Quyết định 195/QĐ-UBND năm 2011 về Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020"

Số hiệu 195/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/01/2011
Ngày có hiệu lực 26/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Đảng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 26 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN "ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020";

Căn cứ Nghị quyết số 90/2008/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 03/TTr-SLĐTBXH ngày 24 tháng 01 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đảng

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020
(ban hành kèm theo Quyết định số 195/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Ngày 27 tháng 11 năm 2009 Chính phủ đã ký Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", với mục tiêu bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 01 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100 ngàn lượt cán bộ, công chức xã; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn.

Theo thống kê, dân số Quảng Bình đến năm 2010 là 852.845 người, trong đó, dân số nông thôn 720.811 người (chiếm 84,65%); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh chiếm 22% so với số lao động trong độ tuổi. Nhìn chung, nền kinh tế của tỉnh phát triển chưa đồng bộ, thị trường lao động chưa phát triển, vấn đề giải quyết việc làm vẫn còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường sử dụng lao động trong nước và quốc tế; hệ thống cơ sở dạy nghề được hình thành và đi vào hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao, đào tạo nghề còn mang tính phiến diện, chạy theo số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sản xuất, ngành nghề đào tạo còn nghèo nàn, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và đội ngũ cán bộ giáo viên dạy nghề còn thiếu, chất lượng đào tạo chưa cao. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một yêu cầu cấp bách, việc xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020” là một giải pháp quan trọng và cần thiết để phát triển nhanh kinh tế - xã hội và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của tỉnh.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Về tình hình kinh tế - xã hội

Giai đoạn 2006 - 2010, nền kinh tế Quảng Bình tiếp tục phát triển đạt tốc độ tăng trưởng khá, từng bước tạo lập được các yếu tố đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 05 năm đạt 11% (06 tháng đầu năm 2010 đạt 10,3%); Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 20%, công nghiệp - xây dựng chiếm 40%, dịch vụ chiếm 40%; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 14,8 triệu đồng.

2. Về lao động - việc làm

Tổng dân số đến năm 2010: 852.485 người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi: 536.733 người, chiếm 62,96%; lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế: 462.405 người, chiếm 54,24% (lao động làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp 291.914 người, chiếm 63%; công nghiệp và xây dựng 68.278 người, chiếm 15%; dịch vụ 102.213 người, chiếm 22%). Giai đoạn 2006 - 2010 giải quyết việc làm cho 12 - 12,5 vạn lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 2,4 - 2,5 vạn lao động

3. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

3.1. Kết quả đạt được

[...]