Quyết định 1730/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 1730/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/08/2022
Ngày có hiệu lực 08/08/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Ngọc Tam
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1730/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 08 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG NHIỆM VỤ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam;

Căn cứ Công văn số 4183/UBND-KT ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thống nhất chủ trương Sở Công Thương thuê đơn vị tư vấn xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1596/TTr-SCT ngày 21 tháng 7 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, với nội dung như sau:

1. Tên Đề án: Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2021-2030.

2. Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Bến Tre.

3. Đơn vị tư vấn lập đề cương và dự toán kinh phí: Trung tâm nghiên cứu Kinh tế miền Nam; số 289 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

4. Mục tiêu tổng quát:

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam.

Bến Tre chủ động nghiên cứu xây dựng và thực hiện Chương trình/Kế hoạch, giải pháp thúc đẩy kinh tế ban đêm là cần thiết để đón bắt, chuẩn bị cho xu thế phát triển, khai thác các tiềm năng, mang lại cơ hội và động lực phát triển cho nền kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hạn chế các rủi ro, thách thức, hệ lụy phát sinh từ hoạt động kinh tế ban đêm liên quan tới vấn đề tệ nạn xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, áp lực cơ sở hạ tầng, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải...

5. Đối tượng và phạm vi Đề án: Đề án xây dựng dựng định hướng phát triển KTBĐ của Bến Tre tập trung vào 04 lĩnh vực: (i) dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình, hoạt động giải trí, lễ hội, sự kiện...), (ii) dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar...), (iii) dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm...) và (iv) du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc...).

6. Phương pháp xây dựng đề án

6.1. Phương pháp tiếp cận xây dựng đề án

Phát triển kinh tế ban đêm là một vấn đề tương đối phức tạp nên đòi hỏi cách tiếp cận đa dạng, tổng thể. Vì vậy, Đề án này sử dụng cách tiếp cận:

- Từ góc độ quản lý nhà nước, trong đó xem xét vai trò của chính quyền địa phương trong việc phát triển kinh tế ban đêm.

- Cách tiếp cận phát triển bền vững: phát triển kinh tế ban đêm theo hướng bền vững là cách tiếp cận trọng tâm của Đề án. Hướng tới tăng trưởng nhanh nhưng đảm bảo ổn định, trật tự an toàn xã hội.

- Nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế ban trên địa bàn tỉnh Bến Tre; nghiên cứu về chủ trương, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện liên quan tới Đề án.

6.2. Phương pháp xây dựng đề án

Để giải quyết các nội dung và mục tiêu nghiên cứu, đề án sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (kết hợp giữa phương pháp định tính và phương pháp định lượng), cụ thể:

- Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu: Thu thập, tổng hợp, rà soát, phân tích các tư liệu có liên quan từ sách, tạp chí, đề tài nghiên cứu khoa học, báo cáo chuyên đề... để làm cơ sở cho việc hệ thống và phân tích các khái niệm về kinh tế ban đêm. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, phân loại và hệ thống hóa lý thuyết, sắp xếp, phân loại các tư liệu thu thập được từ các nguồn khác nhau thành một hệ thống có tính logic và chặt chẽ. Tập trung sử dụng, kế thừa những công trình có liên quan trực tiếp đến mục tiêu và các nội dung nghiên cứu của đề án.

- Phương pháp phân tích số liệu thứ cấp: Thu thập tài liệu, các báo cáo hàng năm, dữ liệu, số liệu thống kê có liên quan đến kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề án tới các Nghị định, Quyết định, Quy hoạch, đề án, các nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài. Số liệu thống kê tại Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre... Các nguồn số liệu này sẽ được phân tích, xử lý, tính toán thông qua các phần mềm SPSS và Excel.

- Phương pháp khảo sát định tính và định lượng: Tiến hành khảo sát bằng phiếu khảo sát đối với chủ hoặc người được ủy quyền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ban đêm; khách du lịch, chính quyền địa phương, người dân... tại một số trung tâm thương mại, trạm xăng dầu, khu vui chơi giải trí, các điểm đến du lịch, hệ thống các cửa hàng, siêu thị mở cửa về đêm... Các kết quả khảo sát sẽ được xử lý bằng phần mềm SPSS.

- Phương pháp chuyên gia: Tham khảo ý kiến, tư vấn từ các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu để có cơ sở xây dựng các giải pháp khách quan và mang tính khoa học cao hơn.

[...]