Quyết định 1590/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1590/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/08/2016
Ngày có hiệu lực 11/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1590/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG LỘ TRÌNH TỰ DO HÓA GIAO DỊCH VỐN CỦA VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn đ nn kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới;

Căn cứ Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 ban hành chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới;

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam” với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

- Xác định định hướng lộ trình mở cửa dòng vốn phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu kinh tế của Nhà nước, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán hoặc đã tham gia ký kết có liên quan đến lộ trình tự do hóa dòng vốn, góp phần thúc đẩy thu hút vốn nước ngoài, giám sát chặt chẽ các dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực trước biến động của các dòng vốn quốc tế.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về quản lý dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

- Nâng cao hiệu quả giám sát các dòng vốn vào - ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về dòng vốn kịp thời, chính xác đáp ứng yêu cầu của công tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách, điều hành thị trường ngoại hối, ổn định cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối một cách hợp lý.

- Thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn và ổn định vĩ mô, tăng cường giám sát và dự báo biến động dòng vốn, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

II. ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG LỘ TRÌNH

Các cam kết quốc tế, hiệp định thương mại và đầu tư song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết (khuôn khổ Hiệp định WTO, Điều lệ Quỹ IMF, cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định song phương và đa phương khác) không ràng buộc Việt Nam về việc mở cửa thị trường hơn nữa đối với các giao dịch vốn và có thể được phép sử dụng các biện pháp phòng vệ chính đáng để đối phó với những yếu tố tiềm tàng về mất cân đối vĩ mô và rủi ro hệ thống có thể phát sinh trong tiến trình tự do hóa.

Về định hướng phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian trước mắt đến 2020, Đảng và Chính phủ tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền.

Thực hiện định hướng phát triển kinh tế xã hội nói trên, việc xây dựng lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn cần thực hiện một cách thận trọng, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế và khả năng đáp ứng các điều kiện tiền đề để mở cửa hơn nữa thị trường vốn, cụ thể theo một số định hướng sau:

1. Nguyên tắc xây dựng lộ trình

a) Định hướng tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam không chịu ràng buộc bởi yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Việt Nam có thchủ động xây dựng định hướng tự do hóa giao dịch vốn trên cơ sở:

- Xu thế tất yếu của hội nhập các hoạt động đầu tư quốc tế;

- Sự tương thích với mức độ sẵn sàng của nền kinh tế, mức độ phát triển và mở cửa của hệ thống tài chính;

- Sự phù hợp với năng lực quản lý, cạnh tranh của Việt Nam.

b) Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ tính hiệu quả của hoạt động đầu tư, tính đồng bộ của chính sách vĩ mô, hướng tới thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn và n định vĩ mô, tăng cường giám sát và dự báo biến động dòng vốn, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

c) Trong lộ trình tự do hóa dòng vốn, các chính sách cần hướng tới mục tiêu:

- Giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính;

- Chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính sách thuế, lãi suất,...;

- Tăng cường hiệu quả các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô (chế độ thông tin báo cáo, cảnh báo sớm, theo dõi qua tài khoản,...);

[...]