Quyết định 1454/QĐ-BGTVT năm 2021 về Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Số hiệu 1454/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 05/08/2021
Ngày có hiệu lực 05/08/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1454/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị quyết và các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Điều 2. Các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có trách nhiệm quán triệt nội dung Nghị quyết và các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KH&ĐT;
- Ban Cán sự Đảng - Bộ GTVT;
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- UB ATGT Quốc gia;
- Công đoàn GTVTVN;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Lưu VT, KHĐT (P.TH-TK).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thể

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1454/QĐ-BGTVT ngày 05/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

I. MỤC TIÊU

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội Đảng XIII) đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Nghị quyết và nhiều văn kiện quan trọng đã được thông qua tại Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ phát triển đất nước trong những năm tới là "Đến năm 2025: là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Đối với nhiệm vụ "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị" và một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan trực tiếp đến ngành giao thông vận tải đã được xác định trong văn kiện của Đại hội Đảng XIII như sau: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu", "ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số", "Tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không kết nối các vùng, khu vực, các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế", "Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng", "Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển. Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và các vùng khó khăn khác. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và chống ngập úng ở Thành phố Hồ Chí Minh".

Quán triệt Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và chiến lược, quy hoạch, đề án

- Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý ngành, lĩnh vực; xây dựng thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp dịch vụ công. Rà soát các Luật chuyên ngành GTVT, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, xoá bỏ các nội dung còn chồng chéo trong quản lý, huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) và phát triển vận tải; điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển vận tải đa phương thức, vận tải qua biên giới phù hợp thực tiễn; tăng cường thực hiện các hiệp định đa phương, song phương về hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa.

- Xây dựng, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển 5 chuyên ngành GTVT đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch; đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch. Tiếp tục rà soát các quy hoạch và đề án phát triển của ngành để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu các Nghị quyết của Đảng; tích hợp, lồng ghép các yếu tố của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

(Vụ Pháp chế chủ trì triển khai, theo dõi và tổng hợp kết quả thực hiện về công tác thể chế; Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì triển khai xây dựng và tổng hợp kết quả thực hiện Quy hoạch các chuyên ngành GTVT; các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện)

2. Công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

- Triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ. Đẩy mạnh cơ cấu lại dịch vụ vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, thúc đẩy tăng thị phần vận tải hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số; xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong lĩnh vực logistics và vận tải.

[...]