa bàn tỉnh, đến nay công tác phòng chống Bệnh không lây nhiễm đã từng bước được kiện toàn. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai và đã có nhiều kết quả bước đầu, nhận thức của người dân về bệnh không lây nhiễm đã ngày một được nâng cao.

2. Kết quả triển khai thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2015 -2021

2.1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành:

- UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 10/02/2020 về quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn theo nguyên lý y học gia đình giai đoạn 2020 - 2025.

- Chỉ đạo Sở Y tế ban hành Kế hoạch về quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn theo nguyên lý y học gia đình.

- Hàng năm, ban hành các văn bản chỉ đạo việc tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác tại thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực… Tăng cường sự phối hợp với các ban ngành chức năng trong quản lý và thanh, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

2.2 Truyền thông và vận động xã hội:

- Trong những năm qua, hoạt động truyền thông và vận động xã hội trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng góp phần nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án truyền thông và nâng cao sức khỏe theo các lĩnh vực, như: Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Tăng cường vận động thể lực cho người dân ở cộng đồng; Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Tổ chức các sự kiện truyền thông: lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá và tuần lễ quốc gia không thuốc lá; lễ phát động hưởng ứng ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

2.3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

- Kết quả về sàng lọc phát hiện sớm; dự phòng cho người nguy cơ cao; quản lý điều trị và chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần:

+ Công tác phòng, chống tăng huyết áp: Tổ chức khám sàng lọc cho 213.287 người và phát hiện 44.465 tăng huyết áp chiếm 20,8% người được khám sàng lọc và 5,78% dân số. Quản lý điều trị 43.322 người tăng huyết áp đạt 97,4% số người được phát hiện. Số bệnh nhân được cấp thuốc 32.974 đạt 74,15% số người được phát hiện. Số bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu là 22.630 đạt 52,2%. Triển khai Mô hình quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp theo nguyên lý Y học gia đình tại 136/152 trạm Y tế.

+ Công tác phòng chống Đái tháo đường: Tổ chức khám sàng lọc cho 80.815 người trong đó phát hiện 8.631 người tăng đường máu chiếm 10,67% người được khám sàng lọc và 1,12% dân số. Khám sàng lọc chủ yếu do Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nội tiết tỉnh thực hiện. Quản lý điều trị 15.265 bệnh nhân đạt 1,98% dân số. Số bệnh nhân được cấp thuốc 11.647 đạt 76,3% số bệnh nhân được phát hiện.

+ Công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em: 100% Bệnh nhân phát hiện được thu nhận và quản lý tại cơ sở. Số bệnh nhân được quản lý 1.377 chiếm 0,16% dân số tại 139/152 trạm Y tế, trong đó bệnh nhân tâm thần phân liệt 691, động kinh 678, trầm cảm 08. Tỷ lệ bệnh nhân được cấp thuốc định kỳ/tổng số bệnh nhân được quản lý 950 đạt 69%. Tỷ lệ bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm Y tế/tổng số bệnh nhân quản lý 891 đạt 64,7%.

[...]