ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1412/QĐ-UBND
|
Cần
Thơ, ngày 29 tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHO VAY HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM, DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG VIỆC LÀM
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng
11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP
ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các
đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP
ngày 09 tháng 7 năm 2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc
gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm
2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về
việc làm của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 11/2017/TT-BTC
ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý và sử dụng nguồn
vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối
với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Quyết định số 1577/QĐ-UBND
ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy chế
quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân
hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ để cho vay đối với người nghèo và các
đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Cần Thơ và Quyết định số
348/QĐ-UBND ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc điều
chỉnh, bổ sung quy định tại Điều 9 Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân
sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần
Thơ để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa
bàn thành phố Cần Thơ ban hành kèm theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 16
tháng 6 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 486/TTr-SLĐTBXH ngày 14 tháng 02 năm
2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa
bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021 -2025.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh, và Xã hội chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ tổ chức triển
khai thực hiện Đề án này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở
Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính
sách xã hội thành phố Cần Thơ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận, huyện, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội
quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐ-TB&XH;
- Ngân hàng CSXH VN;
- TT.TU, TT.HĐND TP;
- CT, các PCT.UBND TP;
- UBMTTQVN TP;
- Thành đoàn Cần Thơ;
- Các Hội: ND, LHPN, CCB TP;
- VP.UBND TP (3ABC);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT.TP
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thực Hiện
|
ĐỀ ÁN
CHO VAY HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM, DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 1412/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân thành phố Cần Thơ)
PHẦN I
THỰC TRẠNG, SỰ CẦN
THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. THỰC TRẠNG XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
Nhằm góp phần thực hiện tốt Chương
trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp
ở khu vực đô thị và nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông
thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao
chất lượng cuộc sống, hỗ trợ phát huy nguồn lực và tiềm năng trí tuệ của người
lao động, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút thêm lao động
mới hoặc hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ cho các hộ gia đình; thành phố Cần Thơ đã
triển khai thực hiện Đề án cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc
làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương (giai đoạn 2015 - 2020), với kết quả như
sau:
1. Kết quả bố trí sử dụng nguồn vốn
Đến cuối năm 2020, nguồn vốn cho vay
giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố đạt 519.782 triệu đồng, tăng 454.192
triệu đồng so với đầu năm 2015 (trong đó: nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm
Trung ương là 48.805 triệu đồng, tăng 436 triệu đồng so với đầu năm 2015; nguồn
vốn của địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay là
214.655 triệu đồng, tăng 197.434 triệu đồng so với đầu năm 2015; nguồn vốn do
Ngân hàng Chính sách xã hội huy động [1]
để cho vay là 256.322 triệu đồng, tăng 256.322 triệu đồng so với đầu năm 2015).
2. Kết quả cho vay
Trong giai đoạn 2015 - 2020, Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã giải ngân cho 18.522 lượt
hộ vay, với tổng số tiền là 652.468 triệu đồng, tổng số lao động được tạo việc
làm qua chương trình cho vay là 24.281 lao động, trong đó lao động nữ: 12.133
người, lao động là người khuyết tật: 91 người, lao động là người dân tộc thiểu
số 531 người; doanh số thu nợ đạt 169.918 triệu đồng.
Dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 đạt
513.263 triệu đồng, với 14.062 khách hàng còn dư nợ. Trong đó nguồn vốn trung
ương là 304.978 triệu đồng với 8.654 khách hàng còn dư nợ; nguồn vốn đầu tư ủy
thác của địa phương 208.284 triệu đồng, với 5.408 khách hàng còn dư nợ [2].
3. Chất lượng tín dụng
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, nợ quá
hạn là 232 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05%/tổng dư nợ của chương trình, giảm
54,33% so với đầu năm 2015; trong đó nợ quá hạn nguồn vốn địa phương là 96 triệu
đồng, chiếm 0,02%/tổng dư nợ chương trình.
4. Hiệu quả sử dụng vốn
Chính sách cho vay giải quyết việc
làm đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực về mặt kinh tế, chính trị - xã hội.
Cụ thể, đã góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương, đặc
biệt tạo điều kiện cho hộ vay chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, sản xuất -
kinh doanh sử dụng vốn vay có hiệu quả. Thông qua chính sách cho vay các hộ vay
vốn mạnh dạn đầu tư vào các dự án trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất - kinh doanh
trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống
cho gia đình và xã hội.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ
trợ, phối hợp chặt chẽ của Cấp ủy, Chính quyền, Đoàn thể và sự tích cực, nỗ lực
của các ngành, đơn vị liên quan, hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm giai đoạn
2015 - 2020 đã góp phần tạo việc làm cho 24.281 lao động trên địa bàn thành phố,
trong đó phát huy được tiềm năng sẵn có về tài nguyên đất đai, kinh nghiệm sản
xuất ở địa phương. Đề án đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ
trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã để mở rộng sản xuất, thu
hút tạo việc làm cho người lao động, trong đó có lao động bị chuyển đổi mục
đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người khuyết tật, góp phần làm giảm
tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Trong đó nguồn vốn ngân sách địa
phương ủy thác cho vay trong những năm qua đã đạt hiệu quả tích cực, nhiều mô
hình sản xuất kinh doanh được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn này đã phát huy hiệu
quả, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại khu vực đô thị và
nông thôn, đồng thời tạo được nguồn thu nhập cho hộ gia đình. Đặc biệt, nguồn vốn
ngân sách thành phố chuyển sang đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch
sinh thái và bảo tồn di sản phi vật thể “Chợ nổi Cái Răng” theo Nghị quyết số
03-NQ/TU ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Thành ủy Cần Thơ và Kế hoạch số
111/KH-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ[3].
5. Đánh giá
a) Mặt được, thuận lợi:
Trong quá trình thực hiện, chính sách
cho vay giải quyết việc làm luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc
của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Ban đại diện
Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, sự hỗ trợ phối hợp nhiệt
tình của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng
11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương, trong giai đoạn 2015 - 2020, cấp ủy,
Chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa
phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội
để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Công tác tổ chức cho
vay, thu hồi nợ, xử lý nợ quá hạn được quan tâm phối hợp thực hiện nên nợ quá hạn
không ngừng giảm qua các năm.
Đề án cho vay giải quyết việc làm đã
bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần đáng kể
vào việc hỗ trợ tạo việc làm, tăng tỷ lệ sử dụng quỹ thời gian lao động, nhất
là thời gian lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập cho các hộ vay vốn, góp
phần nâng cao đời sống người lao động, gắn việc làm với công tác giảm nghèo có
hiệu quả.
b) Một số khó khăn, tồn tại:
Giai đoạn 2015 - 2020, nguồn vốn cho
vay từ Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm gần như không được Trung ương cấp bổ
sung, trong khi nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang còn hạn chế nên
nguồn vốn cho vay của Đề án này chưa đáp ứng được nhu cầu vốn giải quyết việc
làm cho người lao động tại địa phương (hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 30 -
35% nhu cầu vay vốn). Định mức đầu tư cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới/lao động
còn thấp (khoảng 27 triệu đồng/lao động) dẫn đến hiệu quả, tính ổn định trong
giải quyết việc làm chưa cao.
Một số địa phương còn chưa quan tâm
đúng mức đến công tác cho vay vốn giải quyết việc làm, công tác bố trí nguồn lực
chưa đáp ứng so với nhu cầu, công tác chỉ đạo của các ban ngành, các cơ quan
liên quan trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng vẫn
còn hạn chế.
II. SỰ CẦN THIẾT
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, thành phố luôn
duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây chính là nhân tố cơ bản, quyết
định tạo thêm nhiều việc làm mới. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp
được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng cho thực hiện tốt công tác giải quyết việc
làm cho người lao động. Hàng năm, thành phố đào tạo nghề cho hơn 20.000 người,
giải quyết việc làm mới cho từ 50.000 lao động, trong đó số lao động được tạo
việc làm từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm
hàng năm khoảng 3.800 lao động.
Vấn đề lao động, việc làm của thành
phố Cần Thơ vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn, thách thức. Lực lượng lao động làm
việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 26,89%) so với
cơ cấu kinh tế của lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,24%; một bộ
phận lớn lao động có việc làm còn chưa ổn định, thu nhập thấp; lao động chưa
qua đào tạo nghề còn nhiều; Chất lượng nguồn lao động có mặt chưa đáp ứng được
yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao,
thiết bị hiện đại; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; cơ sở dữ liệu về lao động
việc làm bước đầu được xây dựng nhưng chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; hiệu quả tạo
việc làm chưa cao từ hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm do suất đầu
tư/lao động còn thấp; vốn cho vay giải quyết việc làm hàng năm còn ít, chỉ đáp ứng
khoảng 30 - 35% nhu cầu vay của người lao động; đặc biệt khó khăn nhiều nhất hiện
nay là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến sức khỏe, đời sống
và tình hình sản xuất kinh, lao động, việc làm của người dân.
Qua công tác lập kế hoạch tín dụng
giai đoạn 2021 - 2025 của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần
Thơ (được lập từ ấp, khu vực), nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng
việc làm giai đoạn 2021 - 2025 là rất lớn (1.690.000 triệu đồng, với 32.900 lao
động có nhu cầu vay vốn), với mức vốn vay bình quân là 51 triệu đồng/lao động.
Xuất phát từ nhu cầu vay vốn giải quyết
việc làm của người dân trên địa bàn thành phố, cũng như xét từ hiệu quả của Đề
án Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong thời gian qua, việc
ban hành Đề án cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa
bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết và có tác động
tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
của thành phố trong thời gian tới.
III. CĂN CỨ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
1. Luật
Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013.
2. Chỉ thị
số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kết luận số 06-KL/TW
ngày 10 tháng 6 năm 2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí
thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
3. Nghị định
số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với
người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
4. Nghị định
số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách
hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP
ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 61/2015/NĐ-CP.
5. Thông
tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính Quy định về quản
lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách
xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
6. Quyết
định số 1577/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về
việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác
qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ để cho vay đối với
người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Cần Thơ và
Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 08 tháng 02 năm 2021 Ủy ban nhân dân thành phố về
việc điều chỉnh, bổ sung quy định tại Điều 9 Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn
từ ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành
phố Cần Thơ để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
trên địa bàn thành phố Cần Thơ ban hành kèm theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND
ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
PHẦN II
MỤC TIÊU, NỘI
DUNG, KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHO VAY HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM, DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG
VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
I. MỤC TIÊU CỦA
ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
a) Cho vay giải quyết việc làm tập
trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay đến người lao động nhằm hỗ trợ
cho người thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm, tạo việc làm mới
và tăng thêm việc làm cho người lao động; qua đó từng bước nâng cao điều kiện sống
của những hộ có thu nhập thấp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã
nông thôn mới, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thu hẹp khoảng
cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa người
nghèo và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc
phòng an ninh, thúc đẩy nhanh kết quả hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã và
huyện nông thôn mới theo chuẩn nâng cao, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.
b) Tăng mức cho vay bình quân khoảng
40 - 50 triệu đồng/01 lao động để nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm.
2. Mục tiêu cụ thể
Định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động
đến năm 2025: lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chiếm 19%;
lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 81%. Trong giai đoạn
2021 - 2025, dự kiến tạo việc làm mới cho khoảng 250.000 lao động, bình quân
hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 50.000 lao động.
Trong 250.000 lao động được tạo việc
làm mới giai đoạn 2021 - 2025 có khoảng 1.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng, 20.000 lao động được giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho
vay giải quyết việc làm và phần lớn lao động làm việc tại các Doanh nghiệp đang
hoạt động trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành trên cả nước.
Nguồn vốn bổ sung hàng năm theo Đề án
này sẽ cùng với các nguồn vốn do Trung ương phân bổ và Ngân hàng Chính sách xã
hội huy động được để cho vay giải quyết việc làm, góp phần giải quyết việc làm
cho 20.000 lao động trong giai đoạn 2021 - 2025 (bình quân hàng năm giải quyết
việc làm cho 4.000 lao động).
Đề án sẽ góp phần duy trì và giảm tỷ
lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 4% trong giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp
theo; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên
90%; ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa việc thiếu việc làm, lao động thất nghiệp
trên địa bàn thành phố.
II. NỘI DUNG
CHÍNH SÁCH CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM THEO ĐỀ ÁN
1. Đối tượng được vay vốn: theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7
năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc
gia về việc làm. Đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
theo hợp đồng không thuộc đối tượng áp dụng của Đề án này.
2. Điều kiện vay vốn: theo quy định tại Điều 13 của Luật Việc làm ngày 29 tháng 11 năm 2013.
3. Mức vay: theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23
tháng 9 năm 2019 của Chính phủ.
4. Thời hạn vay vốn: theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23
tháng 9 năm 2019 của Chính phủ.
5. Lãi suất vay vốn và lãi suất nợ
quá hạn: theo quy định tại Điều 26 Nghị định số
61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại
khoản 4 Điều 1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ.
6. Điều
kiện đảm bảo tiền vay: theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số
74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ.
7. Lập hồ sơ vay vốn và thẩm định,
phê duyệt hồ sơ vay vốn
Trình tự, thủ tục lập hồ sơ vay vốn
và thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn được thực hiện theo Điều 28, 29 Nghị định
số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 và khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP
ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ.
8. Quản lý, sử dụng lãi thu được từ
nguồn vốn cho vay và xử lý nợ rủi ro
a) Việc quản lý, sử dụng lãi thu được
từ nguồn vốn cho thực hiện theo Điều 1 Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 08 tháng
02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc điều chỉnh, bổ sung
quy định tại Điều 9 Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa
phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ để
cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành
phố Cần Thơ ban hành kèm theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm
2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
b) Việc xử lý nợ bị rủi ro thực hiện
theo Điều 10 Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban
nhân dân thành phố Cần Thơ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn
ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố
Cần Thơ để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa
bàn thành phố Cần Thơ.
III. NGUỒN VỐN
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Đề
án trong 05 năm, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 920.000 triệu đồng (bao gồm
nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương). Trong đó:
+ Nguồn vốn cho vay đến hạn thu hồi:
350.000 triệu đồng.
+ Nguồn vốn mới bổ sung: 570.000
triệu đồng.
Nhu cầu nguồn vốn cụ thể:
Nguồn vốn
|
Số tiền
(triệu đồng)
|
Ghi chú
|
1. Nguồn vốn
Trung ương
|
515.000
|
|
- Vốn thu hồi
(từ nguồn vốn Trung ương cấp và nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động
từ Trung ương bố trí đối ứng)
|
230.000
|
|
- Vốn mới bổ
sung cho giai đoạn 2021 - 2025
|
285.000
|
Trung ương bố trí đối ứng địa phương, bình quân mỗi năm bổ
sung 57.000 triệu đồng.
|
2. Nguồn vốn
của thành phố
|
405.000
|
|
- Vốn thu hồi
|
120.000
|
|
- Vốn mới bổ
sung cho giai đoạn 2021 - 2025
|
285.000
|
Bình quân mỗi năm bổ sung 57.000 triệu đồng.
|
- Số lao động được tạo việc làm từ nguồn
vốn cho vay: 20.000 lao động (trung bình cho vay 46 triệu đồng/lao động).
Nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách
thành phố giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
ĐVT:
người, triệu đồng
Năm
|
2021
|
2022
|
2023
|
2024
|
2025
|
Số lao động được
vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố
|
1.300
|
1.500
|
1.700
|
1.850
|
1.950
|
Nhu cầu Vốn
ngân sách thành phố
|
55.000
|
69.000
|
83.000
|
98.000
|
103.000
|
Vốn thu hồi
|
8.000
|
17.000
|
26.000
|
33.000
|
36.000
|
Ngân sách cấp
hàng năm
|
47.000
|
52.000
|
57.000
|
62.000
|
67.000
|
- Sau khi kết thúc giai đoạn, nguồn vốn
huy động từ Đề án này tiếp tục ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho
vay giải quyết việc làm trong thời gian tiếp theo.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
a) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và Ủy ban nhân
dân quận, huyện lập dự toán và quản lý nguồn vốn huy động bổ sung hàng năm để
cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; quản lý, tổng hợp, kiểm
tra, giám sát, khen thưởng,... liên quan đến hoạt động cho vay Hỗ trợ tạo việc
làm, duy trì và mở rộng việc làm bằng nguồn vốn huy động từ Đề án này và được ủy
thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay.
b) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban,
ngành có liên quan triển khai Đề án; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố
định kỳ 6 tháng vào ngày 15/7 và cả năm vào ngày 15/01 hàng năm,
báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan nghiên cứu các chính sách và các chương trình, giải pháp liên quan đến
công tác giải quyết việc làm cho người lao động để lồng ghép thực hiện Đề án.
d) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội quận, huyện phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã
hội trong việc triển khai cho vay, kiểm tra và tuyên truyền đến hộ vay vốn sử dụng
vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
2. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan xem xét, tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định bổ sung
nguồn vốn hàng năm ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương, phù hợp
với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và kế hoạch của Đề án.
b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, các ngành có liên quan đề xuất chính sách, giải pháp; tổ chức lồng
ghép các chương trình, dự án có liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm.
c) Tổ chức kiểm tra, quyết toán việc
sử dụng nguồn vốn, phí quản lý và đề xuất xử lý nợ bị rủi ro đúng quy định.
3. Các tổ chức
chính trị - xã hội nhận ủy thác
a) Tuyên truyền cho hội viên về các
chính sách và mục tiêu của Đề án; hướng dẫn hội viên xây dựng dự án vay vốn;
tín chấp vay vốn để giải quyết việc làm; vận động các thành viên tự tạo việc
làm và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
b) Chỉ đạo các cấp hội thực hiện nhận
ủy thác cho vay có hiệu quả; tạo và huy động nguồn vốn cho vay bổ sung để tạo
việc làm.
c) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách
xã hội trong việc cho vay, kiểm tra sử dụng vốn, đôn đốc thu hồi nợ, tuyên truyền
vận động các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả góp phần thực
hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm của địa phương.
4. Chi nhánh Ngân
hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ
a) Chịu trách nhiệm báo cáo và tham
mưu Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bố trí nguồn vốn đối ứng
với nguồn vốn địa phương chuyển sang hàng năm, đảm bảo nguồn vốn thực hiện Đề
án.
b) Chủ trì, phối hợp với các đoàn thể
nhận ủy thác triển khai cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, thu hồi nợ, kiểm
tra, lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro, ghi chép, theo dõi hạch toán theo
đúng quy định pháp luật.
c) Định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính việc sử dụng nguồn vốn cho
vay, sử dụng và phân phối lãi thu được từ việc cho vay.
5. Ủy ban nhân
dân quận, huyện
a) Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội ở địa phương và nội dung Đề án, xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm
cho người lao động trong độ tuổi lao động tại địa phương. Tổ chức thực hiện lồng
ghép Đề án này với chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để huy
động nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án cũng như góp phần tạo thêm việc làm
cho người lao động.
b) Củng cố và nâng cao năng lực đội
ngũ làm công tác lao động, việc làm, giảm nghèo, quản lý dạy nghề để nâng cao
hiệu quả thực hiện của Đề án.
c) Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng
Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ chỉ đạo triển khai thực hiện cho vay theo nội
dung Đề án này. Phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
trong công tác tổ chức cho vay.
d) Định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo
tình hình thực hiện Đề án về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội).
6. Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn
a) Chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng
vay vốn.
b) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách
xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cơ quan, đơn vị có
liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ.
c) Có ý kiến về đề nghị của người vay
đối với trường hợp đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan; phối hợp
với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xác nhận, kiểm tra, phúc tra và
xác định hộ vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan trên địa bàn.
7. Các Sở, Ban
ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế hoạch triển khai cụ thể Đề
án: trong kế hoạch công tác của đơn vị, thường
xuyên nắm tình hình về việc làm, tình trạng thất nghiệp trong lĩnh vực, địa bàn
phụ trách để có giải pháp hỗ trợ cho vay tạo việc làm mới; báo cáo kịp thời những
khó khăn, vướng mắc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp xử lý hoặc
đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xử lý. Định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc
theo yêu cầu đột xuất gửi báo cáo tình hình thực hiện Đề án về UBND thành phố
(qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Thời gian gửi báo cáo: Báo cáo 6
tháng đầu năm vào ngày 10/7; báo cáo năm vào ngày 10/01 năm
sau./.