Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1417/2010/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

Số hiệu 1417/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/08/2010
Ngày có hiệu lực 04/09/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1417/2010/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 25 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 748/TTr-STP ngày 16 tháng 8 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Chí Dũng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1417/2010/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết xây dựng đề án:

1. Ninh Thuận là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế cực Nam Trung Bộ, dân số khoảng 600.000 nghìn người; kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, năng lực sản xuất một số ngành tăng, nhiều nhân tố mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh được nhân rộng, tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển (bao gồm vận tải biển, du lịch biển và công nghiệp biển) được bảo vệ, khai thác có hiệu quả. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng đột phá, nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ được triển khai sẽ tạo thời cơ mới, cơ hội mới cho phát triển kinh tế tốc độ cao. Tình hình đó làm phát sinh nhu cầu xác lập và thực hiện hợp đồng, giao dịch về dân sự, thương mại, kinh tế ngày càng cao; đồng thời nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh cũng liên tục gia tăng; yêu cầu công chứng, tính đa dạng, phức tạp và yếu tố mới trong các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên phải có sự đầu tư nhiều và sâu hơn cho hoạt động này.

2. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 phòng Công chứng chưa phát triển các hình thức tổ chức hành nghề công chứng theo Điều 23 Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006. Trong thời gian qua, hoạt động công chứng ở tỉnh ta đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của công chứng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý Nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, các hình thức tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển đã dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động dịch vụ công phục vụ các nhu cầu của nhân dân.

3. Từ sau khi có Quyết định số 289/2010/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chuyển giao và chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân sang tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã tạo được niềm tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu công chứng.

Bên cạnh những mặt được, tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay cũng còn nhiều bất cập do một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh chưa phát triển nên việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, sau khi Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực, toàn bộ công tác chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký đã được chuyển sang cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; các tổ chức hành nghề công chứng chấm dứt thực hiện chứng thực bản sao. Trong khi đó, việc chuyển giao hoạt động chứng nhận hợp đồng, giao dịch thuộc phạm vi công chứng sang cho tổ chức hành nghề công chứng gặp nhiều khó khăn, một phần do nhận thức hoặc thực hiện chưa tốt, phần khác do thiếu quy hoạch và định hướng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng dẫn đến tình trạng ở một số nơi, công tác chứng thực ở Ủy ban nhân dân cấp xã quá tải; trong khi đó, lượng việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng lại ít, sự phát triển các văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hoá ở địa phương còn chậm.

[...]