Quyết định 162/1999/QĐ-BNN-PTNT Quy định tạm thời nghiệm thu khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 162/1999/QĐ-BNN-PTNT
Ngày ban hành 10/12/1999
Ngày có hiệu lực 10/12/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Văn Đẳng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 162/1999/QĐ-BNN-PTNT

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI NGHIỆM THU KHOÁN BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH KẾT HỢP TRỒNG BỔ SUNG, TRỒNG RỪNG VÀ CHĂM SÓC RỪNG TRỒNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .
Căn cứ Quyết định số 661/TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Sau khi có sự thoả thuận với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp và Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời nghiệm thu khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng.

Điều 2. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định có liên quan trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các Cục, Vụ, Viện, Trường, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đẳng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ NGHIỆM THU KHOÁN BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH KẾT HỢP TRỒNG BỔ SUNG, TRỒNG RỪNG VÀ CHĂM SÓC RỪNG TRỒNG
(Ban hành theo Quyết định số: 162/1999/QĐ-BNN-PTNT ngày 10 tháng 12 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

Điều 1: Quy định này xác định những nội dung, phương pháp tiến hành và tiêu chuẩn nghiệm thu khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng được áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất lâm nghiệp có sử dụng vốn ngân sách, vốn viện trợ và vốn vay ưu đãi.

Điều 2. Những căn cứ để tiến hành nghiệm thu:

1. Hợp đồng công việc ký kết giữa chủ dự án (bên A) và bên nhân hợp đồng (bên B).

2. Hồ sơ thiết kế và hồ sơ giao nhận.

3. Qui phạm phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung và các quy trình hướng dẫn kỹ thuật về trồng rừng các loài cây liên quan.

Điều 3: Nội dung nghiệm thu:

1. Khối lượng công việc thực hiện so với thiết kế kỹ thuật được duyệt và hợp đồng ký kết.

2. Chất lượng công việc: Các tiêu chuẩn kỹ thuật thực hiện.

Điều 4. Cấp nghiệm thu : Tuỳ theo nội dung công việc mà tiến hành nghiệm thu theo hai cấp sau :

1. Nghiệm thu cơ sở là nghiệm thu giữa bên giao khoán (bên A) với bên nhận khoán (bên B) Nghiệm thu cơ sở được tiến hành sau khi hoàn thành khối lượng công việc. Thời gian cụ thể do bên A và bên B thoả thuận. Tất cả các công trình, các hợp đồng đều phải được nghiệm thu. Khi nghiệm thu phải lập biên bản nghiệm thu (theo phụ lục 1,2,3,4 đình kèm). Trong biên bản phải ghi đầy đủ các số liệu đo đếm nhận xét về số lượng và chất lượng. Đây là cơ sở để thanh toán và đề xuất những công việc cho năm sau.

- Bên A hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu trước pháp luật.

2. Nghiệm thu phúc tra là nghiệm thu của các cơ quan cấp trên trực tiếp của bên A hoặc thẩm định nghiệm thu của hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết. Nghiệm thu phúc tra chỉ thực hiện khi bên A (cơ sở) đã hoàn thành nghiệm thu A - B và có báo cáo kết quả về cơ quan cấp trên trực tiếp. Nghiệm thu phúc tra chỉ tiến hành trong trường hợp cần thiết với số lượng đo đếm và mục trắc không quá 10% khối lượng nghiệm thu cơ sở và bằng phương pháp chọn ngẫu nhiên trên bản đồ thiết kế.

Điều 5: Thành phần tham gia nghiệm thu.

[...]