Quyết định 31/2021/QĐ-UBND về Quy chế đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 31/2021/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/10/2021
Ngày có hiệu lực 01/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Phạm Văn Thiều
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2021/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 04 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ ĐỐI THOẠI TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại;

Trên cơ sở Thông báo số 155/TB-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết luận phiên họp Thành viên UBND tỉnh tháng 9 năm 2021;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu tại Tờ trình số 140/TTr-TTT ngày 26 tháng 8 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.

Điều 2. Giao Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện nội dung Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 và thay thế Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế đối thoại trong giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đối thoại trong giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ban hành kèm theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thanh tra Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (giám sát);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CVP, PCVP NC-TCD;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra);
- Thanh tra tỉnh;
- Trung tâm CB-TH (đăng Công báo);
- Lưu: VT, (AL04).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thiều

 

QUY CHẾ

ĐỐI THOẠI TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Kèm theo Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định trách nhiệm, mục đích, nguyên tắc, nội quy, quy trình đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

2. Quy chế này áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Mục đích của đối thoại

Đối thoại nhằm mục đích công khai, minh bạch hồ sơ vụ việc, tiếp nhận đầy đủ các thông tin liên quan đến việc giải quyết khiếu nại; làm rõ nội dung yêu cầu của người khiếu nại và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về vụ việc giữa các bên; trao đổi, giải thích trực tiếp nhằm tạo ra sự thống nhất trong nhận thức đối với quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận giữa các bên trong phương án giải quyết vụ việc trên cơ sở tôn trọng thực tế khách quan, đảm bảo đúng chính sách, pháp luật; có tính khả thi và hướng đến kết thúc vụ việc.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức, chủ trì đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại trong các trường hợp sau:

[...]