ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2014/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 04 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI
CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004;
Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày
17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP
ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Nuôi con nuôi;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 313/TTr-STP ngày 08/4/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
các Sở, ngành: Tư pháp, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Công
an tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VB QPPL-Bộ Tư pháp;
- Cục Con nuôi-Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo-Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NC;
- Gửi: Bản giấy + điện tử.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thiện
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC
NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, hình
thức và nội dung phối hợp giữa Sở Tư pháp, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Y tế,
các cơ sở nuôi dưỡng và các cơ quan
có liên quan trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên
địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên
tắc phối hợp
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về
nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và các Điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà
Việt Nam là thành viên.
2. Quá trình phối hợp không làm ảnh
hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên
quan.
3. Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ,
kịp thời và có hiệu quả.
Điều 3. Hình thức
phối hợp
1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc
cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Tổ chức họp
liên ngành.
3. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết.
4. Thành lập các đoàn kiểm tra liên
ngành.
5. Các hình thức khác.
Chương 2.
NỘI DUNG PHỐI HỢP
TRONG GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Điều 4. Phối hợp trong
việc lập Biên bản trẻ em bị bỏ rơi và tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi vào cơ sở nuôi
dưỡng
1. Người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi
có trách nhiệm thông báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi trẻ em bị bỏ rơi để lập Biên bản trẻ em bị bỏ
rơi.
2. UBND cấp xã nơi trẻ em bị bỏ rơi có
trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em.
Trường hợp không có người nhận tạm thời nuôi dưỡng trẻ em thì UBND cấp xã
liên hệ với cơ sở nuôi dưỡng để tiến hành thủ tục tiếp nhận trẻ
em bị bỏ rơi theo thủ tục tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.
Trường hợp người tạm thời nuôi dưỡng
không còn đủ khả năng tiếp tục nuôi dưỡng, hoặc không còn
nguyện vọng tiếp tục tạm thời nuôi dưỡng, hoặc hết thời hạn
thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em mà không tìm được cha, mẹ đẻ hoặc không có
người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã
nơi trẻ em bị bỏ rơi lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi vào cơ sở
nuôi dưỡng.
3. UBND cấp xã nơi lập biên bản có
trách nhiệm thông báo trên Đài Phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để
tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em. Đài Phát thanh hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm
thông báo miễn phí 03 lần trong 03 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh
bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối
cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ của trẻ em thì người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho
trẻ em theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
Điều 5. Phối hợp
trong việc lập danh sách và hồ sơ trẻ em cần tìm gia đình thay thế
1. Cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm lập
danh sách và hồ sơ trẻ em đã được tiếp nhận chính thức vào cơ sở nuôi dưỡng (có
Quyết định tiếp nhận của Người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở nuôi dưỡng)
thuộc đối tượng cần tìm gia đình thay thế.
2. Danh sách trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần tìm gia đình thay thế được lập thành Danh sách 1 (trẻ em có sức
khỏe bình thường) theo mẫu
TP/CN-2011/DS.01 và Danh sách 2 (trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm
nghèo, trẻ em từ 5 tuổi trở lên hoặc hai trẻ em trở lên
cùng là anh chị em ruột) theo mẫu
TP/CN-2011/DS.02, ban hành kèm theo Thông tư số
12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban
hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu
nuôi con nuôi.
3. Đối với trẻ em thuộc Danh sách 1,
cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ và danh sách trẻ em, xin ý kiến
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi gửi Sở Tư pháp. Trong thời hạn 05
ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý
kiến trả lời cơ sở nuôi dưỡng. Sau khi có ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ sở nuôi dưỡng gửi danh sách
và hồ sơ trẻ em cho Sở Tư pháp để thông báo tìm gia đình
thay thế cho trẻ em theo quy định.
4. Đối với trẻ em thuộc Danh sách 2,
cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách trẻ em kèm theo hồ sơ của trẻ em, xin ý kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi gửi
Sở Tư pháp.
Sở Tư pháp gửi Danh sách 2 cho Cục
Con nuôi - Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Cục Con nuôi) để Cục đề nghị Văn phòng
con nuôi nước ngoài hỗ trợ khám sức khỏe chuyên sâu, chăm
sóc y tế và tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em.
Điều 6. Phối hợp
trong việc thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em Danh sách 1
1. Sau khi nhận được Danh sách trẻ
em cần tìm gia đình thay thế của Cơ sở nuôi dưỡng, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Đài
Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông báo 03 lần liên tiếp.
2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ khi hết
thời hạn thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em, nếu không có người
trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, thì Sở Tư pháp chuyển Danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Cục Con nuôi để tiến hành thủ tục tìm gia đình thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Điều 7. Phối hợp
trong việc xác minh hồ sơ của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi nước ngoài
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm đề nghị
Công an tỉnh xác minh nguồn gốc trẻ
em đối với các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi nước ngoài.
2. Việc xác minh
nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi thuộc Danh sách 1 có thể thực
hiện đồng thời với việc thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em ngay khi Sở Tư pháp nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của trẻ em.
Công an tỉnh có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp. Nội dung trả lời của Công an tỉnh cần nêu rõ nguồn gốc
trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha, mẹ đẻ. Trường hợp xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ em thì nêu rõ họ, tên, nơi cư trú của cha, mẹ đẻ của trẻ em để Sở Tư pháp tiến hành thủ tục lấy ý kiến của những người liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
3. Công an tỉnh rút ngắn tối đa thời hạn xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi thuộc diện Danh sách 2 để tạo điều kiện cho trẻ em
khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo sớm tìm
được gia đình thay thế ở nước ngoài và được chữa trị, chăm
sóc sức khỏe trong điều kiện y tế hiện đại.
Điều 8. Phối hợp
trong việc xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài
1. Đối với trẻ em thuộc Danh sách 1:
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của trẻ em, Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của những người liên quan về
việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Trường hợp
trẻ em bị bỏ rơi, thực
hiện việc xác minh hồ sơ của trẻ em theo quy định tại Điều 33 của Luật Nuôi con nuôi và Điều 7 Quy chế này.
Sau khi kiểm tra,
xác minh hồ sơ trẻ em theo quy định, nếu thấy trẻ em có
đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài, Sở Tư pháp xác nhận,
lập danh sách trẻ em đủ điều kiện làm
con nuôi nước ngoài, gửi Cục Con nuôi. Việc xác nhận phải được thực hiện đối với
từng trường hợp trẻ em cụ thể và phải đảm bảo các yêu cầu tại Điều 16 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
2. Đối với trẻ em
thuộc Danh sách 2: Khi nhận được hồ sơ trẻ em và Danh sách 2, Sở Tư pháp kiểm
tra hồ sơ của trẻ em, tiến hành lấy ý kiến của những người liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và có Công văn kèm hồ sơ
yêu cầu Công an tỉnh xác minh đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi. Trường hợp hồ
sơ trẻ em đầy đủ, hợp lệ, thì xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước
ngoài và gửi danh sách kèm theo hồ sơ trẻ em cho Cục Con nuôi để tìm gia đình
nước ngoài nhận đích danh trẻ em làm con nuôi.
Điều 9. Phối hợp
trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài
1. Sở Tư pháp gửi công văn kèm theo
phụ lục tóm tắt hồ sơ của trẻ em và hồ sơ của người nhận con nuôi cho Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Y tế đề nghị cho ý kiến về các phương
án giới thiệu trẻ em cho người nhận con nuôi.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận
được đề nghị của Sở Tư pháp, các cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời
Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu
hoặc giải trình ý kiến của các cơ quan liên quan và báo
cáo UBND tỉnh kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày
nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, UBND tỉnh có ý kiến về
việc đồng ý hoặc không đồng ý với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài
của Sở Tư pháp. Trường hợp UBND tỉnh đồng ý, thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của UBND tỉnh, Sở Tư pháp chuyển cho Cục Con nuôi 01 bộ
hồ sơ của trẻ em kèm theo văn bản đồng ý của UBND tỉnh. Trường hợp không đồng
ý, UBND tỉnh thông báo rõ lý do để Sở
Tư pháp tiến hành giới thiệu lại.
Điều 10. Phối hợp
trong việc quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, chi phí
giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài
1. Căn cứ vào thông báo của Cục Con nuôi
về số lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài và chi phí giải quyết việc nuôi
con nuôi nước ngoài chuyển về địa phương, Sở Tài chính có
trách nhiệm thông báo cho Sở Tư pháp, cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc rút dự toán chi tiêu trong phạm
vi số kinh phí được điều chuyển và có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị này sử dụng,
chấp hành và quyết toán kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số
146/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 7/9/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính quy định việc
lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động chuyên môn, nghiệp
vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ
phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài, chi phí giải
quyết nuôi con nuôi nước ngoài.
2. Sở Tư pháp,
cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm sử dụng, chấp hành, quyết toán kinh phí và báo
cáo việc sử dụng kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 146/2012/TTLT-BTC-BTP.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách
nhiệm của Sở Tư pháp
1. Chủ trì tổ chức thực hiện Quy chế
này.
2. Cung cấp thông tin, tài liệu cần
thiết theo đề nghị của cơ quan phối hợp.
3. Chủ động xây dựng chương trình, kế
hoạch hoặc đề xuất nội dung phối hợp liên ngành trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
4. Chủ động chuẩn bị nội dung, tổ chức
các cuộc họp liên ngành thường kỳ hoặc đột xuất hoặc trao đổi ý kiến liên ngành bằng văn bản để đảm bảo hiệu quả của công tác giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại địa
phương.
5. Chịu trách nhiệm đảm bảo cơ sở vật
chất và điều kiện cho các cuộc họp liên ngành do Sở Tư pháp chủ trì.
6. Đôn đốc, theo dõi, đánh giá về
công tác phối hợp.
7. Chủ trì
phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp
liên ngành để tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Quy chế.
Điều 12. Trách
nhiệm của Sở Y tế
1. Hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc cấp các giấy tờ về sự kiện sinh, tử, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi đúng
theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng làm hồ sơ
giả cho trẻ em làm con nuôi, mua bán trẻ em.
2. Chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi trong trường hợp có xác minh lai
lịch trẻ em bị bỏ rơi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc các sự kiện
sinh, tử khác theo yêu cầu của Công an tỉnh, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội hoặc Sở Tư pháp.
Điều 13. Trách
nhiệm của Công an tỉnh
Xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ
rơi được cho làm con nuôi người nước ngoài; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện,
điều tra, xử lý hành vi phạm tội trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Điều 14. Trách
nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở nuôi dưỡng và các cơ
quan có liên quan
Căn cứ vào đề nghị của cơ quan chủ
trì, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội, các cơ sở nuôi dưỡng và các cơ quan có liên quan có
trách nhiệm:
1. Tham gia,
thực hiện theo tiến độ, bảo đảm chất lượng các nội dung phối
hợp.
2. Cử cán bộ tham gia họp liên ngành
và tham gia Đoàn công tác liên ngành (nếu có) và tạo điều kiện cho cán bộ thực
hiện nhiệm vụ được giao.
3. Đôn đốc, theo dõi, đánh giá và báo
cáo kết quả thực hiện công tác phối hợp trong lĩnh vực quản
lý của ngành, gửi cơ quan chủ trì tổng hợp, báo cáo
chung theo Quy chế này.
Điều 15. Kinh
phí thực hiện
1. Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ
nguồn thu lệ phí, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước
ngoài theo quy định của pháp luật nuôi con nuôi.
2. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch công tác và nhiệm vụ được giao, các đơn vị thực hiện việc
dự toán ngân sách đảm bảo cho việc thực hiện Quy chế. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí
trong lĩnh vực nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách
Nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và Thông tư liên tịch số
146/2012/TTLT-BTC-BTP của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy
định việc lập dự quán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh
phí hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi từ nguồn thu lệ
phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài,
chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc các cơ quan, tổ chức phản ánh về Sở Tư pháp để
tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.