UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 159/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang,
ngày 10 tháng 6 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH
TỈNH TUYÊN QUANG THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày
28/10/2008 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 45/2009/NQ-CP ngày
11/9/2009 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày
04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây
dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày
20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi
đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày
18/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011
của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2011-2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày
29/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh
Tuyên Quang 2011-2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 29/3/2012
của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015,
định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 06/2/2013 của Ủy ban nhân
dân tỉnh về Kế hoạch xây dựng nông thôn mới 07 xã điểm giai đoạn 2013-2015;
Xét đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tại Tờ
trình số 28-TTr/TĐTN ngày 06/5/2013; đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo
cáo số 215/BC-SKH ngày 03/6/2013 về thẩm định Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh tỉnh Tuyên Quang tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013 -
2020,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
Tuyên Quang tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013 – 2020, với nội
dung cụ thể như sau:
I. Mục tiêu của Đề án
1. Mục tiêu chung
- Nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về
Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình
nguyện của thanh niên trong tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn
mới tại cơ sở, góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh
theo các mục tiêu Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến
năm 2020 đã đề ra.
- Tạo sự chuyển biến về chất lượng tổ chức Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trên địa bàn nông thôn; tăng tỷ lệ tập hợp và
đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, chăm
lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho thanh thiếu niên ở nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu đến năm 2015
- 100% cơ sở Đoàn thực hiện hiệu quả công tác
tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.
- 100% thanh niên nông thôn được tuyên truyền,
tư vấn về học nghề và việc làm.
- Mỗi chi đoàn đảm nhận ít nhất 01 “Đoạn đường
thanh niên tự quản”; tổ chức có hiệu quả hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện
vệ sinh môi trường” ở địa phương.
- Hàng năm, đoàn thanh niên tham gia thực hiện
hoàn thành chỉ tiêu làm đường bê tông nông thôn của tỉnh. Đảm nhận duy tu, bảo
dưỡng các tuyến đường liên thôn, xóm và hệ thống kênh mương nội đồng, làm mới,
cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa thôn bản.
- Hàng năm, các cơ sở đoàn tổ chức vận động đoàn
viên, thanh niên đóng góp ngày công, vật liệu giúp đỡ sửa chữa, làm nhà mới cho
2 hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách trở lên.
- Mỗi cơ sở đoàn khối nông thôn xây dựng, đảm nhận
và duy trì hiệu quả 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn trở lên; nâng dư nợ ủy thác cho
vay mới tối thiểu 250 triệu đồng/cơ sở, giảm nợ quá hạn dưới 1% so với tổng dư
nợ vốn ủy thác do đoàn thanh niên quản lý. Hàng năm mỗi cơ sở đoàn khối nông
thôn xây dựng mới 01 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi có doanh thu từ 100
triệu đồng/năm trở lên.
- Phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật
cho 100% hộ gia đình do thanh niên làm chủ hộ; giảm tỷ lệ hộ thanh niên nghèo
theo chuẩn mới bình quân 5-6%/năm, các xã điểm xây dựng nông thôn mới phấn đấu
đến năm 2015 tỷ lệ hộ thanh niên nghèo dưới 10%.
- Duy trì 100% tổ chức đoàn ở các xã điểm xây dựng
nông thôn mới đạt vững mạnh; phấn đấu 85% tổ chức đoàn ở các xã đạt vững mạnh,
100% Bí thư Đoàn cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó
có trên 50% có trình độ cao đẳng, đại học.
2.2. Mục tiêu đến năm 2020
- 100% chi đoàn khối nông thôn tổ chức có hiệu
quả các hoạt động về xây dựng nông thôn mới.
- Giảm tỷ lệ hộ thanh niên nghèo theo chuẩn mới
dưới 10%; các xã điểm xây dựng nông thôn mới dưới 6%.
- Hàng năm, mỗi cơ sở đoàn khối nông thôn có ít
nhất 01 công trình thanh niên về tham gia làm mới, duy tu, sửa chữa đường bê
tông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng, nhà văn hóa thôn, bản.
- Xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả trên
500 tổ tiết kiệm và vay vốn (trong đó mỗi cơ sở đoàn khối nông thôn đảm nhận tối
thiểu 4 Tổ tiết kiệm và vay vốn); phấn đấu tổng dư nợ vốn ủy thác Ngân hàng
Chính sách xã hội thông qua tổ chức đoàn thanh niên đạt trên 300 tỷ đồng, nợ
quá hạn ở mức dưới 1% tổng dư nợ ủy thác do đoàn quản lý.
- 100% tổ chức đoàn ở các xã đạt vững mạnh, 100%
cán bộ đoàn chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong
đó có 80% có trình độ cao đẳng, đại học.
II. Giải pháp thực hiện
1. Về thông tin, tuyên truyền
- Tổ chức tuyên truyền để mọi cán bộ, đoàn viên
thanh niên và nhân dân hiểu về tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc
gia xây dựng nông thôn mới; hiểu được nội dung, phương pháp, cách làm, nghĩa vụ
và trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới thông qua các hội thi, hội diễn,
hội nghị, hội thảo, “Bản tin thanh niên”, website tinhdoantuyenquang.vn…;
qua đó phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc đề xuất các ý tưởng,
sáng kiến, giải pháp tham gia xây dựng nông thôn mới.
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Tuyên Quang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục
“Thanh niên Tuyên Quang” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
Báo Tuyên Quang để tuyên truyền về hoạt động của đoàn thanh niên tham gia xây dựng
nông thôn mới.
- Thành lập và duy trì hoạt động các đội tuyên
truyền ca khúc cách mạng tuyên truyền các mặt đời sống xã hội ở nông thôn, những
đổi thay qua việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.
- Chỉ đạo Đội nghệ thuật Tuổi trẻ xung kích – Trung
tâm Văn hóa thể thao – Thanh thiếu niên tỉnh tổ chức biểu diễn văn hóa văn nghệ
kết hợp với tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.
- Định kỳ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn làm tốt công tác biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá
nhân tiêu biểu trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.
2. Về tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và
bảo vệ môi trường nông thôn
- Tổ chức các đội thanh niên tình nguyện trực tiếp
xuống cơ sở, các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các công việc
thiết thực để các hộ gia đình chủ động tạo thói quen ăn, ở hợp vệ sinh, sắp xếp
đồ dùng gia đình gọn gàng, sạch sẽ; cải tạo, chỉnh trang nơi ở, khuôn viên,
sân, vườn ao, hàng rào, cổng ngõ; di chuyển, làm mới các công trình vệ sinh (nhà
tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi).
- Tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động “Ngày
thứ 7 tình nguyện vệ sinh môi trường”, tổ chức cho đoàn viên thanh thiếu
nhi thực hiện quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đào hố tiêu hủy rác thải,
làm thùng chứa rác hợp vệ sinh, đào hố chôn phân xanh phục vụ sản xuất; làm các
“Thùng rác lưu động”, “Xe chở rác lưu động” phục vụ vệ sinh môi
trường.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức đoàn viên tham gia thực hiện xây
dựng mới đường bê tông nông thôn, tham gia thực hiện sửa chữa, làm mới các công
trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; đồng thời đảm nhận việc quản lý,
duy tu các công trình sau xây dựng được đưa vào sử dụng.
3. Về tham gia phát triển kinh tế nông thôn
- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tuyên
Quang đến năm 2020, Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015.
Tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; khuyến khích thanh niên
nông thôn học nghề, lựa chọn nghề, việc làm phù hợp; vận động thanh niên đi lao
động có thời hạn ở nước ngoài, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở
trong nước; rà soát hộ thanh niên nghèo, cận nghèo và xác định rõ nguyên nhân
nghèo, xây dựng kế hoạch cụ thể với các chỉ tiêu và giải pháp hướng dẫn, giúp đỡ
hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững.
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách các
cấp triển khai thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng
chính sách khác an toàn, hiệu quả. Triển khai cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Quốc
gia hỗ trợ việc làm do Trung ương Đoàn quản lý tập trung vào các cơ sở sản xuất
kinh doanh, các dự án giải quyết nhiều lao động, gắn với xây dựng nông thôn mới
tại các xã điểm của tỉnh, huyện. Triển khai cho vay vốn hộ cận nghèo theo Quyết
định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và hướng dẫn thanh
niên tham gia loại hình câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế, thanh niên có môi trường
trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn; Sở Công Thương tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
trong sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, khuyến nông, khuyến công vận động đoàn
viên thanh niên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản
xuất hàng hóa. Khuyến khích thanh niên nông thôn xây dựng các mô hình, hình thức
tổ chức sản xuất (hợp tác xã thanh niên, tổ hợp tác thanh niên…); chủ động xây
dựng dự án sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến tiêu thụ, tiên phong đi
đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh tạo
ra sản phẩm có năng suất chất lượng cao để nhân diện rộng.
4. Về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn
- Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức
các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho đoàn viên thanh niên tại
các nhà văn hóa xã, thôn, xóm, bản; tham gia tu sửa, làm đẹp các công trình, di
tích lịch sử, văn hóa của địa phương; tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy các
bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Triển khai chương trình đoàn thanh niên
tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; vận động đoàn viên
thanh niên đi đầu thực hiện tốt “Quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội”,
thực hiện việc cưới văn minh, tiết kiệm; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị
đoan, cờ bạc trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát nắm
chắc số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có nguy cơ bỏ học, có biện
pháp giúp đỡ các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo học; tích cực
tham gia giữ vững thành quả phổ cập tiểu học và tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập
trung học cơ sở, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn
tỉnh.
5. Xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa
bàn nông thôn
- Xây dựng và duy trì hoạt động các đội hình
thanh niên xung kích tham gia công tác giữ gìn an ninh, đảm bảo trật tự an toàn
giao thông trên địa bàn nông thôn. Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết
không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; thường xuyên nêu gương đoàn
viên thanh niên có thành tích tiêu biểu trong việc tham gia giữ gìn an ninh, trật
tự.
- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho thanh niên chậm tiến, thanh niên
hoàn lương được học nghề, vay vốn phát triển sản xuất, gắn vay vốn với chuyển
giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng vốn vay hiệu quả và xây dựng mô hình
phát triển kinh tế. Qua đó tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp,
làm giàu chính đáng, tránh xa các tệ nạn xã hội.
6. Xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh; tích
cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở nông thôn
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số
62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương
thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Chương
trình số 17-CTr/TU ngày 27/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực
hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa
X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Triển khai thực hiện việc đoàn viên
đang sinh hoạt tại nơi cư trú (theo Điều lệ).
- Thực hiện cuộc vận động “Đoàn viên thanh
niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam”, chú trọng nâng
cao chất lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng. Tích cực tuyên truyền, vận
động đoàn viên, thanh niên xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương;
chủ động tham gia xây dựng chính quyền, tích cực tham gia xây dựng và thực hiện
quy chế dân chủ ở cơ sở; làm tốt việc giới thiệu cán bộ trẻ, tiêu biểu, đại diện
tổ chức đoàn tham gia vào cơ quan nhà nước ở các cấp, bồi dưỡng, tạo nguồn cán
bộ cung cấp cho các cấp chính quyền.
III. Kinh phí thực hiện
Từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu Quốc
gia xây dựng nông thôn mới hàng năm của tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Tỉnh đoàn thanh niên
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố trong việc tổ chức triển khai Đề án.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn xây dựng nhiệm vụ và dự toán thực hiện Đề án hàng năm, trình duyệt theo
quy định.
- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề phát
sinh trong quá trình triển khai; kiến nghị về những thay đổi, điều chỉnh cần
thiết phù hợp với thực tế của từng thời kỳ; hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
kết quả thực hiện; 2 năm sơ kết 01 lần và tổng kết Đề án khi kết thúc.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phối hợp với Tỉnh đoàn thanh niên trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và
nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án hàng năm theo cơ chế quản lý của Chương trình
mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trình duyệt theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Bố
trí kinh phí ngân sách nhà nước được duyệt cho Tỉnh đoàn thanh niên để thực hiện
Đề án theo quy định.
4. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức
năng, nhiệm vụ, phối hợp với Tỉnh đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động cụ thể
nêu trong Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và nhiệm vụ được phân
công.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn thanh niên trong triển khai
thực hiện các nội dung của Đề án.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Hàng năm bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân
sách của huyện, thành phố cho các Huyện, Thành đoàn thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền
các cấp xã phối hợp triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh; Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên; Giám đốc sở,
ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- BCĐTW CTMTQG
XDNTM;
- TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3; (Thực hiện)
- UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh;
- Phó CVP UBND tỉnh – Nguyễn Thanh;
- VPĐP Chương trình CTMTQGXDNTM;
- Trưởng Phòng KT CNLN;
- Lưu: VT (Dt 80).
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Thực
|