ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1626/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
14 tháng 6 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13
được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24
tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17
tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản
lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01
tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt
để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND
ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát
triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày 25
tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ
môi trường tỉnh An Giang đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 25
tháng 8 năm 2011 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Quy hoạch quản
lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 định hướng
2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tại Tờ trình số 165/TTr-STNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa
bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký
và thay thế Quyết định số 634/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh
An Giang về việc ban hành Kế hoạch xử lý cấp bách chất thải rắn sinh hoạt trên
địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2016.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đơn vị có liên quan
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch và PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Sở: TN&MT, TC, KH&ĐT;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Phòng: KTN, KTTH;
- Lưu: HCTC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Quang Thi
|
KẾ HOẠCH
XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 của UBND tỉnh
An Giang)
Trong 05 năm qua, với những nỗ lực của các
ngành, các cấp và các đơn vị, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải
sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, đặc biệt là
sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 634/QĐ-UBND ngày 28/4/2014 về Kế hoạch
xử lý cấp bách chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2016.
Đến nay, đã triển khai đóng lấp hoàn thành bãi rác Kênh 4
và bãi rác thị trấn Long Bình; đang
triển khai xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi rác Bình Đức và 06 bãi rác trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng
Chính phủ; đang triển khai xây dựng hạ tầng, đường giao thông và hố chôn lấp hợp
vệ sinh tại 02 khu xử lý rác tập trung tại xã Bình Hòa - Châu Thành và xã Phú
Thạnh - Phú Tân; lập dự án đầu tư lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại 04 thị trấn
và 08 xã nông thôn; nhiều mô hình thu gom, xử lý rác quy mô hộ gia đình tại các
vùng nông thôn được triển khai; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang
đang triển khai thực hiện đề án hợp nhất, kiện toàn các đơn vị thu gom, xử lý
rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh…
Tuy nhiên, công tác thu gom, vận
chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian qua cũng còn nhiều bất cập như: trang thiết bị còn thiếu và chưa hiện đại;
ngân sách chưa đảm bảo chi trả cho công tác xử lý nên chưa kêu gọi được các nhà
đầu tư từ bên ngoài; việc thực hiện các dự án đóng lấp bãi rác ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng, các dự án đầu tư lò đốt tại thị trấn và khu vực nông thôn thực hiện chậm so với tiến độ được duyệt do các thủ
tục liên quan đến công tác lập, thẩm
định, phê duyệt và đấu thầu dự án; việc phát sinh thêm lượng rác mới cần phải xử
lý; nguồn kinh phí đối ứng của huyện quá lớn; một số vị trí đặt lò đốt chưa phù
hợp quy hoạch hoặc chưa tạo được quỹ đất theo đúng quy định; nhiều công nghệ xử
lý được giới thiệu nhưng chưa có văn bản quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn lựa
chọn từ các bộ, ngành chuyên môn,…
Trong khi đó,
theo ước tính đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 1.900 tấn/ngày, với tỷ lệ thu
gom khoảng 78% thì khối lượng chất thải rắn phải thu gom, xử lý toàn tỉnh khoảng
1.500 tấn/ngày, trong đó: khu vực đô thị phải đạt 90% (tương đương 900 tấn/ngày),
khu vực nông thôn phải đạt 70% (tương đương 650 tấn/ngày). Đây là một áp lực rất
lớn, cần phải có kế hoạch, giải pháp thích hợp. Hiện nay, tỉnh chưa ban hành mức
phí xử lý chất thải rắn mà chỉ áp dụng mức phí thu gom, vận chuyển rác thải
theo Quyết định số 32/2013/QĐ-UBND ngày 30/8/2013. Tuy nhiên, trong thời gian tới
nếu rác thải được các doanh nghiệp nhà đầu tư xử lý thì ước tính ngân sách nhà
nước phải chi trả cho các đơn vị này khoảng từ 121 - 213 tỷ đồng/năm (tính
theo Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 06/4/2012 của Bộ Xây dựng về việc công bố suất
vốn đầu tư xây dựng và mức phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt).
Việc đóng lấp các bãi rác thải
sinh hoạt gây ô nhiễm trên địa bàn đang được triển khai và dự kiến sẽ hoàn
thành (bãi rác Cái Dầu, bãi rác An Phú) trong quý III năm 2016 trong khi các dự
án đầu tư lò đốt đến nay vẫn chưa được xây dựng, sẽ là vấn đề gây bức xúc tiếp
theo nếu không có kế hoạch, giải pháp đầu tư hợp lý.
Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại,
thống nhất các chủ trương về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong giai đoạn tới và nhằm góp phần triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ 10, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020 của tỉnh thì việc ban hành “Kế
hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016
- 2020” là hết sức cần thiết và cấp bách. Nội dung Kế hoạch cụ
thể như sau:
I. CĂN CỨ
PHÁP LÝ
- Luật Bảo vệ môi trường số
55/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26 tháng 3 năm 2014;
- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày
24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
- Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày
17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng
hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày
01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để
các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020;
- Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày
25/8/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh An
Giang đến năm 2020;
- Quyết định số 1456/QĐ-UBND
ngày 25/8/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất
thải rắn trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 định hướng 2030;
- Nghị quyết Đảng bộ tỉnh An
Giang lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020;
- Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND
ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển
kinh tế xã hội 05 năm giai đoạn 2016 - 2020.
II. MỤC TIÊU VÀ
CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu:
- Đảm bảo lượng chất thải rắn sinh
hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 được thu gom và xử lý đảm
bảo vệ sinh môi trường.
- Các bãi chôn lấp chất thải rắn
sinh hoạt đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được đóng lấp.
- Đầu tư đồng bộ lò đốt chất thải
rắn sinh hoạt với việc đóng lấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
- Nâng cao hiệu quả quản lý chất
thải rắn sinh hoạt nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo vệ sinh môi
trường trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
2. Chỉ tiêu:
- Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh
hoạt đến năm 2020 đạt 78% (tương đương 1500 tấn/ngày), trong đó: Đô thị đạt
90%; Nông thôn đạt 70%.
- Đóng cửa 100% bãi chôn lấp chất
thải rắn sinh hoạt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
III. NỘI DUNG KẾ
HOẠCH
1. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
1.1. Giai đoạn 2016 - 2018:
Trong giai đoạn 2016 - 2018 ước
phát sinh khoảng 1.704 tấn/ngày, thu gom 1.192 tấn/ngày (trong đó Công ty TNHH
MTV Môi trường đô thị An Giang thu gom 885 tấn/ngày, còn lại khoảng 307 tấn được
thu về các bãi rác của xã và 08 mô hình xử lý rác thải nông thôn); lượng rác
phát sinh còn lại chưa được thu gom (512 tấn/ngày) được thu gom, tái chế bán phế
liệu hoặc tự xử lý.
Giai đoạn này do chưa có các nhà
máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt nên chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang thu gom, xử lý bằng hình thức chôn
lấp hợp vệ sinh tại các bãi chôn lấp và các lò đốt chất thải sinh hoạt, có tổng
công suất xử lý ước tính khoảng 885 tấn/ngày. Cụ thể:
1.1.1 Xử lý bằng hình thức
chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi chôn lấp:
a) Nội dung và tiến độ thực hiện:
Có 03 bãi chôn lấp chất thải rắn
sinh hoạt hợp vệ sinh: (Chi tiết tại Phụ lục 1).
- Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh
hoạt hợp vệ sinh tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Bình Hòa - Châu Thành,
công suất 245 tấn/ngày. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang làm chủ đầu
tư, hoàn thành và nhận rác từ tháng 9 năm 2016. Xử lý cho cụm địa bàn Long Xuyên,
Châu Thành, một phần huyện Thoại Sơn, Châu Phú.
- Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh
hoạt hợp vệ sinh Kênh 10 - Châu Đốc (bắt đầu hoạt động từ năm 2010 để xử lý rác
cho thành phố Châu Đốc, đến ngày 31/01/2016 tiếp nhận thêm 25 tấn/ngày từ huyện
An Phú), công suất 200 tấn/ngày, xử lý cho cụm Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú và một
phần Tri Tôn, Châu Phú. Dự kiến cuối năm 2017 thực hiện dự án đóng lấp hố chôn
rác số 01 do ô nhiễm môi trường vì vận hành không đúng theo quy định của bãi
chôn lấp hợp vệ sinh và đầu tư cải tạo hố chôn lấp số 2 theo đúng tiêu chuẩn
bãi chôn lấp hợp vệ sinh (chi tiết tại Phụ lục 5) và tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải trong giai đoạn này.
- Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh
hoạt hợp vệ sinh xã Phú Thạnh - Phú Tân công suất 100 tấn/ngày do Công ty TNHH
MTV Môi trường đô thị An Giang làm chủ đầu tư, dự kiến đưa vào sử dụng trước
tháng 9 năm 2016, xử lý cho cụm thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân. Tiếp tục kêu
gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải Phú Thạnh - Phú Tân với công suất 200 tấn/ngày
b) Kinh phí đầu tư :
- Hạ tầng khu liên hợp xử lý chất
thải rắn cụm Long Xuyên giai đoạn 1: 101,712 tỷ đồng (theo Quyết định số
129/QĐ-UBND ngày 21/01/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung
dự án đầu tư công trình Hạ tầng xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên xã Bình Hòa,
huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).
- Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh
hoạt hợp vệ sinh Kênh 10- Châu Đốc: Kinh phí đầu tư cải tạo hệ thống xử lý (nước
rỉ rác, hố chôn rác ... ) kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
- Hạ tầng khu xử lý chất thải rắn
sinh hoạt hợp vệ sinh xã Phú Thạnh - Phú Tân: 85,036 tỷ đồng (theo Quyết định số
73/QĐ-UBND ngày 17/01/2011 của UBND tỉnh về việc đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống
xử lý rác thải Phú Tân).
c) Phí xử lý: Mức phí xử lý rác thải giai đoạn này giao Sở Tài chính xem xét, cân đối
đề xuất UBND tỉnh để chi trả cho nhà đầu tư; trong trường hợp ngân sách tỉnh đầu
tư các công trình xử lý thì chỉ áp dụng mức phí vận hành không tính phí xử lý.
1.1.2. Xử lý bằng lò đốt chất
thải rắn sinh hoạt:
a) Nội dung và tiến độ thực hiện:
(chi tiết tại Phụ lục 2).
- Có 04 lò đốt cấp huyện, công suất
30 tấn/ngày: thị trấn Cái Dầu - Châu Phú (tiếp nhận rác để xử lý vào quý III -
IV/2016); xã Phước Hưng - An Phú (tiếp nhận rác để xử lý vào quý III - IV/2016);
thị trấn Núi Sập - Thoại Sơn (tiếp nhận rác để xử lý vào quý IV/2016); thị trấn
Mỹ Luông - Chợ Mới (tiếp nhận rác để xử lý vào quý II/2017).
- Có 08 lò cấp xã, công suất 10 -
15 tấn/ngày: xã An Bình - Thoại Sơn (tiếp nhận rác để xử lý vào quý IV/2016); xã
Vĩnh Gia - Tri Tôn (tiếp nhận rác để xử lý vào quý IV/2016); Kiến An - Chợ Mới
(tiếp nhận rác để xử lý vào quý IV/2016); xã Núi Voi - Tịnh Biên (tiếp nhận rác
để xử lý vào quý III/2017); xã Bình Phước Xuân- Chợ Mới (tiếp nhận rác để xử lý
vào quý IV/2017) và Long Điền A - Chợ Mới (tiếp nhận rác để xử lý vào quý
IV/2017); xã Vĩnh Nhuận - Châu Thành (tiếp nhận rác để xử lý vào quý IV/2017);
xã Mỹ Hòa Hưng - Long Xuyên (tiếp nhận rác để xử lý vào quý IV/2017).
b) Kinh phí đầu tư:
Đối với dự án đầu tư 04 lò cấp huyện
và 08 lò cấp xã, cụ thể:
- Công ty TNHH MTV Môi trường đô
thị An Giang là nhà đầu tư để đầu tư các lò đốt rác thải sinh hoạt, thực hiện lựa
chọn công nghệ lò đốt rác theo Quy chuẩn 61-MT: 2016/BTNMT về kỹ thuật quốc gia
về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống xử lý khí thải, nước thải, xỉ tro,
hố chôn lấp rác thải do không đốt được và các công trình phụ trợ khác bằng nguồn
vốn Công ty.
- UBND các huyện làm chủ đầu tư thực
hiện: tạo quỹ đất, san lấp mặt bằng, đường điện, nước, đường dẫn vào đến chân
hàng rào công trình. Trong đó: (1) Việc tạo quỹ đất và san lấp mặt bằng từ nguồn
ngân sách của huyện; (2) Đầu tư hạng mục điện, nước, đường dẫn vào đến chân
hàng rào công trình từ nguồn ngân sách tỉnh (50% nguồn vốn sự nghiệp môi trường
và 50% nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh). Hỗ trợ không quá 06 tỷ đồng/01 dự
án đối với lò đốt rác thải sinh hoạt cấp huyện và không quá 05 tỷ đồng/01 dự án
đối với lò đốt rác thải sinh hoạt cấp xã.
c) Phí xử lý: Mức phí xử lý rác thải giai đoạn này giao Sở Tài chính xem xét, cân đối
đề xuất UBND tỉnh để chi trả cho nhà đầu tư; trong trường hợp ngân sách tỉnh đầu
tư các công trình xử lý thì chỉ áp dụng mức phí vận hành không tính phí xử lý.
1.1.3. Xử lý bằng các mô
hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: (chi
tiết tại Phụ lục số 3).
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và
Môi trường cùng các đơn vị liên tịch đầu tư 08 mô hình thu gom và xử lý chất thải
rắn sinh hoạt công suất từ 5 - 10 m3/ngày cho 08 xã (xã Hòa Bình và
Mỹ Hiệp - Chợ Mới; xã Bình Thạnh - Châu Thành; xã Vĩnh Phú - Thoại Sơn; xã Vĩnh
Lộc - An Phú; xã An Hảo - Tịnh Biên; xã Phú Bình - Phú Tân; xã Vĩnh Hòa - Tân
Châu), có tổng công suất xử lý khoảng 40 tấn/ngày. Do đó, các xã tiếp tục duy
trì, cải tạo các mô hình này, đồng thời các huyện cần nhân rộng ra cho các xã
vùng sâu, khó khăn mà Công ty TNHH MTV môi trường đô thị An Giang chưa thu gom
xử lý được.
Đến năm 2017, các địa phương có mô
hình thực hiện bàn giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang quản lý
và vận hành. Chi phí vận hành từ nguồn ngân sách của địa phương.
1.1.4. Xử lý chất thải rắn
sinh hoạt đối với các xã nông thôn vùng sâu, trên núi, cù lao mà phương tiện
thu gom không thể đến thu gom hoặc việc vận chuyển quá khó khăn:
- UBND các xã
chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý công tác thu gom rác thải thuộc địa
bàn quản lý; phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang, Sở Tài
nguyên và Môi trường, các đoàn thể thực hiện các mô hình thu gom, vận chuyển và
xử lý rác thải phù hợp.
- Tùy tình hình thực tế của địa
phương vận động lập các tổ tự quản, mô hình tự thu gom và tự xử lý chất thải rắn
sinh hoạt trên địa bàn.
1.2. Giai đoạn 2018 - 2020:
Để giải quyết lượng chất thải rắn
sinh hoạt ngày càng tăng đến năm 2020 thì ngoài các bãi chôn lấp và lò đốt như
trên thì việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần phải đầu tư thêm các nhà máy xử
lý:
- Nhà máy xử
lý rác thải sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn
xã Bình Hòa - Châu Thành, công suất
245 tấn/ngày, đã có chủ trương đầu tư theo Quyết định số 267/QĐ-UBND ngày
21/02/2012 của UBND tỉnh, giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang
làm chủ đầu tư, hoàn thành vào đầu năm 2018 xử lý cho cụm Long Xuyên, Châu
Thành, một phần Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn.
- Tiếp tục kêu gọi đầu tư 02 nhà
máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Kênh 10 - Châu Đốc (200 tấn/ngày) và tại
xã Phú Thạnh - Phú Tân (200 tấn/ngày).
Về phí xử lý rác thải: Mức phí xử lý rác thải giai đoạn này giao Sở
Tài chính xem xét, cân đối đề xuất UBND tỉnh để chi trả cho nhà đầu tư; trong
trường hợp ngân sách tỉnh đầu tư các công trình xử lý thì chỉ áp dụng mức phí vận
hành không tính phí xử lý.
2. Thu gom, vận chuyển:
a) Nội dung và tiến độ thực hiện:
- Công ty TNHH MTV Môi trường đô
thị An Giang thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
- UBND các huyện, thị, thành phố
cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang xây dựng Kế hoạch chi tiết về
công tác thu gom, trung chuyển và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa
bàn, đặc biệt đối với 60 xã điểm nông thôn mới theo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.
Hàng năm mở rộng thêm địa bàn tuyến thu gom, trung chuyển và vận chuyển đảm bảo
tỷ lệ thu gom đặt ra.
- Đối với các xã, địa bàn mà Công ty
TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang chưa tổ chức thu gom được thì UBND xã chịu
trách nhiệm tổ chức, quản lý và thu gom, vận động người dân lập các mô hình tự
quản thu gom đảm bảo không để rác vứt bừa bãi ra môi trường.
b) Kinh phí thực hiện:
- Lấy từ nguồn thu phí vệ sinh và
một phần từ ngân sách của mỗi huyện (kinh phí 1% sự nghiệp môi trường cấp cho
huyện hàng năm).
- Riêng chi phí vận chuyển chênh lệch
từ các bãi rác đang thực hiện đóng lấp về các bãi chôn lấp hợp vệ sinh trong thời
gian chờ đầu tư lò đốt rác lấy từ nguồn 1% kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh.
- Các nguồn xã hội hóa khác (nếu
có).
3. Đóng lấp các bãi rác thải
sinh hoạt đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng:
3.1 Các bãi chôn lấp nằm
trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Theo hai Quyết định
này, tỉnh An Giang đến nay còn 07 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt gây ô
nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý dứt điểm:
- Bãi chôn lấp
theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg
Công ty TNHH MTV
Môi trường đô thị An Giang sớm hoàn thành đóng lấp bãi Bình Đức - Long Xuyên
(giai đoạn 1 và giai đoạn 2) và bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ
đến quư IV năm 2018.
- Các bãi chôn lấp theo Quyết định
số 1788/QĐ-TTg
Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành
đóng lấp 06 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt: bãi rác thị trấn An Phú (quý
III/2016), thị trấn Cái Dầu (quý III-IV/2016), thị trấn Phú Mỹ (quý
III-IV/2016), thị xã Tân Châu (quý III-IV/2016), thị trấn Chợ Mới (quý
IV/2016), thị trấn Núi Sập (quý IV/2016) và xử lý dứt điểm lượng rác phát sinh
đến hết năm 2017 tại Công văn số 3795/VPUBND-ĐTXD ngày 02/12/2015.
- Kinh phí và tiến độ thực hiện (chi
tiết tại Phụ lục 4).
3.2 Các bãi chôn lấp chất thải
sinh hoạt đang gây ô nhiễm môi trường:
- Từ năm 2017 - 2020, Sở Tài
nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện dự án đóng lấp 04
bãi rác sinh hoạt cấp huyện: thị trấn Mỹ Luông - Chợ Mới, xã Bình Hòa - Châu
Thành, xã An Cư - Tịnh Biên, xã An Tức - Tri Tôn và 11 bãi rác sinh hoạt cấp
xã phát sinh: xã Vĩnh Hòa, xã Phú Lộc- Tân Châu; xã Vĩnh Nhuận, xã Tân Phú -
Châu Thành; xã Mỹ Hội Đông, xã Kiến Thành, xã Nhơn Mỹ, xã An Thạnh Trung, xã Hội
An - Chợ Mới; xã Cô Tô, xã Tân Tuyến - Tri Tôn.
- Kinh phí và tiến độ thực hiện (chi
tiết tại Phụ lục 5).
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp thông tin tuyên
truyền, nâng cao nhận thức
- Tăng cường công tác tuyên truyền
về thu gom xử lý rác trên các thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ gia đình trong công tác
bảo vệ môi trường.
- Vận động các hộ dân sống ven
kênh rạch, bè cá,... không vứt rác xuống sông, kênh, rạch mà bỏ vào nơi quy định
để được thu gom; người dân các xã vùng sâu, núi, cù lao mà điều kiện thu gom
khó khăn tham gia vào tổ tự quản thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc tự
thu gom, xử lý tại hộ gia đình.
2. Giải pháp về tăng cường
năng lực, quản lý nhà nước
- Nâng cao năng lực hệ thống quản
lý nhà nước về bảo vệ môi trường và thu gom rác thải ở các cấp, các ngành, các
địa phương.
- Công ty TNHH MTV môi trường đô
thị An Giang tổ chức thành lập các tổ, đội, xí nghiệp thu gom xử lý rác thải
theo hướng chuyên nghiệp đủ năng lực để hoạt động bảo vệ môi trường và thu gom
rác thải.
3. Giải pháp về cơ chế,
chính sách, tài chính
- Đa dạng hóa việc đầu tư các cơ sở
hạ tầng và các trang thiết bị để phục vụ tốt công tác thu gom xử lý chất thải.
- Kiên quyết xử phạt hành vi xả
rác thải không đúng nơi quy định để tăng cường tính răn đe nhằm phát huy tốt
hơn tính tự giác chấp hành giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Tổ chức nhân rộng một số mô hình
điểm về thu gom xử lý rác thải để phục vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích hỗ
trợ các mô hình sản xuất tái chế, tái sử dụng từ rác thải nhằm cải thiện môi
trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
- Thực hiện tốt công tác qui hoạch,
kế hoạch lắp đặt trạm trung chuyển, thiết bị chứa rác để triển khai thực hiện tốt
công tác thu gom xử lý rác thải hiện nay.
- Tăng cường huy động và sử dụng
có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom
rác thải; có chính sách hỗ trợ khuyến khích các mô hình phát triển đầu tư sản
xuất theo hướng thân thiện với môi trường để góp phần ổn định sản xuất theo hướng
bền vững.
- Phát huy vai trò trách nhiệm của
các cấp, các ngành, các địa phương, các hộ dân và các tổ chức kinh tế trong
công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường và thu gom rác thải; đưa công tác bảo
vệ môi trường và thu gom xử lý rác thải trở thành tiêu chí thi đua của các cấp,
các ngành, các địa phương và các hộ gia đình, xây dựng chế tài thưởng phạt
nghiêm minh trong công tác bảo vệ môi trường và thu gom xử lý rác thải theo quy
định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để khuyến khích toàn dân tham
gia bảo vệ môi trường.
4. Giải pháp về kiểm tra,
giám sát:
UBND các phường, xã, thị trấn phải
thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đổ rác của người dân và việc thu gom của
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang trên địa bàn để kịp thời hướng
dẫn, chấn chỉnh hoặc xử phạt theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì và phối hợp với
các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành triển khai thực hiện Kế
hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
An Giang giai đoạn 2016 - 2020 này.
- Hoàn thành việc đóng lấp các bãi
rác sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
- Tiếp tục phối hợp các đơn vị
liên tịch và địa phương có hình thức duy trì hoạt động các mô hình thu gom và xử
lý rác thải.
- Yêu cầu các đơn vị báo cáo định
kỳ hoặc đột xuất kết quả thực hiện kế hoạch này.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản
lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Xây dựng
- Chủ trì cùng
các sở, ngành điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
cho phù hợp điều kiện thực tế và định hướng sắp tới; Hướng dẫn quản lý
đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, tái sử dụng mặt bằng cơ sở
xử lý chất thải rắn và các công trình phụ trợ sau khi đóng lấp bãi chôn lấp.
- Phối hợp các sở,
ngành đề xuất định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom vận chuyển và cơ chế
tài chính để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xử lý chất thải rắn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà máy
xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Kênh 10 - Châu Đốc và xã Phú Thạnh - Phú Tân.
- Phối hợp Sở Tài chính bố
trí nguồn vốn thực hiện các dự án trong Kế hoạch này và đẩy nhanh tiến
độ thẩm định các dự án.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì và phối hợp Sở Kế
hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án trong Kế hoạch này.
- Xây dựng mức phí xử lý chất thải
rắn sinh hoạt và điều chỉnh mức phí vệ sinh phù hợp với điều kiện thực tế
của tỉnh.
- Tham mưu chi trả phí vận chuyển
và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ An Phú và Châu Phú về bãi rác Kênh 10 -
Châu Đốc và từ Tân Châu về bãi rác Phú Thạnh - Phú Tân cho Công ty TNHH MTV Môi
trường đô thị An Giang.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Nghiên cứu và
thẩm định các công nghệ, thiết bị xử lý, tái chế chất thải rắn trên địa bàn tỉnh;
Đề xuất các lò đốt rác thải sinh hoạt phù hợp điều kiện của địa phương; nghiên
cứu cải tạo các mô hình rác thải nông thôn hoạt động hiệu quả hơn.
6. Các sở, ban,
ngành và đơn vị có liên quan
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính
trị xã hội, nghề nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân tùy theo chức năng, nhiệm
vụ mà phối hợp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, giám
sát việc tổ chức thực hiện các nội dung theo kế hoạch này.
- Kịp thời thông báo, trao đổi
thông tin giữa các cơ quan chức năng nhằm giải quyết nhanh nhất những yêu cầu
liên quan đến quản lý rác thải; phát hiện và xử lý kịp thời hoặc báo cáo cơ
quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rác thải.
- Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến
nâng cao nhận thức rác thải cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, cộng đồng
dân cư. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước mà định kỳ hàng năm, 05
năm xây dựng báo cáo, kế hoạch bảo vệ môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường
tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt (hoặc báo cáo UBND tỉnh).
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị, thành phố
- Khẩn trương triển
khai việc tạo quỹ đất, san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống điện, nước, đường dẫn
vào công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện bàn giao cho Công ty
TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang theo đúng tiến độ.
- Phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường thực hiện các dự án đóng lấp, xử lý triệt để các
bãi rác ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Thực hiện công
tác tuyên truyền, thông tin về lộ trình thực hiện kế hoạch này tránh gây bức
xúc và ảnh hưởng đến đời sống dân cư trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, phường,
thị trấn tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thực hiện tốt việc đóng
phí vệ sinh, đổ rác đúng nơi quy định, tự xử lý rác, tham gia tổ tự quản môi
trường.
- Thống nhất với
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang về chỉ tiêu thu gom, xử lý và mở
rộng tuyến thu gom đến các xã điểm nông thôn mới mà Nghị quyết Đảng
bộ tỉnh An Giang lần thứ X đã đề ra.
- Tổ chức thu phí
thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chi trả phí thu gom và xử lý này cho
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang.
8. Công ty TNHH MTV Môi trường
đô thị An Giang
Kiện toàn hệ thống thu gom và vận
chuyển như: Trang bị thêm các phương tiện, thiết bị chuyên dùng như thùng chứa
rác ở những nơi công cộng (khu vực công viên, khu công cộng, khu vực chợ và khu
dân cư…); mở rộng tuyến thu gom vận chuyển nhằm đảm bảo vận chuyển đạt chỉ tiêu
như nêu trên.
Khẩn trương đầu tư lò đốt rác thải
sinh hoạt theo đúng tiến độ và vận hành đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tiếp nhận và vận hành các mô hình
xử lý rác thải nông thôn.
Báo cáo công tác thu gom, vận chuyển,
xử lý rác thải định kỳ vào ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 hàng năm cho
UBND tỉnh, UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc khi có yêu cầu báo cáo
đột xuất.
Đóng cửa hoàn toàn bãi chôn lấp chất
thải rắn sinh hoạt Bình Đức theo đúng tiến độ./.
PHỤ LỤC 1
Các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hoạt
động trong giai đoạn 2016-2018
STT
|
Tên mô hình
|
Công suất xử
lý (tấn/ ngày)
|
Thời gian hoạt
động
|
Kinh phí
(VNĐ)
|
Ghi chú
|
1
|
Hạ tầng khu liên hiệp xử lý chất
thải rắn cụm Long Xuyên, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang
|
245
|
Tháng 9/2016
|
101,712
tỷ (giai đoạn 1)
|
|
2
|
Cải tạo hố chôn lấp số 02 của bãi rác Kênh 10-
Châu Đốc
|
200
|
Năm 2016
|
Kêu gọi nhà đầu
tư cải tạo theo đúng tiêu chuẩn thiết kế hợp vệ sinh
|
Năm 2010 đã vận
hành theo hình thức BCL không hợp vệ sinh
|
3
|
Khu hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã
Phú Thạnh - Phú Tân
|
200
|
Tháng 9/2016
|
85,036
tỷ
|
|
4
|
Bãi chôn lấp hợp vệ sinh tạm thời tại khu hạ tầng
xử lý rác thải xã Phú Thạnh – Phú Tân
|
100
|
Tháng 9/2016
|
Công
ty TNHH MTV Môi trường đô thị lập dự án
|
|