Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 35/2009/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 35/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/12/2009
Ngày có hiệu lực 01/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Hữu Hoài
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 35/2009/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 22 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số: 271/TT-SKHCN ngày 17 tháng 11 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020" kèm theo quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Ban thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMT TQ Việt Nam tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 35/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND tỉnh Quảng Bình)

MỞ ĐẦU

Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, của đội ngũ cán bộ KH&CN trong tỉnh, tiềm lực KH&CN đã được tăng cường, KH&CN đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trình độ KH&CN trên địa bàn tỉnh ta hiện nay nhìn chung vẫn còn rất thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, năng lực nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ mới còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và CNH - HĐH.

Thách thức lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta hiện nay là chất lượng tăng trưởng chưa ổn định, thiếu tính bền vững, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao. Điều này đòi hỏi KH&CN phải có trách nhiệm lớn hơn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và CNH-HĐH trên địa bàn tỉnh.

Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 nhằm mục tiêu tập trung xây dựng, phát triển và nâng cao năng lực KH&CN đạt trình độ trung bình tiên tiến, phấn đấu đưa KH&CN thực sự trở thành nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đẩy mạnh CNH-HĐH; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân.

I. QUAN ĐIỂM, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH -HĐH và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Phát triển KH&CN là cơ sở cho đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất và lĩnh vực của địa phương. Dựa vào KH&CN để chuyển đổi căn bản các hoạt động kinh tế hướng vào phát triển theo chiều sâu và bền vững, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh.

b) Phát triển KH&CN phải định hướng vào các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng và an ninh và nhu cầu thiết thực của đời sống xã hội của tỉnh, đồng thời các quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội phải có luận cứ khoa học và dựa vào KH&CN.

c) Bảo đảm sự gắn kết giữa KH&CN với giáo dục và đào tạo; giữa khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và KH&CN; giữa Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu triển khai và Doanh nghiệp. 

d) Phát triển KH&CN phải trên cơ sở tiếp thu nhanh các thành tựu KH&CN trên thế giới, khu vực và trong nước, phát huy năng lực KH&CN nội sinh, nâng cao hiệu quả sử dụng tiềm lực KH&CN địa phương. Ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên, cơ bản, công ích; khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ KH&CN.

đ) Tạo cơ chế để phát huy cao độ năng lực sáng tạo của quần chúng, của các tổ chức KH&CN, của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị-xã hội và của mỗi công dân trong hoạt động KH&CN.

2. Phương hướng

a) Đẩy mạnh nghiên cứu KHXH&NV nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình đổi mới, hội nhập và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

[...]