ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1371/QĐ-UBND
|
Quảng
Ninh, ngày 05 tháng 05 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH QUẢNG NINH NĂM
2016
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương số 77/2015/QH13;
Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế
quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;
Căn cứ Công văn số 2774/BKHĐT-ĐTNN
ngày 13/4/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ý kiến về chương trình xúc tiến
đầu tư năm 2016 của các tỉnh khu vực phía Bắc;
Xét đề nghị của Ban Xúc tiến và Hỗ
trợ đầu tư tại văn bản số 979/BXTĐT-XT4 ngày 30/11/2015;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này chương trình
xúc tiến đầu tư năm 2016 của tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Các Ông, bà:
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể
của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ KH&ĐT (báo
cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2 (thi hành);
- QTV; Báo QN, TTTT (đưa tin);
- Lưu.VT, XD5QD090.16
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thành
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC
TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2016 CỦA TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1371/QĐ-UBND ngày 05/5/2016)
Phần I
THỰC TRẠNG HOẠT
ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
Thực hiện Quyết định số
03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế
quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng dẫn tại Văn bản số 5338/BKHĐT-ĐTNN ngày 15/8/2014 của Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai công tác xây dựng và ban hành Chương
trình xúc tiến đầu tư năm 2015 kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày
01/06/2015.
I. Kết quả đạt được
Trong năm 2015, công tác quản lý nhà
nước về hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) của tỉnh Quảng đã
có nhiều chuyển biến tích cực và đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội
của địa phương. Các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư đều được xây dựng bài bản, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước, đảm bảo thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước
vào địa bàn tỉnh theo đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013.
1. Các chỉ tiêu
thu hút vốn đầu tư
Tính đến hết tháng 12/2015, tỉnh Quảng
Ninh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 97 dự án với tổng vốn đạt
58.124 tỷ đồng, tăng 35,8% cùng kỳ. Trong đó: cấp mới, điều
chỉnh GCNĐT cho 68 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 44.510 tỷ đồng, tăng 74% cùng kỳ, 29 dự án nước ngoài với tổng vốn 648,3 triệu USD,
bằng 79% cùng kỳ. Nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng
vốn đầu tư lớn đã được cấp phép và nhanh chóng triển khai như các dự án: Cảng
hàng không Quảng Ninh (6.759 tỷ đồng), Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cải tạo
nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương (10.062 tỷ đồng), Trụ sở Liên cơ
quan số 3, số 4 (809,5 tỷ đồng), Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ thuộc Trung tâm
Thể thao vùng Đông Bắc (1.150 tỷ đồng),... Bên cạnh đó còn nhiều dự án quy mô lớn
khác như khu đô thị và dịch vụ cao cấp Bến Đoan (trong đó
có Bệnh viện Vinmec), Khu chung cư nhà ở và dịch vụ hỗn hợp phường Bạch Đằng,
thành phố Hạ Long.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa
bàn ước đạt 51.341 tỷ đồng, tăng 12,5% cùng kỳ, trong đó: vốn nhà nước ước đạt 18.936 tỷ đồng, chiếm 36,9%, tăng 9,7% cùng kỳ; vốn
ngoài nhà nước đạt 17.248 tỷ đồng, chiếm 33,6%, tăng 19,7%
cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 15.156 tỷ đồng, chiếm
29,5%, tăng 8,6% cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt
737 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 7.937 tỷ đồng, tăng 41% về số
doanh nghiệp và 162% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
2. Công tác tiếp xúc, làm việc
với nhà đầu tư trong và ngoài nước
- Năm 2015 tỉnh Quảng Ninh đã tiếp
xúc và làm việc với khoảng trên 50 lượt đoàn doanh nghiệp/nhà
đầu tư trong nước và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư chủ yếu
từ các quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương quốc Anh. Công tác đón
tiếp, làm việc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài đảm bảo tính
chuyên nghiệp, hiệu quả. Đoàn các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu, tìm hiểu cơ
hội đầu tư vào một số lĩnh vực như: Hạ tầng giao thông; hạ
tầng KCN; bất động sản; phát triển du lịch; nông nghiệp; xử lý nước thải, rác
thải; giáo dục, đào tạo...
- Về hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước
ngoài và hợp tác với các tổ chức quốc tế để quảng bá, xúc
tiến đầu tư: Tỉnh đã tổ chức 03 Đoàn đi công tác, kết hợp với hoạt động xúc tiến
thu hút đầu tư tại nước ngoài bao gồm: Chương trình Khám phá Việt Nam tại Vương
quốc Anh do Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức từ ngày
08-15/9/2015; Chuyến công tác tham dự Sự kiện văn hóa du lịch
tại Kanagawa Nhật Bản và kết hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch từ ngày
15-20/9/2015; Tham dự Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc
kết hợp xúc tiến đầu tư từ ngày 16-22/9/2015.
3. Công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư
Bám sát Quy chế quản lý nhà nước đối
với hoạt động xúc tiến đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từ việc xây dựng danh mục dự án
thu hút đầu tư hàng năm; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động
xúc tiến đầu tư với nhiều ngôn ngữ khác nhau; đánh giá tiềm năng, xu hướng đầu
tư; đến việc tổ chức đi xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, chủ động tìm
kiếm và mời gọi các nhà đầu tư.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng
Ninh trong năm 2015 đã có những chuyển biến đáng kể về cả nội dung và phương
pháp. Có thể nhấn mạnh một số nét mới của tỉnh Quảng Ninh trong hoạt động xúc
tiến đầu tư như sau:
- Thứ nhất, đã huy động được toàn hệ thống chính trị
tham gia vào công tác xúc tiến đầu tư, các địa phương trong tỉnh đã tích cực đổi
mới phương pháp, chủ động tìm kiếm nhà đầu tư. Một số các hoạt động xúc tiến đầu
tư có sự tham gia tích cực của các địa phương như: Hội nghị công bố quy hoạch,
nâng cao năng lực cạnh tranh huyện Bình Liêu ngày 18/9/2015; Hội nghị công bố
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch
Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái ngày 07/11/2015; Hội nghị xúc tiến đầu tư phía
Nam với sự tham gia của các địa phương Uông Bí, Ba Chẽ, Cô Tô ngày
05/10/2015... Tất cả các hoạt động này đều mang đậm dấu ấn các hoạt động xúc tiến
đầu tư và tạo sự sôi động đáng kể về môi trường đầu tư tại Quảng Ninh nói chung
và các địa phương nói riêng.
- Thứ hai, đã thành lập Japan
Desk (Tổ công tác Nhật Bản) đặt tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư. Japan Desk
chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm đã phát huy được hiệu
quả tích cực. Đây là bộ phận chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản, là cầu
nối giữa các công ty và tổ chức Nhật Bản với tỉnh Quảng Ninh.
- Thứ ba, đã chủ động tìm hiểu
và tiếp cận các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau. Giai đoạn đầu gửi
thư điện tử và thư mời qua đường bưu điện tới hơn 300 doanh nghiệp nước ngoài
được lựa chọn, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng
Ninh. Giai đoạn tiếp theo, đã tiếp cận và làm việc với các tổ chức quốc tế có
vai trò hỗ trợ xúc tiến đầu tư như: Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV),
Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Trung tâm Xúc tiến thương mại
Hàn Quốc (KOTRA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Phòng Thương mại
và Công nghiệp Đức (GIC/AHK)... và một số công ty tư vấn, ngân hàng nước ngoài.
- Thứ tư, các hoạt động truyền thông, quảng bá cũng có nhiều thay đổi. Hoạt động
xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được tích cực triển khai qua nhiều kênh khác nhau, trong đó tỉnh Quảng Ninh đã triển khai ký hợp tác với
02 báo VnEconomy và Tạp chí Bizlive vào cuộc để hỗ trợ
tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Bên cạnh đó,
đã có sự tham gia của hãng truyền thông quốc tế (JiJi Press) của Nhật Bản với
hàng loạt các tin bài trên trang báo Nhật Bản về hoạt động của Lãnh đạo tỉnh với
nỗ lực xúc tiến đầu tư, tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản.
- Thứ năm, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch tổ chức khóa đào tạo, tập huấn
về nghiệp vụ xúc tiến đầu tư (diễn ra trong tháng 12/2015) nhằm nâng cao trình
độ nghiệp vụ và kỹ năng xúc tiến đầu tư cho các cán bộ phụ trách công tác Xúc
tiến đầu tư của các Sở, Ban, Ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nội
dung tập trung vào phương pháp, công cụ để đánh giá thị
trường, tiếp cận nhà đầu tư phù hợp; trang bị các kỹ năng cần thiết cho cán bộ
XTĐT khi tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư, duy trì mối quan hệ và chăm sóc
nhà đầu tư; và quán triệt, phổ biến một số văn bản pháp luật mới ban hành liên
quan đến lĩnh vực đầu tư ngoài ngân sách.
- Thứ sáu, xây dựng và giữ mối
liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có uy tín trong và ngoài nước để
tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu và
xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh thường xuyên trao đổi, cung cấp thông
tin với tổ chức JETRO Hà Nội, các thành viên Hội đồng cố vấn Nhật Bản, các Đại
sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các Tham tán kinh tế, đầu tư của Việt Nam tại
nước ngoài... Đặc biệt, Chương trình hợp tác với Viện nghiên cứu kinh tế Việt
Nam của Nhật Bản (VERI) và tỉnh Quảng Ninh đã được ký kết để thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vào
thị trường Nhật Bản thông qua Bộ phận Japan Desk của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu
tư.
II. Một số tồn tại, hạn chế
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng
Ninh bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2015, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
- Hoạt động xúc tiến đầu tư tại địa
phương đôi khi còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng
và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư. Ngày 14/01/2014 Chính phủ ban hành
Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg về quy chế đối với hoạt động xúc tiến đầu tư. Đến 15/6/2015 liên Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu
tư mới ban hành hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với
các hoạt động xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn về việc xây dựng
dữ liệu về xúc tiến đầu tư, các mẫu bảng biểu về tài liệu xúc tiến đầu tư. Luật
Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, tuy nhiên đến tháng 11/2015
Chính phủ mới ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành dẫn đến có giai đoạn lúng
túng trong việc giải quyết các thủ tục liên quan cho nhà đầu tư.
- Quỹ đất sạch để xúc tiến đầu tư còn
hạn chế, kết nối giao thông chưa thuận tiện, thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Hạ Long còn dài vẫn là một vấn đề mà các nhà đầu tư nước
ngoài quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản. Nhận diện được điều này, hiện
nay tỉnh Quảng Ninh đang rất tích cực tập trung phát triển hạ tầng giao thông quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển như khởi công xây dựng đường
cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nhằm rút ngắn một nửa thời gian di chuyển từ Hà Nội
tới Quảng Ninh so với hiện nay, khởi công xây dựng Sân bay
quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo
nâng cấp đường 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương... Tuy nhiên, sẽ cần khoảng thời
gian nhất định để hoàn thiện dự án và đi vào khai thác.
- Việc xây dựng hệ thống thông tin và
truyền thông về xúc tiến đầu tư giữa địa phương và Trung ương chưa được đồng bộ
khiến việc quản lý nhà nước trong công tác xúc tiến đầu tư còn gặp nhiều khó
khăn. Tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được coi trọng
đúng mức.
Phần II
NỘI DUNG CHƯƠNG
TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2016
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH
HƯỚNG, MỤC TIÊU
1. Quan điểm chỉ đạo
a) Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư
thiết thực hiệu quả là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống
chính trị, quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh là “Mọi người, mọi cấp, mọi ngành, mọi lúc, mọi
nơi đều có thể tham gia
hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng hình ảnh và cải
thiện môi trường đầu tư của tỉnh”.
b) Tiếp tục bám sát và thực hiện 3 đột
phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết ĐH XI của Đảng là xây dựng thể chế và
cải cách hành chính; phát triển hạ tầng đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực.
c) Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư
phải đảm bảo hài hòa các lợi ích của nhà
nước, nhà đầu tư và người dân. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đi đôi với cải thiện môi trường đầu
tư.
2. Định hướng thu hút đầu tư
Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực
trọng tâm, dự án trọng điểm như xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối
nhanh hơn với khu vực và quốc tế; nhất là tại các địa bàn trọng điểm như Tp. Hạ
Long, hai KKT Vân Đồn, Móng Cái, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng
về du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, hạ tầng khu kinh tế,
khu công nghiệp.
Xác định rõ địa bàn trọng điểm, đối
tác, nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn sắp tới để xúc tiến đầu tư. Xúc tiến
đầu tư đối với các Tập đoàn, các Công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các công
ty vừa và nhỏ (đối với ngành công nghiệp hỗ trợ) trong và ngoài nước có định hướng,
chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư
lâu dài. Thị trường mục tiêu là các nước: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài
Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông.
Một số dự án trọng điểm có tính động
lực cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư: Đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên
(bao gồm cả cầu Vân Tiên), đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, cảng Vạn Gia
(thành phố Móng Cái); Các dự án sân Golf; Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp
có casino tại Vân Đồn; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Việt Hưng giai đoạn 2 (TP Hạ Long), KCN Đầm Nhà Mạc (TX Quảng
Yên); Các dự án thành phần KCN Đông Mai (TX Quảng Yên); Hệ thống trường học
tiêu chuẩn quốc tế; Phát triển hệ thống xử lý nước thải tại các địa phương; Các
dự án thành phần thuộc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao tại xã Hồng Thái Tây (huyện Đông Triều)...
3. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư
Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng
Ninh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng
kinh tế của tỉnh Quảng Ninh bình quân đạt 11-12%/năm; Tổng
vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh bình quân tăng trên 10%/năm.
Nhằm đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế -
xã hội trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thu hút các nguồn vốn
đầu tư ở trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh cùng với sự hỗ trợ từ
Trung ương và địa phương để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội, các dự án trọng điểm. Phấn đấu trong năm 2016, thu hút vốn đầu tư ngoài
ngân sách tăng 10-15%.
II. CHƯƠNG TRÌNH
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
1. Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư
Để hệ thống,
chuyên nghiệp hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Ninh trong thời
gian tới sẽ tích cực hợp tác với các đơn vị, viện nghiên cứu, các công ty tư vấn
đầu tư nước ngoài để triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng,
xu hướng và đối tác đầu tư. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng cường hoạt
động phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản (VERI) để
nghiên cứu tiềm năng, xu hướng các đối tác đầu tư Nhật Bản vào Quảng Ninh trong
thời gian tới. Đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ với các tổ chức sẵn có như JETRO,
JICA, KOTRA, KCCI... để thu thập các thông tin số liệu, xu hướng đầu tư của các
nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc vào Việt Nam.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
Hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư; các quy định pháp luật,chính
sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về các
Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh... nhằm hỗ trợ nhà đối tác đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, triển
khai lập quy hoạch chi tiết dự án và lập dự án đầu tư; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các công ty, nhà đầu tư để mời gọi đầu tư và xây dựng hệ
thống thông tin các nhà cung cấp, nhà thầu, nguồn cung ứng đầu vào trong quá
trình triển khai dự án của nhà đầu tư.
Trong năm 2016,
dự án Cung triển lãm quy hoạch của tỉnh được hoàn thiện thì các tài liệu liên
quan đến xúc tiến đầu tư, quy hoạch, các thông tin liên quan đến môi trường đầu
tư chính sách của tỉnh sẽ giúp Nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với các cơ sở dữ liệu,
thông tin của tỉnh.
3. Xây dựng danh mục dự án kêu
gọi đầu tư
Trong năm 2016 sẽ tiếp tục rà soát và
cập nhật và xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời,
tiến hành rà soát thực trạng các dự án đã được thực hiện, các dự án đã có chủ đầu
tư hay cấp chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai, các dự án đã bị thu hồi Giấy
chứng nhận đầu tư, thu hồi đất... tránh tình trạng các dự án treo, kêu gọi các
Nhà đầu tư có đủ năng lực để kêu gọi thu hút đầu tư. Phát triển thông tin cụ thể
hơn cho mỗi dự án để có thể xúc tiến đầu tư theo chuyên đề, lĩnh vực riêng, cụ
thể.
Hiện nay một số huyện đã tiến hành
xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào địa phương mình. Thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến khích các địa phương triển khai xây dựng
danh mục thông tin các dự án theo hướng chuyên nghiệp, cụ
thể và đầy đủ để cung cấp cho các nhà đầu tư.
4. Xây dựng các ấn phẩm,
tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
Tổng hợp, xây dựng,
cập nhập, bổ sung, chỉnh sửa thông tin của bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn từng thời
điểm, bao gồm cẩm nang xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, thông tin chi tiết
về Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, phim giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh,
cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh... với các ngôn ngữ tiếng
Anh, Nhật, Trung, Hàn. Chuẩn bị quà tặng, đồ lưu niệm mang tính đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh, tạo ấn tượng đối với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tại các địa phương trên địa
bàn tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng ấn phẩm, tài liệu xúc tiến
đầu tư của từng đơn vị để phục vụ cho các dự án theo nhu cầu
phát triển riêng của từng địa phương.
5. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu
về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ
hội và kết nối đầu
tư
a) Tổ chức các chuyến làm việc, chủ động
gặp gỡ và tiếp tục làm việc với các tổ chức, hiệp hội có vai trò
kết nối, xúc tiến đầu tư. Trong đó, tập trung vào các đơn vị như: Đại sứ quán
Hàn Quốc, Mỹ, Canada; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV); Tổ chức xúc tiến
ngoại thương Nhật Bản (JETRO); Tổng Hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam; Văn
phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc; Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc
(KCCI); Tổ chức xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); Phòng Thương mại
châu Âu (Eurocham); Phòng Thương mại Mỹ (Amcham).
b) Tổ chức xúc tiến đầu tư ở nước ngoài tại các thị trường mục tiêu là các nước: Hàn Quốc,
Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông...
c) Tổ chức xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực
hoặc địa bàn cụ thể với sự tham gia của các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh,
tăng cường vai trò xúc tiến đầu tư của các sở ngành, địa phương.
d) Phối hợp với các đại diện Tham tán
kinh tế, đầu tư của các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt
Nam ở nước ngoài. Tranh thủ sự hỗ trợ của các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến
đầu tư cho Quảng Ninh tại nước ngoài.
e) Tiếp tục phối hợp với các cơ quan
truyền thông trong và ngoài nước viết bài, làm phóng sự quảng
bá, giới thiệu qua các kênh truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng
nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những chính sách thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi thu hút đầu tư
của tỉnh. Trong năm 2016 nghiên cứu ký kết thêm chương trình phối hợp với Báo Đầu
tư.
6. Đào tạo, tập huấn, tăng cường
năng lực về xúc tiến đầu tư
Mời chuyên gia trong nước, quốc tế hỗ
trợ thực hiện hoạt động XTĐT, từng bước nâng cao trình độ của cán bộ chuyên
trách làm XTĐT, nắm bắt và cập nhật tình hình kinh tế xã hội, bối cảnh kinh tế
quốc tế. Trong năm 2016 sẽ tập trung vào một số chuyên đề (nhận diện nhà đầu
tư, kỹ năng thuyết trình...). Đồng thời tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về XTĐT trong các ngành, lĩnh vực do Bộ Kế hoạch
và Đầu tư tổ chức hàng năm.
7. Hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu
tư
Tăng cường đối thoại với các nhà đầu
tư giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp hiện đang hoạt động
trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Xác định
công tác XTĐT tại chỗ là một hình thức quan trọng, hiệu quả và thông qua các
nhà đầu tư đã thành công tại Việt Nam, tại Quảng Ninh để thông tin về kinh nghiệm
đầu tư và giới thiệu về môi trường đầu tư tại Quảng Ninh tới các nhà đầu tư
khác.
8. Thực hiện các hoạt động hợp
tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư
Tổ chức các đoàn đi khảo sát, nghiên
cứu, học tập kinh nghiệm xúc tiến đầu tư, mô hình phát triển các KCN, KKT, ĐKKT
ở trong và ngoài nước. Học tập kinh nghiệm của các địa phương đã có kinh nghiệm
và thành công trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, phối
hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc tham gia vào các đoàn xúc tiến đầu
tư ở nước ngoài do Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức.
Tiếp tục triển khai hợp tác Tổ chức
xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) để triển
khai thực hiện Đề án thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào tỉnh Quảng
Ninh trên cơ sở Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và JETRO, Nhật
Bản. Triển khai Chương trình phối hợp năm 2016 giữa Bộ phận Japan Desk (Quảng
Ninh) và Văn phòng đại diện đầu tư, thương mại, du lịch của Quảng Ninh tại
Tokyo (Nhật Bản).
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu
tư
a) Là đơn vị đầu mối quản lý nhà nước
về hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các đơn vị liên quan
triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng
Ninh.
c) Triển khai thực hiện các hoạt động
xúc tiến đầu tư theo phân công tại bảng phụ lục của Chương trình này.
d) Là đầu mối tổng hợp, báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh kết quả triển khai.
2. Sở Kế hoạch và đầu tư:
a) Tổng hợp,
đánh giá chất lượng của nguồn FDI đầu tư vào Quảng Ninh để có các giải pháp cụ
thể, kịp thời, hữu hiệu trong thu hút đầu tư và khắc phục
những dự án đầu tư chất lượng hạn chế.
b) Đầu mối triển
khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư để
giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp hiện đang hoạt động
trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
c) Triển khai thực hiện các hoạt động
xúc tiến đầu tư theo phân công tại bảng phụ lục của Chương trình này.
3. Ban quản lý Khu kinh tế
a) Đầu mối triển khai các hoạt động
xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước,
nước ngoài.
b) Biên tập và cập nhật các ấn phẩm,
tài liệu giới thiệu chuyên sâu về tiềm năng, lợi thế đầu
tư vào KCN, KKT tại Quảng Ninh để cung cấp và giới thiệu
cho các nhà đầu tư; Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên sâu về
KCN, KKT.
c) Triển khai thực hiện các hoạt động
xúc tiến đầu tư theo phân công tại bảng phụ lục của Chương trình này.
4.
Các Sở, ngành khác và UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh căn cứ chức
năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn đơn vị phụ trách, triển khai thực hiện các
nội dung công việc liên quan trong Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016. Chủ động
xây dựng, đề xuất các dự án vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh năm 2017, tham
gia đóng góp xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2017 gửi về Ban Xúc tiến
và Hỗ trợ đầu tư tổng hợp theo đảm bảo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5.
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình xúc
tiến đầu tư 2016; đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình
thực tế của tỉnh và theo hướng dẫn của Trung ương.