Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 872/QĐ-BTTTT năm 2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 872/QĐ-BTTTT
Ngày ban hành 17/06/2021
Ngày có hiệu lực 17/06/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 872/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 01 tháng 02 năm 2021;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,

QUYẾT ĐỊNH:

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng) và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chương trình hành động với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số và chúng ta có cơ hội lớn đbứt phá, vượt lên. Việt Nam là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, với dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động số lớn, có số người dùng Internet và điện thoại thông minh lớn và đang tăng rất nhanh sẽ tạo nên những cơ hội rất lớn để xây dựng hạ tầng số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việt Nam nằm tại trung tâm của Đông Nam Á, của châu Á, khu vực được đánh giá sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. Covid-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Việt Nam đã kiềm chế thành công Covid-19 và hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để bứt phá vươn lên phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được ban hành thời gian qua.

- Trong bối cảnh đó, Chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thhiện rõ đường lối, quan điểm của Đảng và tổ chức triển khai thực hiện những nội dung, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

- Chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông là căn cứ để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo phương châm hành động “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá”. Theo đó, “Làm gương” là người đứng đầu nêu gương, đi đầu dẫn dắt, tháo gỡ khó khăn. “Kỷ cương” là mỗi cá nhân luôn nêu cao tinh thần kỷ luật, giữ nghiêm đạo đức công vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Trọng tâm” là chọn việc quan trọng, có ý nghĩa then chốt mà nếu giải quyết được thì các việc khác sẽ tự giải quyết được. “Bứt phá” là khát vọng lớn, mục tiêu cao, cách tiếp cận mới, lời giải đột phá, độc đáo để biến việc khó thành dễ.

- Ngành Thông tin và Truyền thông có tác động lan tỏa, mạnh mẽ, toàn diện, rộng khắp trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia số, tập trung vào xây dựng thể chế, tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Rà soát và sửa đổi thể chế để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, loại bỏ những cản trở phát triển. Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, bám sát yêu cầu phát triển và đổi mới của ngành, lĩnh vực quản lý. Xây dựng Chính phủ số, chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045; phát triển hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và các loại hình thông tin khác phản ánh dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Theo đó:

a) Đẩy mạnh phát triển Chính phủ số để dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia; đến năm 2025 cơ bản đưa hoạt động của Chính phủ lên môi trường số.

b) Kinh tế số đóng góp vào 20% GDP vào năm 2025, trong đó tỷ trọng kinh tế số của từng ngành, lĩnh vực chiếm 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

c) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số; đến năm 2025 mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang.

d) Báo chí, truyền thông đảm bảo tỷ lệ 100% người dân tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí vào năm 2025. Tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội của Việt Nam vượt mạng xã hội nước ngoài.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Lĩnh vực Bưu chính

Bưu chính với sứ mệnh mới giúp người dân thoát nghèo, kinh doanh làm giàu và tiên phong trong giải quyết các vấn đề xã hội. Bưu chính thay đổi bản chất kinh doanh từ doanh thu thu từ người dân sử dụng dịch vụ sáng tạo công cụ giúp người dân tăng thu nhập rồi chia sẻ lợi ích cùng phát triển.

Mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử.

Đến năm 2025, xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ bưu chính tới tất cả các hộ gia đình và người dân. Khả năng tiếp cận phổ cập dịch vụ đạt tỷ lệ 55 bưu gửi/đầu người; 100% điểm phục vụ có người phục vụ và có Internet để triển khai sàn giao dịch điện tử tới 100% số xã trên cả nước; 100% hộ gia đình có địa chỉ số. Tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%/năm, đạt doanh thu 6 - 8 tỷ USD vào năm 2025.

Chuyển dịch từ doanh nghiệp bưu chính truyền thống sang doanh nghiệp hạ tầng, tích hợp đa dạng các dịch vụ, phát triển dữ liệu lớn về khách hàng, hợp tác với các doanh nghiệp khác như ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất, logistics, vận tải, kho bãi... để phá vỡ giới hạn cũ, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Hình thành từ 3 - 5 doanh nghiệp lớn làm nòng cốt vươn đến tận hộ gia đình, thôn, bản trên cơ sở các nền tảng bản đồ số Vmap, nền tảng địa chỉ số VPostcode, sàn giao dịch thương mại điện tử góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Chủ động khai thác tốt thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Bưu chính góp phần đưa dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4, phát triển Chính phủ số, cải cách hành chính, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng và nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Rà soát sửa đổi Luật Bưu chính theo hướng là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số để khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bưu chính lành mạnh; “đồng hành” cùng doanh nghiệp bưu chính, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ”; xây dựng Chiến lược phát triển hạ tầng bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính phát huy hết nội lực, thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính.

Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh bưu chính số tích hợp đa dạng các dịch vụ quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm.

Xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phá giá của các nền tảng thương mại điện tử.

Xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính trong nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới vào năm 2025.

[...]