Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 171/2004/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 171/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/09/2004
Ngày có hiệu lực 19/10/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 171/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 171/2004/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 22 tháng 6 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ" kèm theo quyết định này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.

Hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về tình hình thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ của cơ quan và địa phương mình tới Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

ĐỀ ÁN

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

MỞ ĐẦU

Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã sớm xác định vai trò then chốt của cách mạng khoa học và kỹ thuật. Trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, nhiều văn bản quan trọng về định hướng chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ đã được ban hành: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII (1996); Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khoá IX (2002); Luật Khoa học và Công nghệ (2000); Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 (2003); và nhiều chính sách cụ thể khác về xây dựng tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ đã có bước chuyển biến, đạt được một số tiến bộ và kết quả nhất định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ của nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế tri thức trên thế giới. Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ ra những hạn chế cơ bản của hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay là: "Chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội; chậm đưa vào ứng dụng những kết quả đã nghiên cứu được; trình độ khoa học và công nghệ của ta còn thấp nhiều so với các nước xung quanh; năng lực tạo ra công nghệ mới còn rất có hạn. Các cơ quan nghiên cứu khoa học chậm được sắp xếp cho đồng bộ, còn phân tán, thiếu phối hợp, do đó đạt hiệu quả thấp. Các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, các trường đại học chưa gắn kết với nhau. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thiếu tập trung và dứt điểm cho từng mục tiêu. Cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao tuy còn ít, song chưa được sử dụng tốt."

Mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 là: "Tập trung xây dựng nền khoa học và công nghệ nước ta theo hướng hiện đại và hội nhập, phấn đấu đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010, đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước."

Để đạt được mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ nước ta đến năm 2010, phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, tạo bước chuyển biến căn bản trong quản lý khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, với yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường và sử dụng có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ.

Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ tập trung vào các giải pháp chủ yếu: (1) Hoàn thiện cơ chế xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; (2) Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ; (3) Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ; (4) Đổi mới cơ chế quản lý nhân lực khoa học và công nghệ; (5) Phát triển thị trường công nghệ; (6) Hoàn thiện cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

I. THỰC TRẠNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HIỆN NAY

1. Những đổi mới bước đầu

Cùng với quá trình đổi mới cơ chế kinh tế, trong những năm qua, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới và đạt được một số kết quả bước đầu.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình, đề tài Nhà nước được bố trí tập trung hơn, khắc phục một bước tình trạng phân tán, dàn trải, cân đối hơn giữa khoa học tự nhiên và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn. Cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, bình đẳng và công khai bước đầu được áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Cơ chế quản lý các tổ chức khoa học và công nghệ đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hoá và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ. Phạm vi hoạt động của các tổ chức này được mở rộng từ nghiên cứu, đào tạo, đến sản xuất và dịch vụ khoa học và công nghệ. Đã xuất hiện nhiều tổ chức khoa học và công nghệ ngoài nhà nước, nhiều cơ sở sản xuất trong các viện nghiên cứu, trường đại học, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

[...]