Quyết định 172/QĐ-UBND năm 2013 về Quy hoạch ngành Văn thư Lưu trữ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 172/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/08/2013
Ngày có hiệu lực 12/08/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Đức Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 172 /QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 12 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY HOẠCH NGÀNH VĂN THƯ LƯU TRỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-BNV ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Bộ Nội vụ phê duyệt Quy hoạch ngành Văn thư Lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1619/TTr-SNV ngày 30 tháng 7 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy hoạch ngành Văn thư Lưu trữ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Cục VT và LTNN (Bộ Nội vụ);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- TT các Huyện, Thành ủy;
- VPUB: PVP (N.V. Nhựt);
- Lưu: VT, VX.         PD

TM ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

QUY HOẠCH

NGÀNH VĂN THƯ LƯU TRỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 12/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ, SỰ CẦN THIẾT, QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH:

1. Cơ sở pháp lý:

- Căn cứ Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011;

- Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/8/2008 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

- Thông tư số 02/2010/TT-BNN ngày 28/4/2010 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức Văn thư, Lưu trữ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp;

- Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-BNV ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Bộ Nội vụ phê duyệt Quy hoạch ngành Văn thư Lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

2. Sự cần thiết:

Đối với các cơ quan, tổ chức, công tác văn thư lưu trữ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng đều có một đặc điểm chung là trong quá trình hoạt động đều sản sinh những giấy tờ liên quan và những văn bản, tài liệu có giá trị đều được lưu giữ lại để tra cứu, sử dụng khi cần thiết. Bởi đây là những bản gốc, bản chính, là căn cứ xác nhận sự việc đã xảy ra và có giá trị pháp lý xác thực rất cao. Việc soạn thảo, ban hành văn bản đã quan trọng, việc lưu trữ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ còn quan trọng hơn nhiều. Do đó, khi các cơ quan, tổ chức được thành lập, công tác văn thư, lưu trữ sẽ tất yếu được hình thành vì đó là “huyết mạch” trong hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức. Công tác văn thư, lưu trữ nhằm đảm bảo thông tin bằng văn bản phục vụ kịp thời cho việc lãnh đạo, quản lý điều hành công việc, cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp tới việc giải quyết công việc hằng ngày, tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức.

Trong thời gian qua được sự quan tâm. Lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước về văn thư, lưu trữ của tỉnh dần đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả bước đầu như sau:

- Tổ chức cán bộ: Tổ chức cán bộ cấp tỉnh nhìn chung đã được quan tâm kiện toàn. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ văn thư, lưu trữ đã được chú trọng, trình độ chuyên môn của cán bộ văn thư, lưu trữ được nâng cao, tỉnh đã phối hợp với các trường đào tạo nghiệp vụ mở nhiều lớp trung học, đại học văn thư, lưu trữ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

- Kho lưu trữ: Ngày 24/9/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1784/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó trong Đề án tỉnh Ninh Thuận sẽ được hỗ trợ 60% = 34.460 triệu đồng.

- Trang thiết bị: Cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động công tác văn thư, lưu trữ nói chung và cho bộ phận văn thư, lưu trữ chuyên trách ở từng cơ quan nói riêng có nhiều tiến bộ nhất là những năm gần đây. Phòng làm việc của bộ phận văn thư, lưu trữ đã từng bước bố trí các trang thiết bị tương đối đầy đủ như máy vi tính, điện thoại, fax, máy photocoppy, giá kệ đựng tài liệu, kho tàng, trang thiết bị bảo quản tài liệu lưu trữ, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác lưu trữ từng bước được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư.

- Tỉnh đã ban hành Đề án chỉnh lý tài liệu tồn đọng cho tất cả các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2019. Trừ các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn có kinh phí theo ngành dọc.

[...]