Quyết định 14/2011/QĐ-UBND phê duyệt mức, thời gian hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn do tỉnh Điện Biên ban hành

Số hiệu 14/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/05/2011
Ngày có hiệu lực 29/05/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Hoàng Văn Nhân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2011/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 19 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT MỨC, THỜI GIAN HỖ TRỢ THÔNG QUA KHOÁN CHĂM SÓC, BẢO VỆ RỪNG, TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ, ĐẶC DỤNG, SẢN XUẤT THEO NGHỊ QUYẾT 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27/12/2008 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26 tháng 02 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ- CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt mức, thời gian hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên, như sau:

1. Đối tượng áp dụng

Các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc 04 huyện nghèo: Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Tủa Chùa.

2. Hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng

a) Đối tượng được hỗ trợ: Nhóm hộ gia đình; cá nhân; hộ gia đình; cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng theo quy hoạch hoặc có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Mức hỗ trợ

- Hộ gia đình nhận khoán chăm sóc, bảo vệ đối với rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa rừng được hưởng tiền khoán bảo vệ với mức 200.000 đồng/ha/năm.

- Đối với diện tích đất trống được quy hoạch để trồng rừng được hỗ trợ cụ thể như sau:

+ Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng được đầu tư bình quân 15 triệu đồng/ha/4 năm, thực hiện theo Quy định tại Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc ban hành định mức suất đầu tư hỗ trợ phát triển rừng và bảo vệ rừng giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Sau 4 năm đầu tư trồng và chăm sóc, nếu đạt tiêu chuẩn thành rừng thì chuyển sang khoán bảo vệ rừng và được hưởng mức 200.000 đồng/ha/năm.

+ Trồng rừng sản xuất được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; thực hiện theo Quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt suất đầu tư hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Nghị Quyết 30a của Chính Phủ.

c) Tiêu chí xác định thành rừng thực hiện theo Quyết định số 46/2007/QĐ- BNN ngày 28/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng.

3. Hỗ trợ gạo đối với hộ nghèo ở thôn, bản nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và hộ nghèo ở các thôn, bản vùng giáp biên giới

- Đối với hộ nghèo ở thôn, bản nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng: ngoài việc được hưởng kinh phí hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng, nếu không tự túc được lương thực còn được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng; số tháng được trợ cấp gạo tối đa không quá 04 tháng/năm (bốn tháng), thời gian thực hiện hỗ trợ tối đa không quá 07 năm (bẩy năm).

- Đối với những hộ nghèo ở các thôn, bản vùng giáp biên giới: trong thời gian chưa tự túc được lương thực thì được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng; số tháng được trợ cấp gạo tối đa không quá 03 tháng/năm (ba tháng), thời gian thực hiện hỗ trợ tối đa không quá 07 năm (bẩy năm).

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc cả 2 đối tượng trên thì được lựa chọn một mức hỗ trợ cao nhất để thực hiện.

- Thời điểm hỗ trợ: Hỗ trợ định kỳ 2 lần/năm. Tùy thuộc vào thực tế của từng địa phương, Chủ tịch UBND các huyện xác định các tháng thực thiếu trong năm để hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp.

[...]