Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 250/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 250/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/02/2010
Ngày có hiệu lực 10/02/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trương Vĩnh Trọng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 250/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công chứng số 82/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN 

Trong thời gian qua, hoạt động công chứng ở nước ta đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của công chứng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 về Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị, ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Công chứng với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo điều kiện cho việc phát triển công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Qua hai năm thực hiện Luật Công chứng, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đã được xã hội đón nhận với nhiều dấu hiệu tích cực. Số lượng tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên đã có sự phát triển, tăng nhanh về số lượng. Theo con số thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, trong cả nước hiện có 244 tổ chức hành nghề công chứng so với số lượng 129 tổ chức hành nghề công chứng trước thời điểm Luật Công chứng có hiệu lực, trong đó có 131 Phòng công chứng và 113 Văn phòng công chứng và hơn 600 công chứng viên, trong đó có 410 công chứng viên của các Phòng Công chứng và khoảng 200 công chứng viên của Văn phòng công chứng được bổ nhiệm trong vòng hai năm trở lại đây.

Các tổ chức hành nghề công chứng có điều kiện phát triển, đã giảm áp lực lên bộ máy nhà nước. Các Văn phòng công chứng được thành lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng. Hoạt động công chứng đã trở nên thuận tiện và chuyên nghiệp hơn. Trước chủ trương xã hội hóa, nhiều Phòng công chứng, Văn phòng công chứng đã có sự đổi mới, xây dựng được phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Một số Văn phòng công chứng hoạt động tốt, tạo được niềm tin cho nhân dân. Nhân dân có nhiều sự lựa chọn trong việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch, họ có thể đến công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng tùy thuộc vào nhu cầu. Thực tế hoạt động công chứng thời gian qua đã chứng minh, chủ trương xã hội hóa công chứng là hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển mạnh loại hình dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp này.

Việc tách bạch giữa công chứng và chứng thực đã tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề công chứng tập trung thực hiện đúng chức năng của mình, hoạt động chứng nhận các hợp đồng, giao dịch đã dần được tăng cường tính an toàn pháp lý bằng chủ trương từng bước chuyển giao việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay cũng còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, sự phát triển tổ chức hành nghề công chứng chưa có quy hoạch tổng thể, hợp lý trên cả nước và trên từng địa phương. Qua 2 năm thực hiện Luật Công chứng, hiện mới chỉ có 28 địa phương trên cả nước có Văn phòng công chứng, trong đó riêng Hà Nội có 42 Văn phòng, thành phố Hồ Chí Minh có 12 Văn phòng, số tỉnh còn lại có từ 1 đến 3 Văn phòng. Do thiếu quy hoạch hợp lý nên sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn mang nặng tính “tự phát” chưa có sự điều tiết của Nhà nước. Hiện có tình trạng trái ngược trong phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa phương. Có địa phương cho phép thành lập các Văn phòng công chứng một cách tùy tiện, phát triển nóng, phân bố không hợp lý các tổ chức hành nghề công chứng. Có những tỉnh, thành phố trên địa bàn một quận, huyện có tới 9-10 tổ chức hành nghề công chứng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng. Một số địa phương lại chưa quan tâm đến chủ trương xã hội hóa công chứng hoặc nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này, nên chưa có chính sách phát triển các Văn phòng công chứng.

Nhìn chung, mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đa số còn rất mỏng, phân bố không hợp lý, chưa đáp ứng được mục đích xã hội hóa công chứng và chưa có điều kiện để chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch của người dân.   

Thứ hai, việc tổ chức thực hiện tách bạch giữa công chứng và chứng thực theo quy định của Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn.

Sau khi Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực, toàn bộ công tác chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký đã được chuyển sang cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; các tổ chức hành nghề công chứng chấm dứt thực hiện chứng thực bản sao, trong khi đó, việc chuyển giao hoạt động chứng nhận hợp đồng, giao dịch thuộc phạm vi công chứng sang cho tổ chức hành nghề công chứng gặp nhiều khó khăn, một phần do vấn đề nhận thức hoặc thực hiện chưa tốt, phần khác do thiếu quy hoạch và định hướng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, dẫn đến tình trạng ở một số nơi, công tác chứng thực ở Ủy ban nhân dân cấp xã quá tải, trong khi đó, lượng việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng lại ít, nên cá biệt đã có một số Phòng công chứng phải giải thể, sự phát triển các Văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hóa ở nhiều địa phương còn chậm.

Thứ ba, nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và toàn xã hội về tính chất, tầm quan trọng của hoạt động công chứng trong bảo đảm an toàn giao dịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung còn chưa đầy đủ. Một bộ phận nhân dân chưa phân biệt được tính chất của hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của công chứng đối với việc chứng nhận các hợp đồng giao dịch, tư duy pháp lý còn đơn giản, nên khi thực hiện chuyển giao việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch mà Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đang chứng nhận sang cho tổ chức hành nghề công chứng gặp khó khăn. Công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Luật Công chứng nhiều nơi thực hiện hình thức, chưa đi vào chiều sâu.

Thứ tư, hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng còn bất cập. Hiện tượng buông lỏng quản lý nhà nước hoặc quản lý nhà nước chưa theo kịp tình hình mới đã dẫn đến việc phát sinh những hiện tượng tiêu cực, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng không được chỉnh đốn kịp thời. Công tác quản lý nhà nước chưa gắn với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nghề công chứng. Hệ thống pháp luật liên quan đến công chứng chưa đồng bộ, văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đầy đủ.

Về bản chất, hoạt động công chứng là một hoạt động mang tính công quyền của Nhà nước, công chứng là hoạt động được Nhà nước ủy quyền để chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch. Công chứng tạo ra những bảo đảm pháp lý để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp hoặc khi có rủi ro, tranh chấp xảy ra, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào hình thức chứng nhận của công chứng để chứng minh sự thật, lấy đó làm cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc tranh chấp. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, tăng cường tham gia các khu vực mậu dịch tự do trên thế giới thì nhu cầu công chứng càng trở nên bức thiết đối với người dân và doanh nghiệp. Xét trên góc độ xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì công chứng vừa là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, vừa là công cụ quản lý, vừa là công cụ hỗ trợ quan trọng cho các hoạt động tư pháp và là một trong những điều kiện cơ bản góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ. Công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước pháp luật và trước các bên tham gia giao dịch trong việc thực hiện việc công chứng các hợp đồng, giao dịch và phải chịu trách nhiệm pháp lý suốt đời đối với những giao dịch, hợp đồng mà mình chứng nhận.

[...]