Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1652/QĐ-BTC năm 2011 phê duyệt Kế hoạch xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1652/QĐ-BTC
Ngày ban hành 12/07/2011
Ngày có hiệu lực 12/07/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1652/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO TCVN ISO 9001:2008 VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của Bộ Tài chính (kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thực hiện quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để b/cáo);
- Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng);
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, Vụ PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO TIÊU CHUẨN TCVN ISO 9001:2008 VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ TÀI CHÍNH
(Ban hành theo Quyết định số 1652/QĐ-BTC ngày 12/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Kế hoạch được ban hành để thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/06/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời nhằm đảm bảo việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với các hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại Bộ Tài chính được thực hiện thống nhất.

2. Yêu cầu

- Xây dựng, áp dụng các quy trình giải quyết công việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải khoa học, tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Bộ; phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả; giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị điều hành, kiểm soát được toàn bộ quá trình giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị; đổi mới phương pháp làm việc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện công vụ, phục vụ tốt yêu cầu của tổ chức, cá nhân và nhân dân.

- Đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều phải áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đối với toàn bộ hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; được tiến hành đánh giá và cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 (dưới đây gọi tắt là tiêu chuẩn ISO). Đối với các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương đến ngày 31/12/2012 phải hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình khung do Bộ Tài chính ban hành.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN QUẢN LÝ THEO TIÊU CHUẨN ISO.

1. Phạm vi áp dụng

Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tập trung vào các quy trình giải quyết toàn bộ công việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và các doanh nghiệp (theo kết quả thực hiện Đề án 30); quy trình xử lý công việc và các hoạt động quản lý nội bộ, hoạt động khác của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

2. Đối tượng thực hiện

Các đối tượng thực hiện xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được căn cứ theo Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về: tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ Nhà nước, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cụ thể bao gồm những đối tượng sau: (i) Tổng cục thuế, (ii) Tổng cục Hải quan, (iii) Ủy ban chứng khoán Nhà nước, (iv) Kho bạc Nhà nước, (v) Tổng cục Dự trữ Nhà nước, (vi) Khối cơ quan Bộ Tài chính (Văn phòng; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý công sản; Cục Tài chính doanh nghiệp; Cục Quản lý giám sát bảo hiểm; Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại; Vụ Tài chính ngân hàng; Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán; Thanh tra Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hành chính sự nghiệp; Vụ Đầu tư, Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Vụ Hợp tác quốc tế; Ngân sách Nhà nước; Tin học; Chính sách thuế).

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CẦN TRIỂN KHAI

1. Thành lập Ban chỉ đạo triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại đơn vị (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và khối cơ quan Bộ Tài chính). Ban Chỉ đạo triển khai ISO gồm các thành viên: (i) Lãnh đạo đơn vị là Trưởng ban, (ii) thủ trưởng bộ phận thường trực làm Phó trưởng ban thường trực (iii) thủ trưởng các bộ phận liên quan tại đơn vị là thành viên. Riêng khối cơ quan Bộ thì Chánh Văn phòng Bộ làm trưởng ban, Lãnh đạo Vụ Pháp chế làm Phó trưởng ban; lãnh đạo các đơn vị làm thành viên.

[...]