Quyết định 1574/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đầu gai do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1574/QĐ-BYT
Ngày ban hành 17/06/2022
Ngày có hiệu lực 17/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Trường Sơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1574/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2022

 

QUYT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH ẤU TRÙNG GIUN ĐẦU GAI

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị một số bệnh ký sinh trùng được thành lập theo Quyết định số 5244/QĐ-BYT ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh- Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đầu gai thay thế “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đầu gai” ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-BYT ngày 25/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 2. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đầu gai áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Ông/Bà: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện: Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Qui Nhơn, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Tp Hồ Chí Minh; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT; KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

HƯỚNG DẪN

CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH ẤU TRÙNG GIUN ĐẦU GAI
(Ban hành theo quyết định số: 1574/QĐ-BYT ngày 17 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh giun đầu gai ở người gây ra bởi nhiều loài giun tròn ký sinh giống Gnathostoma thuộc lớp giun tròn nhưng đầu có gai nên gọi là “giun đầu gai”. Bệnh phát hiện chủ yếu tại vùng Đông Nam châu Á, ngoài ra bệnh cũng có thể tìm thấy ở các vùng khác của châu Á, Trung và Nam Mỹ, một số vùng ở châu Phi. Người bị bệnh do ăn sống hoặc chưa được nấu chín cá nước ngọt, lươn, ếch, chim và bò sát...Cyclops có chứa ấu trùng.

Triệu chứng hay gặp ở người là vết sưng phồng ngoài da di chuyển từng đợt và tăng bạch cầu ái toan trong máu. Ở một số ít trường hợp khác, ký sinh trùng có thể chui vào các cơ quan như gan, mắt, não, tủy sống và gây ra các triệu chứng liên quan như giảm thị lực, mù, đau dây thần kinh, liệt, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

1.1. Tác nhân

Hiện có ít nhất 5 loài Gnathostoma spp. được chứng minh gây bệnh cho người gồm G. spinigerum, G. hispidum, G. doloresi, G. nipponicumG. binucleatum. Ở Việt Nam, phần lớn các trường hợp bệnh được phát hiện là do Gnathostoma spinigerum.

1.2. Nguồn bệnh

Nguồn bệnh chính là các loại chó, mèo nhiễm giun Gnathostoma spinigerum. Ngoài ra, một số động vật khác như lươn, cá nước ngọt, ếch nhái, chim, rắn có thể mang ấu trùng của loài giun này.

1.3. Tính cảm nhiễm và miễn dịch

Tất cả mọi người, cả hai giới đều có khả năng nhiễm ấu trùng này và dễ bị tái nhiễm nếu sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành.

1.4. Phương thức lây truyền

Người mắc bệnh do ăn phải Cyclops, cá, lươn, ếch, rắn.. hay thịt chưa nấu chín của các loài động vật chứa ấu trùng.

[...]