Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 27-TC/TNVT-1982 quy định chế độ phân phối lợi nhuận đối với các Xí nghiệp cung ứng vật tư, thương nghiệp, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 27-TC/TNVT
Ngày ban hành 20/10/1982
Ngày có hiệu lực 04/11/1982
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Tiêu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27-TC/TNVT

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1982

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 27-TC/TNVT NGÀY 20 - 10 - 1982 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CUNG ỨNG VẬT TƯ, THƯƠNG NGHIỆP, DỊCH VỤ

Hội đồng bộ trưởng đã ban hành quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 về việc sửa đổi và bổ sung quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981. Căn cứ vào những điểm sửa đổi, bổ sung trong quyết định nói trên và để bảo đảm sự tương quan hợp lý giữa xí nghiệp sản xuất và xí nghiệp trong khâu lưu thông, Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với xí nghiệp cung ứng vật tư, xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp dịch vụ (khách sạn, ăn uống, giặt là, cắt tóc, sửa chữa xe đạp, xe máy, máy thu thanh, thu hình, đồng hồ ...) hạch toán kinh tế độc lập, dưới đây gọi tắt là các xí nghiệp trong khâu lưu thông như sau.

A. KẾ HOẠCH KINH TẾ, TÀI CHÍNH LÀM CƠ SỞ CHO VIỆC PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

Kế hoạch kinh doanh của các xí nghiệp trong khâu lưu thông gồm kế hoạch nghiệp vụ chính và kế hoạch sản xuất phụ (nếu có).

I. KẾ HOẠCH NGHIỆP VỤ CHÍNH

Kế hoạch nghiệp vụ chính của xí nghiệp gồm kế hoạch nghiệp vụ cơ bản và kế hoạch ngoài nghiệp vụ cơ bản (hạch toán phụ thuộc).

1. Kế hoạch nghiệp vụ cơ bản là toàn bộ kế hoạch lưu chuyển hàng hoá và kế hoạch lợi nhuận thuộc phần kinh doanh cơ bản theo 3 loại giá là giá cung cấp, giá chỉ đạo của Nhà nước, giá thoả thuận. Tất cả hoạt động kinh doanh, lưu chuyển hàng hoá theo 3 loại giá mới trên phải được kế hoạch hoá. Khi xét duyệt kế hoạch phải xét duyệt kế hoạch lưu chuyển, kế hoạch tích luỹ của nghiệp vụ kinh doanh cơ bản gồm cả 3 loại giá.

Trong kế hoạch tích luỹ cần phân biệt rõ giữa chêch lệch giá và lợi nhuận.

a). Đối với loại hàng mua bán và hạch toán hàng tồn kho theo giá chỉ đạo của Nhà nước, thu lợi nhuận là chêch lệch giữa mức chiết khấu thương nghiệp hoặc chiết khấu vật tư đã được duyệt với mức phí tổn lưu thông. Còn toàn bộ số chênh lệch cao hơn mức chiết khấu được duyệt đều là chênh lệch giá, toàn bộ số chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Xí nghiệp chỉ được phân phối lợi nhuận trong mức chiết khấu (nói cách khác là chỉ được phân phối lợi nhuận trích lập các quỹ từ lợi nhuận định mức trong chiết khấu nhóm, mặt hàng).

Số chênh lệch giá nói trên phát sinh ở 2 khâu:

- Chênh lệch giá I phát sinh ở xí nghiệp cấp I có thể phát sinh lúc nhập kho, hoặc phát sinh lúc bán ra, phát sinh chênh lệch giá lúc nhập kho là khi giá mua thực tế thấp hơn giá chỉ đạo nhập kho (giá nhập kho là giá chỉ đạo bán lẻ, hoặc giá bán buôn vật tư trừ (-) chiết khấu); phát sinh chênh lệch giá lúc bán ra là khi giá chỉ đạo bán ra cao hơn giá hạch toán hàng tồn kho. Toàn bộ số chênh lệch giá I nộp vào ngân sách trung ương.

- Chênh lệch giá II phát sinh ở xí nghiệp cấp II (bao gồm cả công ty ăn uống) là mức chênh lệch giữa giá chỉ đạo bán ra thực tế cao hơn giá hạch toán hàng tồn kho. Loại chênh lệch này thường là chênh lệch giữa mức giá bán của chính quyền địa phương quy định cao hơn mức giá bán do trung ương quy định (đối với những mặt hàng, những đối tượng mà chính quyền địa phương được phép quy định giá bán cao hơn). Nói chung toàn bộ chênh lệch giá II nộp vào ngân sách địa phương. Trường hợp chênh lệch giá II phát sinh do giá bán hàng công nghiệp trong quỹ hàng hoá thu mua theo hợp đồng hai chiều cao hơn giá chỉ đạo, thì chênh lệch giá này phải sử dụng để bù đắp số chênh lệch giá thu mua nông sản thực phẩm cao hơn giá chỉ đạo, số còn thừa phải nộp ngân sách. Khi địa phương giao hàng nông sản thực phẩm cho trung ương chỉ được thanh toán theo giá chỉ đạo.

b). Đối với loại hàng mua bán theo giá thoả thuận, xí nghiệp được hạch toán tồn kho theo giá mua thực tế (hoặc giá bình quân). Về nguyên tắc kinh doanh loại hàng này phải đủ bù đắp chi phí, có lãi để trích lập các quỹ và nộp ngân sách.

Lợi nhuận định mức loại hàng mua bán theo giá thoả thuận được xác định theo tỷ lệ lợi nhuận định mức trong chiết khấu hoặc thặng số của từng nhóm hàng, mặt hàng, xí nghiệp được phân phối trên cơ sở lợi nhuận định mức này. Do hoạt động theo phương thức giá thoả thuận nên có thể số tích luỹ thu được sẽ cao hơn lợi nhuận định mức, toàn bộ số tích luỹ cao hơn này là chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trường hợp xí nghiệp kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng, nhóm hàng theo giá thoả thuận, mỗi nhóm hàng có định mức lợi nhuận khác nhau, thì xí nghiệp có thể tính theo mức lợi nhuận bình quân gia quyền của các nhóm hàng, mặt hàng. Hoặc căn cứ vào mức lợi nhuận của nhóm hàng, mặt hàng có doanh số chiếm đại bộ phận để tính chung cho toàn bộ doanh số.

2. Kế hoạch nghiệp vụ ngoài cơ bản là toàn bộ kế hoạch sản xuất, gia công, đại lý... hạch toán phụ thuộc vào nghiệp vụ kinh doanh cơ bản, đều phải được kế hoạch hoá, và phải được duyệt chung trong kế hoạch nghiệp vụ chính của xí nghiệp lưu thông. Số tích luỹ do nghiệp vụ ngoài cơ bản mang lại phải được phân biệt rõ giữa chênh lệch giá và lợi nhuận như sau:

Lợi nhuận là chênh lệch giữa giá thành kế hoạch (hoặc định mức) với giá thành thực tế. Số lợi nhuận thu được này được cộng vào lợi nhuận của nghiệp vụ cơ bản nói trên để phân phối.

Chênh lệch giá là chênh lệch giữa giá chỉ đạo nhập kho với giá thành kế hoạch (hoặc giá thành định mức). Toàn bộ số chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách Nhà nước

II. SẢN XUẤT PHỤ CỦA XÍ NGHIỆP LƯU THÔNG

Đối với xí nghiệp lưu thông không có nghiệp vụ lưu thông phụ, tất cả các nghiệp vụ có tính chất lưu thông đó đều phải được ghi ở kế hoạch nghiệp vụ chính nếu ở mục I trên đây (nghiệp vụ kinh doanh cơ bản và ngoài cơ bản). Trường hợp xí nghiệp lưu thông tận dụng lao động dôi thừa, tận dụng các loại phế liệu thu nhặt trong quá trình kinh doanh của mình để sản xuất ra mặt hàng phục vụ tiêu dùng, thì nghiệp vụ sản xuất này được gọi là sản xuất phụ của xí nghiệp lưu thông. Ví dụ cửa hàng ăn uống tận dụng nước thải, thức ăn thừa... để tổ chức chăn nuôi, cửa hàng may đo quần áo tận dụng vải vụn để may đo áo gối, vỏ chăn tiết kiệm..., cửa hàng công nghệ phẩm tận dụng bao bì thải loại để sản xuất đồ chơi trẻ em... Trước khi đưa các loại phế liệu thu nhặt vào sản xuất phụ, xí nghiệp lưu thông phải quản lý và trị giá thu hồi để giảm phí tổn lưu thông của nghiệp vụ chính. Những phế liệu Nhà nước quy định ghi trong kế hoạch phân phối nguyên liệu cho các đơn vị khác thì xí nghiệp không được giữ lại để làm sản xuất phụ. Việc quản lý và phân phối lợi nhuận sản xuất phụ của các xí nghiệp lưu thông được áp dụng như sản xuất phụ trong xí nghiệp sản xuất công nghiệp quy định tại quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1992 của Hội đồng bộ trưởng và thông tư hướng dẫn số 21-TC/CNA ngày 1-9-1982 của Bộ Tài chính. Các Bộ chủ quản cần hướng dẫn cụ thể những nghiệp vụ nào là sản xuất phụ cho từng ngành kinh doanh. Việc này cần có sự thống nhất của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính. Hàng năm, hàng quý các xí nghiệp phải đăng ký kế hoạch sản xuất phụ, giá thành và giá bán với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của mình.

B. PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

I. Nếu hoàn thành kế hoạch nghiệp vụ chính theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước thì xí nghiệp được trích từ lợi nhuận thực hiện theo định mức để thành lập các quỹ xí nghiệp như sau:

1. Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh được trích từ 1% đến 2 % trên nguyên giá tài sản cố định, mức cụ thể của từng loại xí nghiệp bao nhiêu do cơ quan chủ quản quy định sau khi nhất trí với cơ quan tài chính cùng cấp, trên cơ sở phát huy tốt hiệu quả của quỹ. Trường hợp xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận thì khuyến khích phát triển kinh doanh chỉ được trích theo mức độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.

2. Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

Các xí nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm, lâm sản, vật liệu xây dựng, muối và các xí nghiệp dịch vụ được trích 20% quỹ lương thực hiện cả năm của kế hoạch nghiệp vụ chính.

Các xí nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp được trích 18% quỹ lương thực hiện cả năm của kế hoạch nghiệp vụ chính. Tổng số được trích chia ra:

Quỹ khen thưởng 70%,

[...]