Quyết định 1386/QĐ-BTC năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý rủi ro trực thuộc Tổng cục Hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1386/QĐ-BTC
Ngày ban hành 20/06/2016
Ngày có hiệu lực 20/06/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1386/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUẢN LÝ RỦI RO TRỰC THUỘC TỔNG CỤC HẢI QUAN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 36/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Hải quan các cấp;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cục Quản lý rủi ro là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, có chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan; tổ chức thực hiện thu thập, xử lý thông tin hải quan; xây dựng, quản lý áp dụng tiêu chí; quản lý, đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro và tiến hành các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ qun lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

2. Cục Quản lý rủi ro có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản quy định, hướng dẫn nghiệp vụ; đề án, chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm về thu thập, xử lý thông tin hải quan; đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro; thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan;

b) Đxuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy định khác liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý;

c) Ban hành Bộ tiêu chí quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

2. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

a) Các văn bản quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn về thu thập, xử lý thông tin hải quan, thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan;

b) Ban hành tiêu chí quản lý rủi ro theo phân cấp của Bộ Tài chính và bộ chỉ số tiêu chí quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan;

c) Các chương trình, kế hoạch, chuyên đề về thu thập, xử lý thông tin hải quan, kế hoạch kiểm soát rủi ro, chuyên đề kiểm soát rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; thực hiện, áp dụng qun lý rủi ro và quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan.

3. Xây dựng, quản lý, ứng dụng các hệ thống thông tin hải quan, hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro và chế độ, chính sách quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan.

4. Tổ chức thực hiện:

a) Thu thập, xử lý thông tin hải quan, thông tin nghiệp vụ hải quan; thực hiện các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro, đánh giá, phân tích, dự báo rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan;

b) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin hải quan, thông tin nghiệp vụ hải quan; việc triển khai thực hiện các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý ri ro; tổ chức thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ trong hoạt động nghiệp vụ hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố và Chi cục Hải quan;

c) Xây dựng, quản lý, áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro, chỉ số tiêu chí quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan;

d) Xây dựng, quản lý, điều phối kế hoạch kiểm soát rủi ro, chuyên đề kiểm soát rủi ro, hồ sơ rủi ro, danh mục hàng hóa rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; theo dõi, phân tích, đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro và áp dụng chế độ, chính sách quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh;

đ) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định, quy chế và quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực được phân công quản lý.

5. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin; thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan.

[...]