Quyết định 1665/QĐ-UBND năm 2011 ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 1665/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/07/2011
Ngày có hiệu lực 15/07/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1665/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 15 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐTTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/8/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

Căn cứ Quyết định số 12/2005/QĐ-UB ngày 07/3/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Quảng Bình đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 661/SNV-CCVC ngày 29/6/2011,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc các Sở, ban ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ; (B/c)
- Ban Thường vụ TU;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND;
- Ban Tổ chức TU;
- TT Công báo; TT Tin học; Website tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 15 tháng 07 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Để triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của tỉnh; căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/8/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Quyết định số 12/2005/QĐ-UB ngày 07/3/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Quảng Bình đến năm 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH QUẢNG BÌNH 5 NĂM (2005 - 2010)

1. Kết quả đạt được

- Qua 5 năm (2005 - 2010) thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực theo Quyết định 12/2005/QĐ-UB ngày 07/3/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhìn chung cơ cấu nhân lực của tỉnh đã có nhiều thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng (2005 là 13,78%; 2010 là 14,36%) và lĩnh vực Dịch vụ (2005 là 15,23%; 2010 là 20,05%) và giảm dần trong lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản (2005 là 70,19%; 2010 là 65,59%);

- Lực lượng lao động trong tỉnh khá trẻ, lao động ở nhóm tuổi từ 14-24 chiếm tỷ lệ 24,6%; nhóm tuổi từ 25-34 chiếm 20,4%; nhóm tuổi từ 35-45 chiếm 17,96%; nhóm tuổi từ trên 45 chiếm 37,04%; số lượng lao động nữ: 29.960 người, chiếm 50,39% trong tổng số lao động toàn tỉnh.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học ngày càng tăng.

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn chuyển biến rõ rệt. Nhóm người lao động có trình độ giáo dục phổ thông bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tăng liên tục, năm 2010 là 64,5%, tăng 4,5% so với năm 2005; tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2010 đạt 40%, tăng 18,5% so với năm 2005; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 22%, tăng 11% so với năm 2005.

- Bên cạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã quan tâm công tác tạo việc làm cho người lao động. Các nguồn lực, các chương trình, dự án để giải quyết việc làm được tập trung huy động và lồng ghép cùng Chương trình quốc gia giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; mỗi năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 2,5 vạn người lao động.

- Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ngày càng được nâng lên. Điều kiện chăm sóc, bảo vệ, rèn luyện sức khỏe của người lao động ngày càng tốt hơn; thể lực của người lao động từng bước được cải thiện.

Nguyên nhân của những kết quả đạt được

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp cho người lao động xác định được mục tiêu và định hướng nghề nghiệp;

- Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng; yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi người lao động phải không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt;

- Nền kinh tế của tỉnh không ngừng tăng trưởng và phát triển (tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 11%, cao hơn mức tăng chung của cả nước) đã tác động không nhỏ đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực;

[...]