ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1474/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày 04 tháng 6 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
LẦN HAI THUỘC THẨM QUYỀN CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11
tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP
ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 124/2020/NĐ-CP
ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Khiếu nại;
Căn cứ Thông tư số 07/2013/TT-TTCP
ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình giải quyết
khiếu nại hành chính; Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20 tháng 10 năm 2016 của
Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh
tại Công văn số 218/TTT-P4 ngày 11 tháng 5 năm
2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình tổ chức
đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai thuộc thẩm quyền của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chánh
Thanh tra tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh
nghiệp nhà nước thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi
hành);
- Thanh tra Chính phủ (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Lãnh đạo và Chuyên viên các Phòng chuyên môn thuộc VP.UBND tỉnh;
- Ban Tiếp công dân tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, HgĐ.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tấn Tuân
|
QUY TRÌNH
TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN HAI THUỘC THẨM
QUYỀN CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
(Kèm theo Quyết định số 1474/QĐ-UBND
ngày 04/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Khánh Hòa)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chính, đối tượng áp dụng
1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy trình này quy định về trình tự,
thủ tục, nội dung tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần
hai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Khánh Hòa.
2. Đối tượng
áp dụng
Quy trình này áp dụng đối với người
giải quyết khiếu nại; người được giao nhiệm vụ xác minh theo quy định của Luật
Khiếu nại; người bị khiếu nại; người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy
quyền theo quy định pháp luật của người khiếu nại; các tổ chức, cá nhân có liên
quan tham gia đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại
lần hai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Nguyên
tắc tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai
Việc tổ chức đối thoại phải đảm bảo
tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời và tuân thủ các quy định
của pháp luật để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của
người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.
Điều 3. Các trường
hợp đối thoại, thẩm quyền tổ chức đối thoại
1. Các
trường hợp đối thoại
Người giải quyết khiếu nại lần hai hoặc
người được giao nhiệm vụ xác minh (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28
Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại) tổ chức đối thoại trong các
trường hợp sau:
a) Trong quá trình giải quyết khiếu nại
quyết định hành chính, hành vi hành chính.
b) Trong quá trình giải quyết khiếu nại
quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
2. Thẩm
quyền tổ chức đối thoại
a) Người giải quyết khiếu nại lần hai
là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trực tiếp đối thoại
trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều
người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến
khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội
quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội).
b) Đối với các trường hợp khác, người
giải quyết khiếu nại có thể phân công cho thủ trưởng cơ
quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị
trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người
khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người được phân công phải kịp thời báo
cáo với người giải quyết khiếu nại về những nội dung phức
tạp, vượt quá thẩm quyền; kết thúc đối thoại phải báo cáo với người giải quyết
khiếu nại về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm về nội
dung báo cáo.
Điều 4. Chuẩn bị
tổ chức đối thoại, thành phần tham gia đối thoại, nội dung đối thoại
1. Chuẩn bị
tổ chức đối thoại
Người chủ trì đối thoại có trách nhiệm
thông báo bằng văn bản tới người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền
và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết về thời gian, địa điểm,
nội dung đối thoại.
Trường hợp người khiếu nại hoặc người
đại diện hợp pháp vắng mặt khi được thông báo bằng văn bản
đến lần thứ hai thì người chủ trì buổi đối thoại lập biên bản chấm dứt đối thoại. Người chủ trì đối thoại báo cáo người giải quyết khiếu nại biết (trong trường hợp
người chủ trì đối
thoại là người được người giải quyết khiếu nại phân công chủ trì đối thoại).
2. Thành
phần tham gia đối thoại
a) Người giải quyết khiếu nại hoặc
người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại.
b) Người khiếu nại hoặc người đại diện,
người được ủy quyền theo quy định của pháp luật, luật sư, trợ giúp viên pháp lý
của người khiếu nại.
c) Người bị khiếu nại.
d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan.
3. Nội
dung đối thoại
Người chủ trì đối
thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh
nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung
thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
Chương II
TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI
Điều 5. Tiến hành
đối thoại
1. Người
chủ trì đối thoại: Tuyên bố lý do; giới thiệu thành phần tham gia buổi đối thoại; nêu rõ mục đích, yêu cầu, xác định phạm vi, nội dung, quyền
và nghĩa vụ của các bên tham gia buổi đối thoại. Cử thư ký ghi biên bản buổi đối
thoại.
2. Đại diện
cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại: Báo cáo tóm tắt kết quả
xác minh; đưa ra chứng cứ và cơ sở pháp lý để khẳng định
yêu cầu của người khiếu nại là có cơ sở hoặc không có cơ sở; quyết định hành
chính hoặc hành vi hành chính của người bị khiếu nại là đúng, đúng một phần hay
sai toàn bộ.
3. Người
khiếu nại hoặc người đại diện, người ủy quyền của người khiếu nại: Trình bày rõ
nội dung theo đơn khiếu nại đã được thụ lý; ý kiến thống nhất hoặc không thống
nhất với kết quả xác minh của cơ quan xác minh nội dung
khiếu nại. Trường hợp không thống nhất với kết quả xác minh thì phải đưa ra các
chứng cứ và cơ sở pháp lý để khẳng định yêu cầu của mình là có cơ sở.
4. Người
bị khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền của người bị khiếu nại:
Trình bày ý kiến thống nhất hay không thống nhất với kết quả xác minh của cơ
quan xác minh nội dung khiếu nại; thống nhất hoặc không thống
nhất với ý kiến của người khiếu nại; đưa ra các chứng cứ
và cơ sở pháp lý để bảo vệ quyết định hành chính hoặc hành
vi hành chính của mình.
5. Tổ chức,
cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan: Trình bày ý kiến đối với kết quả xác
minh nội dung khiếu nại, quan điểm của người khiếu nại, người bị khiếu nại; đưa
ra các chứng cứ và cơ sở pháp lý để khẳng định yêu cầu của người khiếu nại là có cơ sở hoặc không có cơ sở; quyết
định hành chính hoặc hành vi hành chính của người bị khiếu nại là đúng hay sai.
6. Đại diện
cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại: Có ý kiến phản biện đối
với các ý kiến mà các bên tham gia đối thoại đã đưa ra; căn cứ quy định của pháp
luật và kết quả thẩm tra, xác minh để đề xuất người chủ trì đối thoại hướng giải
quyết vụ việc.
7. Sau
khi đã phát biểu, nếu các bên muốn phát biểu thêm để bổ
sung ý kiến thì phải được người chủ trì buổi đối thoại đồng
ý.
8. Trong
quá trình tổ chức đối thoại, người chủ trì buổi đối thoại lắng nghe và xử lý tình huống, điều chỉnh thời gian cho cả cuộc đối thoại và những người tham gia đối thoại. Người chủ trì buổi đối thoại
có quyền yêu cầu các bên dừng ý kiến phát biểu khi nội dung phát biểu không rõ
ràng, lan man, không đúng mục đích, yêu cầu của nội dung đối thoại hoặc có biểu hiện vi phạm nội dung đối thoại.
9. Người
chủ trì đối thoại kết luận, tóm tắt quá trình đối thoại, ý kiến phát biểu và quan điểm của người
khiếu nại, người bị khiếu nại, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với kết quả thẩm
tra, xác minh và hướng giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 6. Biên bản
đối thoại
Việc đối thoại phải được thư ký buổi
đối thoại lập thành biên bản.
Việc lập Biên bản đối thoại được thực hiện theo quy định tại khoản 3
Điều 28 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Khiếu nại.
Điều 7. Kết thúc
đối thoại
1. Sau
khi kết luận, người chủ trì buổi đối thoại thông báo kết
thúc buổi đối thoại; yêu cầu thư ký buổi đối thoại hoàn chỉnh
biên bản và thông qua nội dung Biên bản đối thoại cho những người tham gia đối
thoại nghe; yêu cầu các bên tham gia buổi đối thoại ký vào Biên bản đối thoại.
2. Những
người tham gia đối thoại có trách nhiệm nộp cho người chủ
trì đối thoại về các tài liệu sau đây:
a) Tài liệu mà người xác minh nội
dung khiếu nại đã phát trước khi vào đối thoại (tài liệu
được cơ quan, đơn vị xác minh nội dung khiếu nại đóng dấu dòng chữ “Tài liệu thu
hồi sau khi họp”).
b) Tài liệu, chứng cứ bổ sung, văn bản giải trình (nếu có) của các bên tham gia đối thoại cung cấp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm
thi hành
1. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy
trình này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có
phát sinh các vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
(thông qua Thanh tra tỉnh) để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
2. Giao
Thanh tra tỉnh theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực
hiện Quy trình này; kịp thời báo cáo, đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử
lý các vướng mắc, khó khăn./.