Quyết định 1405/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt danh mục các đề tài, dự án khoa học và công nghệ triển khai thực hiện năm 2018 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 1405/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/07/2017
Ngày có hiệu lực 31/07/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Ngọc Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1405/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 21/3/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh của tỉnh Quảng Ngãi; Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 về việc Quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 714/TTr-SKHCN ngày 26/7/2017 về việc phê duyệt danh mục các đề tài, dự án khoa học và công nghệ triển khai thực hiện năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh mục 13 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh triển khai thực hiện mới năm 2018 (chi tiết tại Danh mục kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

1. Tổ chức các Hội đồng khoa học và công nghệ xét duyệt thuyết minh, đề cương các đề tài, dự án khoa học và công nghệ về sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, tính chất nghiên cứu, khả năng ứng dụng kết quả sau khi nghiên cứu đối với nhiệm vụ KH&CN và khả năng nhân rộng đối với dự án khoa học và công nghệ theo đúng quy định của Luật Khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành;

2. Tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sau khi xét duyệt Thuyết minh, Đề cương đạt yêu cầu (đã hoàn chỉnh Đề cương theo ý kiến của Hội đồng xét duyệt Thuyết minh Đề cương và thông qua Hội đồng thẩm định về tài chính).

3. Đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sau khi xét duyệt Đề cương không đạt yêu cầu, giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định việc không thực hiện và báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Tỉnh ủy (báo cáo);
- TTHĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh;
- Các Ban: Tuyên giáo, Nội chính Tỉnh ủy;
- Các Ban: VHXH,KTNS HĐND tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP(KGVX), các phòng N/cứu,CBTH;
- Lưu: VT, CNXD. pbc317

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Dũng

 

DANH MỤC

CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NĂM 2018
(Kèm theo Quyết định số 1405/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Tên nhiệm vụ

Phương thức thực hiện

Tính cấp thiết

Định hướng mục tiêu và yêu cầu đối với sản phẩm

Thời gian thực hiện

1.

Dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hành-Tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

- Giao trực tiếp UBND huyện Lý Sơn chủ trì.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Công ty TNHH T&T INVENMARK sở hữu trí tuệ quốc tế.

Hành - Tỏi Lý Sơn không chỉ là sản phẩm nổi tiếng trong nước mà cả nước ngoài và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tổng diện tích trồng Hành - tỏi hàng năm tại Lý Sơn khoảng 800ha (trong đó: Diện tích trồng tỏi khoảng 300 ha, sản lượng ước đạt 1.500 - 2.200 tấn và năng suất bình quân từ 5 - 7 tấn/ha; Diện tích trồng hành khoảng 500 ha/2vụ, năng suất 100 tạ/ha, sản lượng 4-5 ngàn tấn). Tuy nhiên, về cây tỏi năng suất thường không ổn định theo từng năm, năm khí hậu thích hợp năng suất có thể đạt đến 6,0 - 7,0 tấn/ha, nhưng năm mất mùa năng suất chỉ đạt từ 3 - 4 tấn/ha;

Nói về cây tỏi những năm vừa qua, nông dân huyện đảo Lý Sơn đang lao đao khi nhiều diện tích tỏi đã bị sâu bệnh gây hại, khi đã tìm đủ mọi cách để phòng trừ sâu bệnh nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để, nhiều diện tích trồng đang đứng trước nguy cơ mất mùa vì sâu bệnh hại chiếm tỷ lệ cao. Các sâu bệnh hại chính như giòi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh thối thân, tuyến trùng. Nông dân và các cấp chính quyền đã tìm mọi cách để phòng trừ sâu bệnh hại nhưng vẫn chưa giải quyết được. Tổn thất sau thu hoạch làm giảm chất lượng trong thời gian bảo quản dài ngày. Vì vậy cần thiết phải nghiên cứu những phương pháp nhằm kéo dài thời gian bảo quản, tăng thời gian lưu dữ hơn. Những vấn đề cần quan tâm trong sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn:

+ Sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm kém an toàn VSTP, thiếu tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn/nông nghiệp hữu cơ (lạm dụng thuốc BVTV và phương tiện bảo quản sản phẩm...),

+ Những xung đột lợi ích trong sản xuất, thương mại đối với sản phẩm tỏi Lý Sơn, cạnh tranh với các sản phẩm tỏi cùng loại có chất lượng khác với tỏi Lý Sơn (sản xuất ở vùng khác và sản xuất bằng phương thức canh tác khác với dân ở vùng sản xuất Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)

+ Nguy cơ phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn (căn cứ các quy hoạch chuyên ngành trên đảo và thực tiễn các nguy cơ xung đột phát triển/xung đột sử dụng đất giữa các ngành nghề, tổng quỹ đất trên đảo cố định/đất không đẻ thêm),

+ Nhu cầu phát triển nông nghiệp, sản phẩm đặc thù thúc đẩy phát triển KT-XH huyện đảo Lý Sơn theo yêu cầu, chỉ đạo từ TW đến địa phương về chiến lược phát triển kinh tế biển đảo, hướng ra biển,...

Thực trạng việc sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm hành - tỏi Lý Sơn gắn nhãn hiệu tập thể Hành - Tỏi Lý Sơn hiện nay vẫn chưa được tổ chức Hội sản xuất, kinh doanh và chế biến hành - tỏi Lý Sơn và thành viên trong tổ chức hội quan tâm, còn buông lỏng việc quản lý cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng và có nguy cơ bị mất thương hiệu Hành - Tỏi Lý Sơn ngay tại Tỉnh

Do đó, để bảo tồn giá trị phát triển sản phẩm đặc thù truyền thống tỉnh Quảng Ngãi, nâng cao giá trị sản phẩm Hành - Tỏi Lý Sơn trên thị trường và trở thành sản phẩm quốc gia, thì việc đề xuất thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Hành - Tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ” là thực sự cần thiết.

* Định hướng mục tiêu:

Xây dựng chỉ dẫn địa lý Hành - Tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhằm bảo tồn giá trị và phát triển sản phẩm đặc thù truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, nâng cao giá trị sản phẩm Hành- Tỏi Lý Sơn trên thị trường và trở thành sản phẩm quốc gia, góp phần thực hiện Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 24/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh đến năm 2020.

Cụ thể:

- Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý Hành - Tỏi Lý Sơn;

- Xác định được các tiêu chí đặc thù về hình thái, cảm quan, chất lượng của sản phẩm hành - tỏi Lý Sơn;

- Xác định mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên, con người và các tiêu chí đặc thù của sản phẩm hành - tỏi Lý Sơn;

- Xây dựng hồ sơ đăng bạ chỉ dẫn địa lý của hành - tỏi Lý Sơn;

- Xây dựng quy chế quản lý, giới thiệu và quảng bá nhằm phát triển sản xuất, thương mại đối với sản phẩm hành - tỏi Lý Sơn;

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

1) Báo cáo điều tra khảo sát xác định vùng chỉ dẫn địa lý hành - tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi;

2) Bản đồ vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý hành - tỏi Lý Sơn;

3) Bản mô tả đặc thù sản phẩm hành - tỏi Lý Sơn;

4) Bản mô tả quy trình sản xuất hành - tỏi Lý Sơn (bao gồm: quy trình canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm);

5) Dự thảo, thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm và hệ thống quảng bá sản phẩm

6) Dự thảo quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý hành - tỏi Lý Sơn;

7) Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hành - tỏi Lý Sơn, theo quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu, được chấp nhận đăng bạ;

8) Báo cáo tổng hợp dự án xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng chỉ dẫn địa lý hành - tỏi Lý Sơn (tổng hợp, hệ thống lại từ các sản phẩm trung gian ở trên, từ 1 đến 7).

Bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý (các sản phẩm 2, 3 và 7, 8) đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hình thức và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn đăng bạ.

30 tháng

2.

Dự án: Ứng dụng Khoa học, công nghệ hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh Nếp Ngự Sa Huỳnh.

Tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì.

Giống nếp Ngự Sa Huỳnh được ghi nhận là giống Nếp đặc sản của vùng đất Sa Huỳnh. Có tên khoa học là oryza-ativa L. Giống nếp Ngự có từ lâu đời và được người dân địa phương tuyển chọn, lưu giữ nguồn giống từ đời này qua đời khác theo kinh nghiệm truyền thống.

Nếp Ngự có những đặc điểm nổi bật về chất lượng như: dẻo ngon khi nấu xôi, dùng làm bánh không có hiện tượng lại gạo khi bảo quản dài ngày, mùi thơm đặc trưng. Theo báo cáo của HTX DVNN Phổ Châu, hàm lượng dinh dưỡng trong 100g Nếp Ngự gồm: 74.9g glucid, 8.6g protein, 1.5g lipid, 14g nước, 0.6g xenluloza, 0.8g tro, 32mg canxi, 98mg photpho, 1.2mg sắt và một số vitamin như B1, B2, PP.

Theo người dân địa phương, giống nếp Ngự phù hợp trồng trên đất Phổ Châu và một số ít diện tích tại xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ mới tạo ra sản phẩm chất lượng nhất Tuy nhiên, việc gieo trồng, lưu giữ giống nếp Ngự từ trước đến nay của người dân chủ yếu theo kinh nghiệm sản xuất dân gian, không có các tiến bộ khoa học tác động. Trải qua nhiều năm gieo trồng, nguồn giống không được chọn lọc dẫn đến hiện tượng thoái hóa do tạp giao trong và ngoài quần thể, bị đột biến tự nhiên, sử dụng giống kém sức sống, nguồn giống mang nguồn bệnh,... là những nguyên nhân làm cho phẩm chất hạt giống xấu hơn, năng suất giảm, chất lượng nếp giảm. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào về di truyền, phổ gen, phục tráng và chọn giống nếp Ngự. Vì vậy, giống nếp Ngự hiện tại đã bị thoái hóa nghiêm trọng.

Tổng diện tích có thể gieo trồng nếp Ngự tại 02 xã Phổ Thạnh, Phổ Châu huyện Đức Phổ khoảng 180ha, có thể sản xuất 2 vụ/năm, sản lượng ước khoảng 1.000-1.300 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay nông dân trồng rải rác, đan xen với lúa đại trà và diện tích nhỏ lẻ khoảng 5-10ha. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ chưa tốt, sản phẩm từ nếp Ngự lâu chỉ sử dụng làm bánh tét, bánh chưng, bánh nổ trong những dịp lễ, tết cổ truyền, mặt khác, việc mua bán nếp Ngự còn trôi nổi từ lái buôn nhỏ lẻ.

Với những lý do nêu trên, nếp Ngự có nguy cơ mất dần và nếu không có định hướng khai thác, phục hồi thì giống nếp đặc sản của vùng đất Sa Huỳnh sẽ dần mai một.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, thì việc đề xuất thực hiện dự án “Phục tráng, duy trì giống Nếp Ngự Sa Huỳnh và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị” nhằm duy trì và phát triển giá trị của giống nếp Ngự đặc sản Sa Huỳnh phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh là thực sự cần thiết.

* Định hướng mục tiêu:

- Phục tráng giống Nếp ngự Sa Huỳnh đúng chất lượng nếp đặc sản được nông dân trong vùng ghi nhận, duy trì ổn định hạt giống SNC, NC hàng năm để phục vụ sản xuất.

- Xây dựng và ban hành Quy trình thâm canh giống nếp ngự tại vùng đất Sa Huỳnh có năng suất, chất lượng ổn định và hiệu quả cao.

- Đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm nếp ngự tạo nhiều sản phẩm đa dạng như gạo nếp ngự đặc sản, rượu nếp ngự, cơm nếp ngự, sữa chua nếp ngự…..

- Xây dựng nhãn hiệu tập thể “nếp ngự Sa Huỳnh” tiến tới xây dựng “chỉ dẫn địa lý Nếp Ngự Sa Huỳnh”;

- Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ xây dựng 2 mô hình thâm canh nếp ngự tại 2 xã Phổ Châu và Phổ Thạnh, mỗi mô hình 10 ha sản xuất 2 vụ/năm (gồm: hỗ trợ hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạt giống, phân bón...).

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Bản mô tả về giống nếp ngự Sa Huỳnh.

- Quy trình thâm canh giống nếp ngự Sa Huỳnh;

- Nhãn hiệu tập thể “Nếp ngự Sa Huỳnh”;

- Chọn lọc được dòng thuần giống Nếp ngự có chất lượng cao nhất.

- Duy trì dòng thuần hàng năm (G1, G2, SNC, NC) giống Nếp Ngự Sa Huỳnh để phục vụ sản xuất hàng năm.

- Mô hình sản xuất Nếp Ngự Sa Huỳnh tại Phổ Châu và Phổ Thạnh có liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm.

- Các sản phẩm Nếp Ngự đưa ra trường như: Gạo nếp ngự, Rượu nếp ngự, cốm, sữa chua nếp ngự....

36 tháng

3.

Dự án: Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất củ Hành tím theo tiêu chuẩn sạch (Sản xuất hữu cơ) và xây dựng nhãn hiệu “Hành tím Vạn Tường- Bình Sơn” tại xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi.

- Giao trực tiếp Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn chủ trì;

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Trường Đại học Nông lâm Huế.

Cây Hành tím là cây trồng truyền thống ở một số xã ven biển huyện Bình Sơn, là cây đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể có giá trị và lợi nhuận cao gấp 20 lần so với trồng lúa, trên 5-10 lần so cây trồng khác cùng chân đất, là loại cây ngắn ngày nên dễ thay đổi, luân chuyển mùa vụ đã giúp cải thiện đời sống, việc làm của người dân nơi đây. Những năm gần đây, củ hành tím được giá nên diện tích trồng cây hành ngày một tăng lên, người dân liên tục trồng hành gối vụ dẫn đến việc lạm dụng các loại phân bón, chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật không thể kiểm soát. Nguyên nhân do khai thác kiệt quệ dinh dưỡng đất và tình hình sâu bệnh ngày càng phát sinh gây hại nặng. Từ đó chất lượng sản phẩm giảm, năng suất bấp bênh, môi trường ngày càng ô nhiễm; Mặt khác sản phẩm làm ra chưa có chứng nhận thương hiệu ít đối tác thị trường quan tâm nên khi sản lượng tăng lên thì giá lại giảm gây bất ổn thu nhập và đời sống sản xuất của người dân.

Để góp phần ổn định sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, nhất là đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm, môi trường được cải thiện đảm bảo: Trước hết cần phải hỗ trợ cho người dân thực hiện về quy trình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn sạch (từ khâu đất trồng, nước tưới, giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp theo từng thời vụ...), kết hợp quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ (hệ thống đường, điện, nước), công tác quản lý, giám sát và mạng lưới dịch vụ (Vật tư- kỹ thuật), ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng; hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh bền vững, tạo sản phẩm có chất lượng mang thương hiệu sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường nông sản và hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần góp phần ổn định nghề cho người trồng hành.

Xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, nên việc xây dựng dự án KHCN hỗ trợ vùng chuyên canh sản xuất Hành tím ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch (Sản xuất hữu cơ) vào sản xuất Hành tím Vạn Tường - Bình Sơn ở xã Bình Hải là rất cần thiết

*Định hướng mục tiêu:

Nghiên cứu chuyển giao ứng dụng về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch Hành tím theo tiêu chuẩn sạch cho người nông dân; nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và an toàn đối với môi trường. Hình thành vùng sản xuất hành tím chuyên canh có quy mô lớn, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường và xây dựng nhãn hiệu “Hành tím Vạn Tường - Bình Sơn”.

Cụ thể:

- Hình thành vùng trồng chuyên canh củ Hành tím, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất.

- Hồ sơ thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Hành tím-Vạn Tường” Bình Hải, Bình Sơn;

- Chuyển giao ứng dụng về quy trình chuẩn kỹ thuật trồng và chăm sóc Hành tím theo tiêu chuẩn sạch cho người nông dân sử dụng phương pháp sản xuất mới hạn chế trồng hành trên nền đất lót cát biển.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trong sản xuất hành theo tiêu chuẩn sạch và hình thành chuỗi sản xuất thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hành tím bền vững và giữ vững thương hiệu.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Quy trình sản xuất hành tím theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn sạch (SẢN XUẤT HỮU CƠ).

- Xây dựng được vùng chuyên canh hành tím sản xuất theo phương pháp hữu cơ, quy mô 20 ha ở xã Bình Hải.

- Hình thành được cơ sở thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hành tím;

- Nhãn hiệu “Hành tím Vạn Tường - Bình Sơn” được cấp chứng nhận độc quyền.

36 tháng

4.

Đề tài: Phục tráng và phát triển giống lạc sẻ địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì.

Lạc là cây công nghiệp, cây thực phẩm ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng cao được dùng làm thực phẩm cho người và thức ăn cho chăn nuôi, là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng; đồng thời cũng là đối tượng cây trồng có khả năng cải tạo đất rất tốt, có khả năng chịu hạn.

Theo thống kê, diện tích gieo trồng lạc của tỉnh ta trong những năm qua luôn tăng, nhưng năng suất bình quân đạt thấp (chỉ đạt khoảng 21.4 tạ/ha); hiệu quả sản xuất lạc trên đơn vị đất canh tác vẫn còn thấp so với lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh.

Mặc dù, trong thời gian qua Ngành nông nghiệp và PTNT đã định hướng du nhập một số giống lạc mới để phục vụ sản xuất: như giống MD7, L14, Li chọn lọc .... nhưng với diện tích không lớn. Người dân vẫn thường sử dụng giống lạc sẻ địa phương. Tuy nhiên, giống lạc sẻ địa phương được người dân trong tỉnh sử dụng hiện nay đã bị thoái hóa: cây có biểu hiện sinh trưởng phát triển kém, số lượng hạt/cây giảm, hạt nhỏ, tỷ lệ lạc 1 hạt cao, mức độ nhiễm sâu bệnh tăng đặc biệt là bệnh héo xanh, năng suất giảm.

Xuất phát từ những thực trạng trên đề xuất nhiệm vụ: “Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lạc sẻ địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” là cần thiết và cấp bách.

* Định hướng mục tiêu:

- Phục tráng và bảo tồn nguồn gen giống lạc sẻ của địa phương có giá trị sử dụng cao; duy trì hạt Giống SNC, NC hàng năm để phục vụ sản xuất.

- Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác Giống lạc sẻ có năng suất, chất lượng ổn định và hiệu quả cao.

- Hồ sơ thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm giống lạc sẻ của địa phương.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Bản mô tả về giống lạc sẻ của địa phương;

- Quy trình kỹ thuật canh tác giống lạc sẻ của địa phương (Được cơ quan thẩm quyền thẩm định Ban hành)

- Mô hình trình diễn sản xuất giống lạc sẻ sau khi phục tráng;

- Chọn được dòng thuần giống lạc sẻ của địa phương;

- Duy trì dòng thuần giống lạc sẻ (SNC, NC,...) để phục vụ sản xuất hàng năm.

- Nhãn hiệu Lạc sẻ của địa phương (được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền).

24 tháng

5.

Dự án: Cải thiện tầm vóc giống trâu địa phương bằng giống trâu Murrah (dùng phương pháp lai tạo nhảy trực tiếp và thụ tinh nhân tạo).

Giao trực tiếp Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi; chủ trì.

- Thực hiện Quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định 628/QĐ-SNNPTNT ngày 29/10/2015 của Sở Nông nghiệp và PTNT Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020, định hướng chọn tạo giống: Tập trung nâng cao chất lượng giống trâu thông qua chọn lọc, nhân thuần. Tăng cường tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi trâu đạt ≥ 2% vào năm 2020 để nâng cao năng suất, chất lượng đàn trâu; đồng thời, sử dụng đực lai F1 làm giống để nâng cao năng suất, chất lượng trâu địa phương; Khai thác và sử dụng tinh trâu Murrah phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo phát triển trâu lai theo hướng thịt. Tổng đàn trâu Quảng Ngãi tính đến ngày 01/10/2016 khoảng 68.923 con. Chất lượng đàn trâu nhìn chung hiện nay có xu hướng bị suy giảm, khả năng tăng trọng chậm, sức chống chịu bệnh tật kém, trọng lượng giảm, nhất là tỷ lệ nuôi sống của nghé sơ sinh thấp, chỉ đạt 60 - 70%, hiệu quả kinh tế thấp. Nguyên nhân do công tác giống chưa được chú trọng đầu tư, hiện tượng giao phối cận huyết xảy ra phổ biến. Mặc dù khối lượng trâu Murrah to hơn trâu Việt Nam, tuy nhiên chưa có đánh giá số liệu cụ thể về con lai giữa trâu Murrah và trâu Việt Nam. Do vậy cần có sự đánh giá mức độ cải tạo tầm vóc của con lai so với trâu nội.

Nên việc sử dụng đàn trâu đực Murrah F1 và nguồn tinh trâu Murrah nhập khẩu để lai tạo với đàn trâu cái của tỉnh là hết sức cần thiết góp phần tăng sản lượng thịt trâu chất lượng cao, tăng giá trị sản xuất chăn nuôi và đa dạng giống trâu thịt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

* Định hướng mục tiêu:

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ lai tạo giống trâu, phát triển nguồn thức ăn, cải thiện dinh dưỡng và phòng bệnh trong chăn nuôi trâu để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần phát triển chăn nuôi trâu thịt trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể:

- Đánh giá thực trạng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc quản lý đàn trâu hiện nay tại vùng dự án: Khối lượng trâu cái, trâu đực; phương thức nuôi;

- Tuyển chọn đàn trâu cái đủ tiêu chuẩn để phối giống với tinh trâu Murrah hoặc trâu đực lai Murrah FI được tuyển chọn để nâng cao tầm vóc cho con lai;

- Cải thiện phương pháp nuôi dưỡng, quản lý nhằm nâng cao năng suất sinh sản như: chăn nuôi có sự giám sát nhằm phát hiện sớm động dục...;

- Xây dựng mô hình nuôi trâu lai Murrah và thu thập, đánh giá số liệu về sinh trưởng;

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Báo cáo thực trạng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc quản lý đàn trâu tại vùng dự án triển khai và những khó khăn vướng mắc trong công tác lai tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Quảng Ngãi;

- Mô hình 50 hộ dân chăn nuôi trâu lai Murrah và 50 mô hình trồng cỏ;

- Tạo khoảng 150 nghé lai;

- Các lớp tập huấn, tham quan được tổ chức nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật cho cán bộ làm công tác chăn nuôi thú y tại địa phương và cộng đồng người dân trong vùng dự án.

36 tháng

6.

Dự án: Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất hạt giống lúa thuần và gạo sạch theo hướng VietGAP tại xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

- Giao trực tiếp Công ty TNHH giống cây trồng Miền Trung chủ trì.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ.

Theo số liệu thống kê tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh Quảng Ngãi hằng năm khoảng 74.000ha, với nhu cầu hạt giống lúa khoảng 7.000 tấn. Nhưng các đơn vị sản xuất lúa giống ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong đó có Công ty giống Miền Trung chỉ cung ứng được khoảng 50% sản lượng phần còn lại do các Công ty đơn vị ngoài tỉnh cung cấp.

Nguyên nhân do vùng sản xuất giống không ổn định, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế nên chất lượng hạt giống không cao. Thời vụ trong vụ Đông Xuân muộn nên hầu hết phải sản xuất ở các tỉnh khác dẫn đến sản phẩm giá thành cao nên khó cạnh với các đơn vị khác ngoài tỉnh. Do đó việc mở rộng diện tích sản xuất lúa giống và tổ chức thành vùng chuyên canh để nâng cao thu nhập cho người nông dân và tăng sản lượng lúa giống chất lượng tốt để phục vụ sản xuất của nông dân trong tỉnh là điều rất cần thiết

Bên cạnh đó, nhu cầu “ăn no” đang chuyển dần sang “ăn ngon”; đồng thời người tiêu dùng đang hướng đến việc lựa chọn những sản phẩm sạch chất lượng cao an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên xu thế sản xuất gạo phải theo hướng VietGAP là điều tất yếu mà doanh nghiệp phải làm. Đức Phổ có diện tích đất lúa 5.400ha chủ yếu là đất thịt, pha cát tập trung ở 1 số xã như Phổ Ninh, Phổ Cường, Phổ Thuận, Phổ Văn. Nguồn nước tưới được cung cấp từ Thạch Nham và hồ Liệt Sơn.

Phổ Ninh là xã có cây trồng chủ yếu là lúa, diện tích đất lúa 459ha, chất đất tốt, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha. Người dân ở đây chỉ sản xuất lúa ăn chưa bao giờ sản xuất lúa giống và chỉ sản xuất giống lúa thường, dùng phân bón và thuốc BVTV theo cảm tính không đảm bảo độ an toàn cho sức khỏe. Sau khi khảo sát, Công ty chọn xứ đồng Mốc có 50 ha liền vùng không có gò xen kẽ hạn chế được sự phá hại của chuột, địa hình được chia làm 2 vùng cao thấp thuận lợi cho việc phân chia trà lúa sản xuất. Nước tưới được cung cấp bởi hồ Liệt Sơn nên khi gieo sạ sớm không bị ảnh hưởng bởi nước Thạch Nham đồng thời dễ cách ly đảm bảo độ sạch dùng cho sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ những nhu cầu thực tế nói trên, Công ty TNHH Giống cây trồng Miền Trung đề xuất dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất hạt giống lúa thuần và gạo sạch theo hướng VietGAP tại xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”.

* Định hướng mục tiêu:

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa giống và gạo theo hướng VietGAP, qua đó góp phần nâng cao trình độ sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân trong vùng dự án.

Cụ thể:

- Xây dựng 50 ha vùng nguyên liệu chuyên sản xuất lúa giống, gạo theo hướng Việt GAP tại xã Phổ Ninh, Huyện Đức Phổ;

- Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa giống và sản xuất gạo theo hướng VietGAP lên trên 15% so với sản xuất lúa truyền thống.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Báo cáo phân tích hiện trạng sản xuất lúa của vùng dự án.

- Kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa thuần các cấp; Kỹ thuật sản xuất gạo thực hành nông nghiệp tốt.

- Hệ thống phơi sấy và chế biến, đóng gói hạt giống lúa thuần các cấp; Hệ thống phơi sấy và chế biến, đóng gói gạo thực hành nông nghiệp tốt.

- Mô hình chuỗi liên kết sản xuất và chế biến hạt giống lúa thuần, diện tích 210 ha/kỳ dự án, năng suất 60 tạ/ha, hạt giống lúa đảm bảo quy chuẩn QCVN 01-54:2011/BNNPTNT và sản lượng chế biến, tiêu thụ 1.260 tấn/kỳ dự án.

- Mô hình chuỗi liên kết sản xuất và chế biến gạo thực hành nông nghiệp tốt, diện tích 90 ha/kỳ dự án, năng suất 50 tạ/ha, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và sản lượng chế biến, tiêu thụ 450 tấn/kỳ dự án.

- 30 kỹ thuật viên cơ sở, 600 lượt nông dân được tập huấn đầu vụ và 400 lượt người tham quan mô hình.

- 02 bài báo khoa học.

36 tháng

7.

Dự án: Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo an toàn bền vững có bổ sung thức ăn từ cây dược liệu tại xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành.

- Giao trực tiếp Hợp tác xã chăn nuôi Tân Hòa Phú chủ trì;

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi.

Ngành chăn nuôi hiện chiếm 25% giá trị của ngành nông nghiệp vào tổng thu nhập quốc nội. Đây cũng là ngành giữ vai trò then chốt trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời là nguồn sinh kế chủ yếu của đa số các hộ gia đình nông thôn. Trong số các hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi lợn là hoạt động chủ đạo, đóng góp 78% tổng sản lượng ngành chăn nuôi (Tổng cục thống kê, 2010). Thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất (40%) trong tổng chỉ tiêu của hộ dân cho các sản phẩm thịt, tiếp sau đó là cá, thịt gia cầm và thịt bò. Thịt lợn đã và đang là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình người việt. Gần đây, trước tình hình bùng nổ các trường hợp nhiễm độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân như tồn dư hóa chất, dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm thịt, sử dụng các chất phụ gia không hợp pháp, sự ô nhiễm và kém vệ sinh khâu bảo quản sau giết mổ và vận chuyển đến tay người tiêu dùng ... đã làm gia tăng mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, tính cạnh tranh sản phẩm thấp, hiệu quả sản xuất người chăn nuôi bấp bên.

Nước ta chưa tự sản xuất được con giống tốt, việc nhập khẩu thường xuyên sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như giá thành cao, bị động, khó phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, hàng năm nước ta xuất khẩu 6-9 triệu tấn gạo thì cũng nhập khoảng 8-9 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi cao, 1kg heo hơi cao hơn các nước đang phát triển 5-10% và hơn các nước phát triển 30 - 35%.

Để đảm bảo được chất lượng và giá thành tốt, cần kiểm soát tất cả các khâu trong chuỗi từ sản xuất - giết mổ - lưu thông - người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết theo chuỗi hiện còn quá yếu, phải phụ thuộc nhiều khâu trung gian nên sức cạnh tranh kém, ảnh hưởng chung nghề chăn nuôi, nhất là người nông dân trực tiếp chăn nuôi. Mặt khác chăn nuôi công nghiệp phát triển mạnh nhưng chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi heo và gia cầm chiếm 65 - 70% số đầu con và 40 - 45% sản lượng thịt. Chăn nuôi quy mô càng nhỏ chi phí càng cao, sức cạnh tranh thấp. Do đó, cần liên kết các hộ thành những tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo nguồn sản phẩm hàng hóa ổn định, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm có tính đặc trưng riêng nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh tốt.

Xuất phát từ những thực tế nói trên, việc liên kết các hộ thành hợp tác xã chăn nuôi, tổ chức sản xuất theo quy trình được giám sát từ khâu con giống, nguyên liệu đầu vào, quá trình chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đóng gói, gắn nhãn hiệu và phân phối đến người tiêu dùng giá thành ổn định, chất lượng an toàn, tạo thu nhập cho người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng là cần thiết và cấp bách.

* Định hướng mục tiêu:

Xây dựng và tổ chức chuỗi giá trị chăn nuôi heo từ khâu sản xuất, giết mổ, tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm nhằm khai thác lợi thế của sản phẩm này.

Cụ thể:

- Hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi heo bền vững, đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo.

- Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “thịt heo an toàn Tân Hòa Phú”, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 230-280 kg thịt heo.

- Liên kết các hộ chăn nuôi trong hợp tác xã xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung quy mô đàn heo có mặt thường xuyên sau khi kết thúc dự án 80 nái sinh sản và 700 con heo thịt

- Tạo doanh thu ổn định cho 16 thành viên hợp tác xã, mỗi năm 300 trđ/hộ và thu nhập ổn định 90 trđ/năm/hộ, thu nhập tăng thêm hàng năm từ 15- 17% so hiện nay. Thông qua việc tham gia dự án, người dân được tiếp cận về kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ, nâng cao năng lực quản lý nguồn vốn, quản lý sản xuất an toàn, nắm bắt thị trường. Hoạt động của Dự án, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong tổ chức Hợp tác xã, thu hút đông đảo người nông dân ngày càng gắn bó với tổ chức hợp tác.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Quy trình chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ có bổ sung cây dược liệu;

- Nhãn hiệu thịt heo Tân Hòa phú-Hành Tín Tây.

- Quy chế hoạt động, phương thức quản lý sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt heo an toàn chất lượng cao của HTX Tân Hòa Phú.

- Mô hình chăn nuôi heo tập trung khép kín quy mô đàn 80 heo nái và 700 heo thịt, tổng số lượng heo thịt trong kỳ dự án trên 4.200 con.

- 230 - 280 kg thịt heo chất lượng an toàn hàng ngày cho thị trường. Tổng sản lượng thịt đưa ra thị trường trong kỳ dự án trên 207 tấn thịt.

36 tháng

8.

Đề tài: Nghiên cứu xác lập cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi.

Tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì.

Quảng Ngãi là tỉnh nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với đường bờ biển dài 130km; là địa phương có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, trong đó có tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng. Đất cát ven biển (AR - Avenosols) là một trong 9 nhóm đất chính của tỉnh. Có diện tích 6.290ha, chiếm 1,22% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, phân bố ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và tp.Quảng Ngãi. Đất cát ven biển Quảng Ngãi không hình thành một dải liên tục do bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ngang ra biển.

Đất cát ven biển với đặc trưng: thành phần cơ giới chủ yếu là cát, không có kết cấu, giữ nước và dinh dưỡng khoáng kém. Các tính chất nông hóa đều kém, hàm lượng chất dinh dưỡng ở mức nghèo và rất nghèo, thường xuyên khô hạn. Hướng sử dụng chủ yếu của nhóm đất này hiện nay tại địa phương là gieo trồng các loại cây màu nên hiệu quả kinh tế còn thấp, về khía cạnh môi trường, do tính ổn định thấp nên đất cát ven biển thường di động bởi động lực của gió bão, dòng chảy và sóng biển gây nhiều tác động xấu đến môi trường, đời sống, sản xuất và cơ sở hạ tầng. Nguy cơ này càng gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những bất lợi trong canh tác nông, lâm nghiệp thì đất cát ven biển cũng có những mặt lợi thế riêng như: quỹ đất còn khá dồi dào thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất, môi trường ít bị ô nhiễm nên phù hợp với việc trồng các loài cây thực phẩm và dược liệu sạch chất lượng cao nếu được đầu tư đúng mức; ngoài ra trên đất cát ven biển còn có nhiều loài cây bản địa thích nghi với điều kiện sinh thái địa phương, có giá trị kinh tế và môi trường nếu được phát triển rộng. Các kết quả nghiên cứu phát triển các loài cây nhập nội trên đất cát ven biển của các địa phương khác trong khu vực Trung bộ (Thuận Hải, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình...) cũng là những mô hình tốt có thể tham khảo, chọn lọc và ứng dụng tại Quảng Ngãi thông qua khảo nghiệm.

Do đó, việc đề xuất nghiên cứu xác lập cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi” là một hướng đi cần thiết để cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu về cả kinh tế, xã hội và môi trường; là nền tảng cho việc phát triển bền vững về nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển và xây dựng phòng tuyến vững chắc để bảo vệ biển đảo của đất nước.

* Định hướng mục tiêu:

- Xây dựng được danh lục thực vật tự nhiên và cây trồng truyền thống trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi;

- Xác định được cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, phòng hộ và bảo vệ môi trường cho ít nhất 3 trong số 4 đơn vị đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi;

- Bổ sung được ít nhất 5 loại cây trồng mới so với cơ cấu cây trồng truyền thống tại địa phương;

- Xây dựng được 2 mô hình nông lâm kết hợp và 2 mô hình chuyên canh (quy mô mỗi mô hình 0,5ha) trên đất cát ven biển.

- Nâng cao năng lực cho cộng đồng thông qua hoạt động tập huấn cho 180 lượt người thuộc 6 đơn vị hành chính cấp huyện.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả đề tài

- Các báo cáo chuyên đề có liên quan;

- Danh lục thực vật vùng cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi;

- Danh sách cơ cấu cây trồng có hiệu quả cho 3 đơn vị đất cát chủ yếu và các dữ liệu có liên quan kèm theo.

- 01 bộ tài liệu tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng và quản lý bảo tồn thực vật vùng cát ven biển.

- 02 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành;

- 01 bộ tiêu bản (ảnh và mẫu vật khô) các cây chủ yếu vùng cát ven biển.

- 01 bộ sưu tập nguồn giống các loài cây quý, hiếm hay có giá trị kinh tế cao hoặc có tiềm năng phát triển trong tương lai.

- 04 mô hình trồng theo các phương thức khác nhau.

24 tháng

9.

Dự án: Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo rừng lai an toàn bền vững sử dụng thức ăn bản địa có bổ sung cây dược liệu tại Khu kinh tế Dung Quất.

Giao trực tiếp Trung tâm Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Dung Quất chủ trì.

Khu kinh tế Dung Quất có tỉ lệ đất gò đồi chiếm tỷ lệ khá lớn. Hiện nay, người dân phát triển trồng rừng kinh tế chủ lực là cây keo. Tuy nhiên, chu kỳ khai thác keo là 4 năm, do đó, nguồn thu nhập của người dân không thường xuyên. Đồng thời dưới tán rừng người dân chưa biết kết hợp lợi thế sản xuất với cây trồng, vật nuôi khác để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

Heo rừng lai có khả năng kháng bệnh rất cao, sinh trưởng tốt trên môi trường khô cằn, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp môi trường chăn thả. Thịt heo rừng là món ăn đặc sản của người dân Việt Nam, nhưng thị trường tiêu thụ hẹp, giá cả cao hơn so với thịt heo thông thường. Do đó, để đưa sản phẩm thịt heo rừng vào thị trường cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách chuyên nghiệp và có sự kiểm soát từ sản xuất - giết mổ- đóng gói - lưu thông đến người tiêu dùng và xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định phù hợp quy luật cung cầu thị trường sẽ góp phần thu nhập ổn định cho người chăn nuôi và thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi heo rừng lai.

Mặt khác, khi mỗi nông dân tổ chức chăn nuôi nhỏ lẻ chi phí chăn nuôi tăng lên, nguồn sản phẩm khó đáp ứng thường xuyên cho thị trường và sự kiểm soát chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần liên kết các hộ thành những nhóm hộ cùng sở thích, tổ hợp tác để tạo nguồn sản phẩm hàng hóa ổn định và liên kết các tổ chức, doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm, chuyên nghiệp xây dựng quy trình quản lý sản xuất, hệ thống phân phối đầu vào và đầu ra quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, giúp cho quá trình sản xuất ổn định, bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người chăn nuôi ngày càng cao.

Xuất phát từ những thực trạng trên, Trung tâm Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Dung Quất xây dựng Dự án: “Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo rừng lai an toàn bền vững sử dụng thức ăn bản địa có bổ sung cây dược liệu tại Khu kinh tế Dung Quất” là rất cần thiết.

* Định hướng mục tiêu:

Xây dựng và tổ chức chuỗi giá trị chăn nuôi heo rừng lai trong đó có sự tư vấn và giám sát từ khâu sản xuất, giết mổ, tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Cụ thể:

- Xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi heo rừng lai bền vững, đảm bảo cho các cá nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo rừng lai.

- Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “thịt heo rừng lai Dung Quất”, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 100 - 150 kg thịt heo rừng lai.

- Liên kết 15 hộ chăn nuôi trong Khu kinh tế Dung Quất xây dựng mô hình liên kết sản xuất quy mô đàn heo rừng lai có mặt thường xuyên sau khi kết thúc dự án 70 nái sinh sản và 360 con heo thịt.

- Tạo doanh thu ổn định cho 15 hộ, mỗi năm 192 triệu đồng/hộ và thu nhập ổn định 70 triệu đồng/hộ/năm. Thông qua việc tham gia dự án, người dân được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi heo rừng lai theo hướng hữu cơ có bổ sung cây dược liệu; nâng cao năng lực trong quản lý nguồn vốn, quản lý sản xuất, nắm bắt thị trường.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Hình thành được chuỗi giá trị chăn nuôi heo rừng lai bền vững đảm bảo cho các cá nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo rừng lai.

- Quy trình chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ có bổ sung cây dược liệu; Nhãn hiệu “thịt heo rừng lai Dung Quất”

- Phương thức quản lý sản xuất, giết mổ, phân phối sản phẩm thịt heo an toàn chất lượng cao.

- Mô hình chăn nuôi heo rừng lai khép kín quy mô đàn 70 nái và 360 heo thịt, tổng số lượng heo thịt trong kỳ dự án trên 2.160 con.

- 100-150 kg thịt heo rừng lai chất lượng an toàn hàng ngày cho thị trường, tổng sản lượng thịt đưa ra thị trường trong kỳ dự án trên 54 tấn thịt.

36 tháng

10.

Đề tài: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển vùng ớt xiêm rừng tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

- Tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì.

Ờ vùng núi tỉnh Quảng Ngãi, ớt xiêm là một đặc sản quý được ban tặng từ thiên nhiên. Ớt xiêm rừng trái nhỏ, nhưng bù lại rất thơm, vị cay nhưng không gắt như các loại ớt trồng khác. Ớt xiêm rừng có thể thu hoạch quanh năm, nhiều nhất vào tháng 6-7 hàng năm. Bình quân mỗi cây ớt thu hoạch được từ 0,5-1kg. Cũng như những loại sản vật khác, ớt xiêm rừng tí hon mọc tự nhiên và riêng lẻ từng cây ở các vùng đồi, núi, trên nương rẫy. Vì không có sự chăm sóc, bón phân nên thân cây chỉ cao khoảng 0,5-1m và trái thì nhỏ. Hầu như vùng núi nào ở Quảng Ngãi cũng có ớt xiêm rừng, Năm 2016 có 3 đợt lũ liên tiếp đã làm cây trồng và cây mọc tự nhiên ở miền núi Quảng Ngãi bị hư hỏng rất nhiều. Tình trạng đó dẫn đến việc các mặt hàng nông sản, đặc biệt là số quả, trái thu hái tự nhiên tăng giá cao, đặc biệt là ớt xiêm tươi. Trái nhỏ, nhưng bù lại ớt xiêm rừng rất thơm, vị cay nhưng không gắt như các loại ớt trồng khác.

Như vậy, ớt xiêm rừng tỉnh Quảng Ngãi, là một sản phẩm có giá trị về mặt thương mại, giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mang lại thu nhập cho người dân và thương hiệu về đặc sản vùng của tỉnh. Vì vậy, việc gìn giữ và bảo tồn loài thực vật là một trong những việc làm cần thiết nhằm gìn giữ nguồn gen bản địa quý hiếm bảo tồn tự nhiên và đa dạng sinh học cho hệ sinh thái tự nhiên, phát triển sinh kế, ổn định thu nhập của người dân vùng núi.

*Định hướng mục tiêu:

- Xác định, khoanh vùng phân bố ớt xiêm rừng trên địa bàn huyện Sơn Hà;

- Xây dựng vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển ớt xiêm rừng dựa vào cộng đồng.

- Xây dựng vườn ươm cây giống dựa vào cộng đồng;

- Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm ớt xiêm rừng.

- Xây dựng nhãn hiệu ớt xiêm rừng Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

*Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Báo cáo phân tích về đặc điểm thực vật học, phân bố cây ớt xiêm rừng.

- Bản đồ vùng phân bố cây ớt xiêm rùng trên địa bàn huyện Sơn Hà.

- Bản đồ vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển ớt xiêm rừng địa bàn huyện Sơn Hà.

- Báo cáo phân tích sơ đồ gen và chất lượng của sản phẩm ớt xiêm rừng.

- Vườn ươm cây giống ớt xiêm.

- Mô hình trồng ớt xiêm rừng.

- Xây dựng được nhãn hiệu ớt xiêm rừng Sơn Hà.

- Bài báo khoa học.

24 tháng

11.

Đề tài: Điều tra, đánh giá nguồn lợi giống cá dìa và xây dựng quy trình ương cá dìa từ cỡ hạt dưa lên cá giống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì.

Cá dìa là một loài cá có giá trị kinh tế cao, có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với tôm nhằm giảm ô nhiễm, hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi.

Nghề nuôi tôm hiện nay đối mặt với nhiều rủi ro, dịch bệnh ở tôm nuôi xảy ra trên diện rộng, rất nhiều hồ nuôi bị bỏ hoang, cần đưa các đối tượng cá nước lợ, mặn có giá trị kinh tế cao vào nuôi để sử dụng lại hồ nuôi, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế.

Nguồn cá dìa giống hiện nay chủ yếu được thu gom từ tự nhiên, chỉ một số ít được sản xuất nhân tạo, trong sản xuất nhân tạo tỷ lệ ra con giống còn rất thấp.

Qua tìm hiểu sơ bộ, nguồn lợi cá dìa giống vùng cửa sông, đầm nước lợ mặn ở tỉnh ta rất phong phú, xuất hiện nhiều nhất là cá giống cỡ hạt dưa. Người dân địa phương các vùng có cá dìa giống xuất hiện đã tiến hành thu gom và đưa vào ương nuôi, tuy nhiên sản lượng cá giống thu gom còn ít so với nguồn lợi tự nhiên, tỷ lệ sống khi ương cá từ cỡ hạt dưa lên cá giống còn thấp.

Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào đề cập đến việc điều tra, đánh giá nguồn lợi cá dìa giống trên địa bàn tỉnh ta để từ đó đề xuất giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý đối tượng này.

Xuất phát từ thực tế đó việc thực hiện đề tài: “Điều tra, đánh giá nguồn lợi giống cá dìa và xây dựng quy trình ương cá dìa từ cỡ hạt dưa lên cá giống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” là thực sự cần thiết.

* Định hướng mục tiêu:

- Đánh giá được nguồn lợi, đề xuất giải pháp bảo vệ - khai thác và sử dụng hợp lý nguồn giống cá dìa từ tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Xây dựng quy trình ương cá dìa từ cỡ hạt dưa lên cá giống.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Báo cáo đánh giá được nguồn lợi, đề xuất giải pháp bảo vệ - khai thác và sử dụng hợp lý nguồn giống cá dìa từ tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Quy trình ương cá dìa từ cỡ hạt dưa lên cá giống.

- 01 Bài báo khoa học.

- Báo cáo toàn diện đề tài (Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt đề tài).

- Cá dìa giống.

24 tháng

II

Khoa học Xã Hội và Nhân văn, Y dược

 

 

 

Khoa học xã hội và nhân văn

 

 

12.

Đề tài: Nghiên cứu thực trạng; đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

Tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì.

Việt Nam đất nước của sự thống nhất trong đa dạng với hơn 54 dân tộc sống rải rác trên khắp lãnh thổ, trong đó các dân tộc ít người chủ yếu tập trung cư trú tại các vùng sinh thái khác nhau. Ở tỉnh Quảng Ngãi các dân tộc như: Hrê, Cor, Ca Dong, ...chủ yếu cư trú ở các huyện miền núi của tỉnh, trong đó người dân tộc Hrê với số lượng lớn chỉ sau người Kinh, họ cư trú chủ yếu ở các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà. Người Hrê sống đan xen với người kinh ở vùng tây các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Các làng Hrê đan xen với người Ca Dong ở địa bàn phía đông huyện Sơn Tây và sống đan xen với người Cor ở các xã phía nam của huyện Trà Bồng. Dân tộc Cor là dân tộc có số dân đông thứ ba trong tỉnh và là dân tộc có số dân đông thứ hai trong các dân tộc thiểu số, sau dân tộc Hrê. Địa bàn cư trú của dân tộc Cor ở các huyện: Trà Bồng, Tây Trà. Dân tộc Ca Dong là dân tộc có số dân đông thứ tư trong tỉnh; địa bàn cư trú của dân tộc Ca Dong phân bố ở huyện Sơn Tây.

Đây là vùng dân cư có kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn, chất lượng con người các dân tộc ít người tại đây còn thấp cả về mặt sinh học và năng lực trí tuệ so với các vùng sinh thái khác trong tỉnh. Đặc biệt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết xảy ra trong nhiều năm qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thoái hóa nòi giống.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, thì việc đề xuất hiện đề tài: “Nghiên cứu thực trạng; đề xuất giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi” là thực sự cần thiết, cấp bách.

*Định hướng mục tiêu:

- Đánh giá thực trạng tảo hôn trong các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi;

- Đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tảo hôn trong các dân tộc ở các huyện miền núi của tỉnh.

*Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Báo cáo thực trạng tảo hôn trong các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi;

- Các giải pháp khắc phục tình trạng tảo hôn trong các dân tộc ở các huyện miền núi của tỉnh.

- Các báo cáo chuyên đề liên quan;

- Báo cáo toàn diện đề tài (Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt đề tài);

- Kỵ yếu Hội thảo;

- 02 bài báo khoa học.

24 tháng

 

Y dược

 

 

 

 

13.

Đề tài: Điều tra hiện trạng và giá trị nguồn dược liệu ma-gang (măn-gan) ở tỉnh Quảng Ngãi làm cơ sở quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững.

Tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì.

- Theo kết quả đề tài "Điều tra khảo sát các loại cây, con dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi", đến nay đã thống kê được 735 loài thực vật thuộc 545 chi, 188 họ với trên 20 loài cây thuốc quý có tên trong "Sách Đỏ Việt Nam (Lê Khắc Huy và cộng sự 1999, Võ Văn Phú và cộng sự 2010). Các nghiên cứu trước đã ghi nhận rằng đồng bào người Cor ở vùng Trà Bồng, Tây Trà thường sử dụng những bài thuốc dân gian riêng và dựa vào kinh nghiệm để chữa bệnh. Nổi bật nhất là bài thuốc củ rừng gọi là ma-gang để trị nhiều loại bệnh khác nhau từ các bệnh thông thường như cảm, đau bụng, xương khớp, đến các bệnh nang y, làm thuốc bổ cho phụ nữ trong lúc sinh đẻ và cả thuốc trị bệnh cho gia súc.

- Có nhiều loài ma-gang được người dân sử dụng với tên gọi khác nhau: căn cứ vào màu sắc của củ mà người ta gọi là Ma-gang trắng, Ma-gang đỏ, Ma-gang tím, Ma-gang đen, ...; gọi theo loại bệnh có Ma-gang liền da, hay căn cứ vào nơi mọc có ma-gang mặt trời, ma-gang phong... Việc trị bệnh bằng các bài thuốc củ ma-gang thường do những thầy lang cao tuổi trong làng nắm giữ và “bí truyền”. Do đó, nhiều loài cây thuốc và những kinh nghiệm sử dụng cây cỏ nói chung và ma-gang nói riêng của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng phía Tây Quảng Ngãi vẫn chưa được thống kê, nghiên cứu đầy đủ, danh pháp khoa học các cây cỏ làm thuốc chưa rõ ràng, chưa có các kiểm chứng về mặt khoa học và lâm sàn trong y học hiện đại.

- Các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc ma-gang được đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi để trị bệnh, tên chính xác của các loài ma-gang cho đến nay vẫn là một đối tượng được người dân, chính quyền và lĩnh vực y học cổ truyền tại địa phương quan tâm và muốn được nghiên cứu làm rõ. Xuất phát từ thực tiễn trên, thì việc đề xuất đề tài nghiên cứu “Điều tra hiện trạng và giá trị nguồn dược liệu ma-gang (măn-gan) ở tỉnh Quảng Ngãi làm cơ sở quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững” là rất cần thiết.

* Định hướng mục tiêu:

- Đánh giá được hiện trạng và tiềm năng nguồn tài nguyên dược liệu cây ma-gang ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi;

- Đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển và quản lý khai thác sử dụng bền vững cây ma-gang ở các huyện miền núi tỉnh quảng Ngãi.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

1. Sản phẩm khoa học

- Báo cáo về sự phân bố, hiện trạng, tình hình khai thác và nhu cầu sử dụng của nguồn tài nguyên dược liệu ma-gang ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi;

- Quy trình nhân giống in vitro các loài ma- gang quý hiếm, có giá trị bảo tồn và kinh tế.

- Các bài báo khoa học trình bày kết quả từ đề tài.

- Các dẫn liệu khoa học về các hợp chất thiên nhiên của ma-gang.

2. Sản phẩm vật chất:

- Bộ mẫu tiêu bản khô và bản đồ phân bố các loài cây ma-gang ở Quảng Ngãi;

- Bộ mẫu tiêu bản sống các loài ma-gang để bảo tồn ex situ, tạo nguồn mẫu gốc cho các nghiên cứu tiếp theo.

- Danh lục các loài cây thuốc với đầy đủ dữ liệu (tên khoa học, tên địa phương, công dụng, phân bố) và bộ ảnh CD cây thuốc.

 

Danh mục gồm 13 đề tài, dự án