Quyết định 15/2006/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 15/2006/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 25/04/2006
Ngày có hiệu lực 21/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Minh Hiển
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2006/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ SOẠN THẢO, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 4235/1997/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 12 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Minh Hiển

 

QUY CHẾ

SOẠN THẢO, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH, KIỂM TRAVÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BGDĐTngày 25 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, bao gồm:

a) Dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn;

b) Soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Quy trình soạn thảo và hồ sơ yêu cầu thẩm định đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo để trình các cơ quan có thẩm quyền cấp trên ban hành;

d) Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng), Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là HĐND, UBND cấp tỉnh) ban hành.

2. Quy chế này áp dụng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.

Điều 2. Văn bản quy phạm pháp luật

1. Văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Quy chế này phải có đầy đủ các yếu tố sau đây:

a) Do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo hình thức văn bản quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Được ban hành theo thủ tục, trình tự quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và quy định của Quy chế này;

c) Có chứa quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng,có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc hoặc từng địa phương;

d) Được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật.

[...]