Quyết định 1572/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá ruột nhỏ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1572/QĐ-BYT
Ngày ban hành 17/06/2022
Ngày có hiệu lực 17/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Trường Sơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1572/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH SÁN LÁ RUỘT NHỎ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị một số bệnh ký sinh trùng được thành lập theo Quyết định số 5244/QĐ-BYT ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá ruột nhỏ.

Điều 2. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá ruột nhỏ áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Ông/Bà: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện: Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Qui Nhơn, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Tp Hồ Chí Minh; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT; KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

HƯỚNG DẪN

CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH SÁN LÁ RUỘT NHỎ
(Ban hành theo quyết định số: 1572/QĐ-BYT ngày 17 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh sán lá ruột nhỏ lây truyền từ động vật sang người gồm 69 loài trong 11 họ, trong đó thường do một số loài thuộc họ Heterophyidae (31 loài) và Echinostomatidae (21 loài) gây nên, sán thường ký sinh ở ruột non. Nhiễm số lượng sán ít thường không có triệu chứng; khi nhiễm với số lượng lớn có thể gây tiêu chảy kéo dài, buồn nôn, đau quặn bụng, mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, bạch cầu ngoại biên tăng cao. Có thể có tổn thương cơ tim, van tim, hoặc sọ não, thủng ruột dẫn đến tử vong.

1.1. Tác nhân gây bệnh

Chủ yếu các loài trong 2 họ gồm:

- Họ Heterophyidae bao gồm một số loài thường gặp: Haplorchis pumilio, Haplorchis taichui, Haplochis yokogawai, Procerovum varium, Stellantchasmus falcatus, Heterophyes dispar, Heterophyes heterophyes, Heterophyes nocens, Heterophyopis continus, Metagonimus minutes, Metagonimus yokogawai, Centrocestus armatus, Centrocestus formosanus Centrocestus longus, Cryptocotyle lisngua.

- Họ Echinostomatidae bao gồm một số loài thường gặp: Echinochasmus japonicus, Echinochasmus perfoliatus, Echinostoma malayanum, Echinostoma revolutum, Echinostoma ilocanum.

1.2. Nguồn bệnh

- Nguồn bệnh là sán lá ruột nhỏ trên người và động vật bị nhiễm bệnh.

- Sự lưu hành: Trên thế giới, bệnh sán lá ruột nhỏ tìm thấy ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào... Tại Việt Nam, ít nhất 18 tỉnh trong cả nước: Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Nai và An Giang...

- Ổ chứa: Vật chủ chính là người, gia súc, gia cầm, chim tự nhiên ...

- Vật chủ trung gian của sán lá ruột nhỏ là ốc nước ngọt, cá nước ngọt, nước lợ.

[...]