ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1500/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
01 tháng 06 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2015 CỦA TỈNH QUẢNG
NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005 ngày
29/11/2005;
Căn cứ Nghị quyết số số 19/NQ-CP ngày
12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện
môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016;
Căn cứ nội dung Văn bản số 5338/BKHĐT-ĐTNN
ngày 15/8/2014 và Văn bản số 2079/BKHĐT-ĐTNN ngày 13/4/2015 của Bộ Kế hoạch và
Đầu tư;
Xét đề nghị của Ban Xúc tiến và Hỗ
trợ đầu tư tại Văn bản số 397/BXTĐT-MC5 ngày 13/5/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Xúc
tiến đầu tư năm 2015 của tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các
Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết
định thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ KHĐT (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2 (thực hiện)
- Lãnh đạo VP; các CV VP UBND tỉnh;
- Báo QN, Đài PT-TH tỉnh; TT Thông tin;
- Lưu: VT, XD2.
XD2.60b-CV181.QĐ15
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thành
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC
TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2015 CỦA TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 01/6/2015 của UBND tỉnh)
A. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT
ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
I. Những kết quả đạt được
1. Hoạt động xúc tiến đầu tư có những chuyển biến
tích cực.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư đã chuyển dần từ hướng
bị động sang chủ động. Tỉnh Quảng Ninh đã dần xác định rõ được các đối tác
chiến lược và thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ) phù hợp với
lĩnh vực cần thu hút của tỉnh. Trong 2 năm qua, UBND tỉnh và các sở, ngành liên
quan đã đón tiếp, làm việc với khoảng 117 các nhà đầu tư trong và ngoài nước
đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Phần lớn các nhà đầu tư
quan tâm tới các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (sân bay, đường cao
tốc), hạ tầng KCN, khu vui chơi giải trí phức hợp có casino, sân golf, nhà máy
xử lý rác thải, nước thải...
Nhiều dự án lớn đang được tích cực nghiên cứu và chuẩn
bị triển khai như: Dự án Khu đô thị sinh thái và sân gôn Hoàng Tân của Tập đoàn
Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan); dự án đầu tư khách sạn 6 sao tại đảo Hòn Rều, Hạ
Long của Tập đoàn Vingroup; dự án sân gôn, khách sạn 5 sao tại thành phố Hạ
Long của Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc); dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị - công
nghiệp công nghệ cao quy mô 16.000 ha của Liên danh Tập đoàn Amata (Thái Lan) -
Tập đoàn Tuần Châu; dự án Khu du lịch sinh thái Hạ Long Star của Tập đoàn
Nakheel (Các tiểu Vương Quốc Ảrập thống nhất - UAE); dự án đường cao tốc Hạ
Long - Móng Cái; dự án đường dẫn và cầu Bắc Luân II, dự án xây dựng Cảng hàng
không Quảng Ninh; Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Texhong Hải Hà (Tập đoàn
Texhong - Hồng Kông); Dự án Nhà máy Sản xuất và Đầu tư xây dựng chuỗi dây chuyền
công nghiệp dệt may tại KCN Texhong Hải Hà (Tập đoàn Texhong - Hồng Kông) và Dự
án Khu du lịch dịch vụ cao cấp có Casino tại xã Vạn Yên, KKT Vân Đồn...
2. Hoạt động xúc tiến đầu tư được xây dựng tương
đối toàn diện
Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
03/2014/QĐ-TTg về quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư,
tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai các nội dung xúc tiến đầu tư sát với
yêu cầu. Hoạt động xúc tiến đầu tư được xây dựng tương đối toàn diện từ khâu
nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu ấn phẩm xúc tiến đầu
tư, xúc tiến đầu tư tại chỗ, công tác phối kết hợp với các tổ chức trong và ngoài
nước nhằm thúc đẩy và tạo tính liên kết cao trong việc quảng bá, giới thiệu cơ
hội đầu tư vào Quảng Ninh. Tích cực tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư
liên ngành, liên vùng do các Bộ, ngành trung ương tổ chức.
II. Hạn chế
Hoạt động xúc tiến đầu tư bên cạnh những kết quả ban
đầu đạt được, vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục trong
thời gian tới, đó là:
1. Tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến đầu
tư chưa cao
Các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được phân loại rõ
ràng, chưa hiểu đầy đủ nội dung cụ thể của mỗi hoạt động xúc tiến đầu tư. Một
phần nguyên nhân là do thời gian qua việc triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư
được diễn ra trong bối cảnh chưa có quy chế quản lý nhà nước về hoạt động xúc
tiến đầu tư, chưa có hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư
một cách bài bản.
Đội ngũ cán bộ làm xúc tiến đầu tư còn thiếu và yếu
về kinh nghiệm chuyên môn và khả năng phân tích tiếp cận thị trường, hạn chế về
ngoại ngữ. Xúc tiến đầu tư là một lĩnh vực tương đối mới, chưa có nhiều văn bản
pháp lý điều chỉnh, các quy định hướng dẫn liên quan.
2. Công tác phối hợp trong hoạt động xúc tiến đầu
tư chưa phát huy tốt hiệu quả
Mặc dù đã có nhiều cố gắng thay đổi về nhận thức, tư
duy nhưng vẫn chưa thực sự huy động được sự vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành, mọi
người dân; Các giải pháp thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp của các
ngành, các cấp và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp
cần thiết trong các hoạt động xúc tiến đầu tư; chưa thực sự chủ động hỗ trợ nhà
đầu tư trong quá trình tiếp cận và triển khai dự án. Một số cấp ủy, chính quyền
địa phương và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, trong bộ máy công quyền vẫn còn
những biểu hiện trì trệ, tiêu cực, cục bộ, lợi ích cá nhân chưa có sự chuyển
biến thực sự về nhận thức và hành động đối với hoạt động xúc tiến đầu tư và môi
trường đầu tư của tỉnh.
Công tác phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại
giao trong hoạt động XTĐT còn hạn chế. Tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập được mối
liên hệ với các đại diện XTĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở nước ngoài. Tuy
nhiên, kết quả phối kết hợp chưa được rõ nét. Mặt khác, do chưa thiết lập được
mối liên hệ với các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài do đó chưa khai
thác được những cơ hội thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài
thông qua kênh quan trọng này.
3. Một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế
Các dịch vụ như: Tư vấn tiếp cận đất đai, tìm kiếm thông
tin thị trường, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tìm kiếm đối tác
kinh doanh, xúc tiến thương mại,... trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu ảnh hưởng
tới chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Năng lực và quy mô của doanh nghiệp
địa phương còn hạn chế, không xây dựng được chương trình liên doanh, liên kết
với các nhà đầu tư lớn.
B. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN
ĐẦU TƯ NĂM 2015
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC
TIÊU
1. Quan điểm chỉ đạo
- Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ, trách
nhiệm của cả hệ thống chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu
rộng, theo tinh thần “Mọi người, mọi cấp, mọi ngành, mọi lúc, mọi nơi đều có
thể tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng hình ảnh và cải thiện môi
trường đầu tư của tỉnh”.
- Ưu tiên tập trung đầu tư thích đáng ban đầu về hạ
tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; có chính sách hợp lý, minh bạch đi đôi với tiếp tục
cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng...
tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định và hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà
đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn;
- Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư và nội dung xúc
tiến đầu tư theo hướng tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, xác định
“thành công của doanh nghiệp” là “thành công của tỉnh”, tận dụng tiếng nói của
chính các doanh nghiệp hiện đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh là kênh
quảng bá hình ảnh đầu tư tốt nhất có uy tín nhất đối với các doanh nghiệp đang
nghiên cứu tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Duy trì đối thoại thường xuyên với
các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các
dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và
nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh
doanh trên địa bàn tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu
tư mới. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư phải đảm bảo hài hòa các lợi ích của
nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đối với nhà đầu tư chiến lược, các dự án động
lực có sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, cần có những chính sách
đặc thù để khuyến khích đầu tư. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đi đôi với cải
thiện môi trường đầu tư.
- Hệ thống chính trị từ Tỉnh đến cơ sở phải có quyết
tâm cao trong việc thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu
tư và cải thiện năng lực cạnh tranh, trong đó lấy cải cách hành chính làm trung
tâm; xác định “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu
dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá”; kết hợp hài hòa giữa
nội lực và ngoại lực trong từng giai đoạn phát triển và không phát triển bằng
mọi giá.
2. Định hướng thu hút đầu tư
Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực trọng tâm, dự
án trọng điểm như xây dựng hạ tầng giao thông, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự
án hạ tầng về y tế, giáo dục, môi trường, dịch vụ, du lịch. Xác định rõ địa bàn
trọng điểm và rõ các đối tác, nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn sắp tới để
xúc tiến đầu tư.
a) Lĩnh vực trọng tâm và dự án trọng điểm
Để triển khai công tác xúc tiến đầu tư có nội dung rõ
ràng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và thiết thực cần xác định rõ địa bàn,
nhà đầu tư và dự án trọng điểm. Cụ thể như sau:
- Hạ tầng giao thông: cầu Bạch Đằng, nút giao cuối tuyến
và đường dẫn; Hoàn thiện Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái đoạn Vân Đồn - Tiên
Yên và Tiên Yên - Móng Cái; Cảng du lịch Hòn Gai...
- Du lịch: Dự án sân Golf (Tại Hùng Thắng; Hồng Hà,
Hồng Hải; Bãi Cháy - Thành phố Hạ Long; An Biên - huyện Hoành Bồ); Hoàn thiện thủ
tục đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư triển khai dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp
cao cấp, trong đó có hạng mục Casino tại Vân Đồn. Các dự án thuộc khu vực Tuần
Châu do tập đoàn Tuần Châu triển khai.
- Hạ tầng kỹ thuật và đô thị - công nghiệp: Khu đô thị
- công nghiệp công nghệ cao tại thị xã Quảng Yên; Khu công nghiệp Việt Hưng,
Đồng Mai, Hải Yên, Đầm Nhà Mạc.
- Ngành sản xuất công nghiệp: công nghiệp dệt, may;
sản xuất phân phối điện, nước; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến thực phẩm,
thủy hải sản.
- Y tế, giáo dục - đào tạo: Trường đại học đạt tiêu
chuẩn quốc tế tại thành phố Hạ Long; Uông Bí; Bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế tại
thành phố Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn.
- Thương mại: Trung tâm thương mại - Siêu thị Big C
(Cẩm Phả, Uông Bí), Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại thành phố Móng Cái;
Trung tâm dịch vụ tài chính, thương mại tại Hạ Long;
- Môi trường: Dự án thu gom xử lý chất thải rắn tại
thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ; Dự án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long;
Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả,
Uông Bí, và huyện Vân Đồn;
- Nông, lâm, ngư nghiệp: Khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao tại huyện Đông Triều; Khuyến khích các dự án đón đầu Hiệp định đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, nông sản của
Quảng Ninh.
- Các dự án khác nằm trong Danh mục các dự án kêu gọi
thu hút đầu tư hàng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.
b) Đối tượng xúc tiến và thị trường mục tiêu
- Đối tượng xúc tiến: Các Tập đoàn, các Công ty xuyên
quốc gia, đa quốc gia, các công ty vừa và nhỏ (đối với ngành công nghiệp hỗ
trợ) trong và ngoài nước có định hướng, chiến lược phát triển mở rộng thị trường,
cam kết đầu tư lâu dài. Đặc biệt đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với một số nhà
đầu tư lớn trong nước như: Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), Tập đoàn Bitexco,
Tập đoàn SunGroup, Vingroup, Becamex,...
- Thị trường mục tiêu: Các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nga và một số nước ở Châu Âu, ASEAN. Với đối
tác Nhật Bản: thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản, điện tử, môi
trường và tiết kiệm năng lượng; Với đối tác Hàn Quốc: tập trung vào lĩnh vực
chế biến nông thủy sản; Với Mỹ và EU: tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia hướng
tới các ngành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục; Với
Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan: trọng tâm là các dự án sản xuất công nghiệp
chế biến, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hệ thống cửa khẩu,
trung tâm thương mại, chợ biên giới, phát triển dịch vụ.
- Các kênh xúc tiến: Các cơ quan ngoại giao, tham tán
kinh tế - thương mại – đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ngoại giao
của nước ngoài tại Việt Nam và tại nước ngoài; các tổ chức, hiệp hội của nước
ngoài như: JICA, JETRO, KOTRA, EROCHAM, AMCHAM, các công ty tư vấn, công ty luật,
các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, tại tỉnh.
3. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư
Nhằm tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn
có của địa phương phục vụ sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh;
góp phần tăng thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân
địa phương và phù hợp với chủ trương, định hướng của Tỉnh.
Căn cứ theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 2622/QĐ-TTg
ngày 31/12/2013) thì mục tiêu đặt ra đối với Quảng Ninh là thu hút 580.000-600.000
tỷ đồng (tương đương khoảng 27-28 tỷ USD) để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển
kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn 2011-2020.
Trong giai đoạn 2014-2015 nhu cầu đầu tư khoảng 85.000
tỷ đồng (tương đương khoảng 4,2 tỷ USD). Trong đó, vốn đầu tư ngân sách là
14.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư xã hội); vốn đầu tư nước ngoài
là 21.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 24.4% tổng vốn đầu tư xã hội); vốn đầu tư ngoài
ngân sách của các thành phần kinh tế trong nước khoảng 50.000 tỷ đồng (chiếm
khoảng 58% tổng vốn đầu tư xã hội). Mục tiêu phấn đấu thu hút vốn đầu tư nước
ngoài năm 2015 khoảng 10.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD, chiếm 25% tổng
vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015).
II. HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
NĂM 2015
1. Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu
hướng và đối tác đầu tư
Tiến hành các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh
giá thị trường và đối tác để xác định xu hướng đầu tư, nhu cầu đầu tư. Kết hợp với
chiến lược phát triển và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh năm 2015
để có cơ sở tiếp cận các nhà đầu tư phù hợp với giai đoạn phát triển. Tổ chức
các buổi thảo luận chuyên đề nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu, lan tỏa kiến thức
và thống nhất hành động trong toàn tỉnh. Một số hoạt động dự kiến triển khai:
+ Rà soát, phân tích nhu cầu đầu tư của tỉnh Quảng Ninh,
điều kiện, khả năng đáp ứng về tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh đối với từng lĩnh
vực, địa bàn, dự án dự kiến thu hút đầu tư trong năm 2015.
+ Đánh giá xu hướng đầu tư của các thị trường mục tiêu,
đối tác đầu tư đã được xác định ở trên.
+ Xây dựng đề án “Tìm kiếm nhà đầu tư” (Investors
hunting).
+ Khảo sát các nhà đầu tư hiện có đang hoạt động đầu
tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư này và tạo điều
kiện tốt nhất.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc
tiến đầu tư
Thu thập, tổng hợp các thông tin, dữ liệu để xây dựng
hoàn thiện “Thư viện thông tin đầu tư của tỉnh” để cung cấp cho các nhà đầu tư
quan tâm đến đầu tư tại Quảng Ninh về Quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch các
ngành, các vùng; thông tin hỗ trợ đầu tư như chi phí đầu tư, xây dựng, tuyển
dụng lao động...
Thường xuyên cập nhật định hướng, chính sách phát triển
kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, công khai trên cổng thông
tin điện tử của UBND tỉnh, website xúc tiến đầu tư của tỉnh, cổng thông tin
điện tử thành phần của các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan.
3. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư
Tiếp tục rà soát và xây dựng danh mục dự án kêu gọi,
thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở Quyết định số 1315/QĐ-UBND đã ban
hành ngày 18/5/2015 về danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào Quảng Ninh giai đoạn
2015-2016 và định hướng đến năm 2020. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các dự án
PPP đảm bảo tính khả thi, nâng cao cơ hội đầu tư, bổ sung, cập nhật vào danh mục
các dự án PPP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cập nhật thông tin dự án kêu gọi
đầu tư qua các kênh thông tin đại chúng khác nhau nhằm quảng bá, xúc tiến kêu
gọi đầu tư.
Tiến hành rà soát thực trạng các dự án đã được thực
hiện, các dự án đã có chủ đầu tư hay cấp chủ trương đầu tư, các dự án rút khỏi danh
mục... Công khai danh mục dự án sau khi rà soát trên các kênh thông tin, điện
tử của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, cổng thông tin điện tử.
4. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt
động xúc tiến đầu tư
Tổng hợp, xây dựng, cập nhập, bổ sung, chỉnh sửa thông
tin của bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn từng thời
điểm, bao gồm cẩm nang xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, thông tin chi tiết
về Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, phim giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh,
cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh... với các ngôn ngữ tiếng Anh, Nhật, Trung, Hàn.
Đa dạng hóa hình thức lưu trữ, chia sẻ thông tin bằng
việc sử dụng thiết bị, áp dụng công nghệ cao, nâng cao tính hiệu quả, thuận
tiện trong công việc, tiết kiệm chi phí (công cụ chia sẻ trực tuyến qua internet,
lưu trữ và trao đổi thông tin bằng đĩa CD-DVD, thẻ nhớ USB…)
5. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu
về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư
- Tổ chức các chuyến làm việc, chủ động gặp gỡ các tổ
chức, hiệp hội có vai trò kết nối, xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước
ngoài.
- Các tổ chức bao gồm: Đại sứ quán các nước Nhật Bản,
Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Canada; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Liên minh hợp tác
xã - DNNQD tỉnh. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV), Tổ chức xúc tiến ngoại
thương Nhật Bản (JETRO); Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam; Tổng
Hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam; Văn phòng Văn hóa Kinh tế Đài Bắc tại Hà
Nội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI); Tổ chức xúc tiến thương
mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA). Phòng thương mại châu Âu (Eurocham); Phòng
Thương mại Công nghiệp Mỹ (Amcham).
Nội dung làm việc: Thông tin về cơ hội đầu tư, chính
sách thu hút đầu tư của tỉnh; Đề nghị hỗ trợ đào tạo, hội thảo về XTĐT; Hỗ trợ
quảng bá hình ảnh, đăng tải thông tin thu hút đầu tư của Quảng Ninh, trưng bày
tài liệu XTĐT cho Quảng Ninh tại văn phòng cơ quan; Giới thiệu những nhà đầu tư
lớn, tiềm năng cho Quảng Ninh tiếp cận trực tiếp. Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm
phối hợp với Cục đầu tư nước ngoài và Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc để
triển khai các hoạt động XTĐT theo kế hoạch chung.
- Tìm hiểu và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư
thành công tại Việt Nam, có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn vào các dự án mà
tỉnh cần kêu gọi đầu tư.
Nội dung làm việc: Kết nối, xây dựng lộ trình làm việc,
hợp tác với nhà đầu tư. Cung cấp tài liệu, thông tin nhà đầu tư yêu cầu. Gửi
thông tin dự án tới nhà đầu tư để giới thiệu, kêu gọi đầu tư.
- Phối hợp với các đại diện tham tán đầu tư của các
Đại sứ quán, Lãnh sự quán ở nước ngoài. Tranh thủ sự hỗ trợ của các Đại sứ quán,
Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư cho
Quảng Ninh tại nước ngoài. Tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Đài Loan,
Trung Quốc, Thái Lan; Hàn Quốc; Hoa Kỳ, Canada.
- Tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hà Nội. Phối
hợp với các tổ chức JETRO, JICA, tìm kiếm các nhà tài trợ để tổ chức hội thảo xúc
tiến đầu tư tại Hà Nội với quy mô khoảng 100 doanh nghiệp lớn và 10 tổ chức
liên quan.
- Tham gia các sự kiện, hoạt động xúc tiến đầu tư trong
khuôn khổ các diễn đàn, hội nghị, hội thảo chuyên ngành do các cơ quan chuyên môn
tổ chức.
- Triển khai các hoạt động truyền thông để quảng bá
tiềm năng, thế mạnh; những chính sách thu hút đầu tư, công tác cung cấp thông tin
về cải cách hành chính của Quảng Ninh trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu
tư tập trung vào các lĩnh vực, ngành, dự án trọng điểm. Đặt hàng cơ quan truyền
thông trong nước và nước ngoài viết bài, làm phóng sự trên báo chí, truyền
thanh, truyền hình, làm phim quảng bá, giới thiệu qua các kênh truyền thông,
các phương tiện thông tin đại chúng.
- Liên kết website xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Ninh
với website của Cục Đầu tư nước ngoài và Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Bắc
thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số website của các cơ quan xúc tiến đầu tư
trong và ngoài nước. Duy trì website của IPA trên đường link của JETRO và kết
nối với đường link của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam để quảng bá
hình ảnh của Quảng Ninh đến các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc hiểu rõ về tiềm
năng, lợi thế và cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh. Kết nối website xúc tiến đầu tư
của tỉnh Quảng Ninh với một số trang website về đầu tư, xúc tiến đầu tư, tư vấn
đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín khác.
6. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc
tiến đầu tư
Tập trung xây dựng độ ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến
đầu tư có tính chuyên nghiệp cao thể hiện cụ thể trên các tiêu chuẩn: Vững về
chuyên môn, tinh thông trong quản lý, nắm chắc pháp luật, có thái độ ứng xử tốt,
có kinh nghiệm trong việc tiếp cận, đàm phán, có phong cách làm việc chuyên
nghiệp, rõ ràng và có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ tốt.
Mời chuyên gia trong nước, quốc tế hỗ trợ thực hiện
hoạt động XTĐT, từng bước nâng cao trình độ của cán bộ chuyên trách làm XTĐT, nắm
bắt và cập nhật tình hình kinh tế xã hội, bối cảnh kinh tế quốc tế.
Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tăng cường năng
lực về XTĐT trong các ngành, lĩnh vực do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hàng
năm.
7. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong
việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường,
đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu
tư
Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư giải quyết kịp
thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn
tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Xác định công tác XTĐT tại chỗ là một
hình thức quan trọng, hiệu quả và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại
Việt Nam, tại Quảng Ninh để thông tin về kinh nghiệm đầu tư và giới thiệu về
môi trường đầu tư tại Quảng Ninh tới các nhà đầu tư khác.
Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính mạnh
hơn nữa và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xúc tiến
đầu tư tại chỗ; Đồng thời, xác định rõ hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh phát triển là trách nhiệm của các cấp các ngành, các địa phương
và của cả hệ thống chính trị.
8. Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và
quốc tế về xúc tiến đầu tư
- Xây dựng chương trình đi xúc tiến đầu tư tại các nước
có trọng tâm, có chủ đề và xác định rõ các đối tác đã và đang quan tâm đến môi
trường đầu tư tại Quảng Ninh. Không tổ chức đoàn đi xúc tiến khi chưa xác định
được đối tác cụ thể. Hạn chế việc tổ chức các hội thảo về hoạt động xúc tiến
đầu tư mang tính phô trương, hình thức, không đi vào thực chất.
- Trực tiếp làm việc với từng nhà đầu tư để giới thiệu
các dự án cụ thể phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và lợi ích của các
nhà đầu tư; Đồng thời đàm phán tìm ra bằng được những cơ chế, chính sách ưu đãi
tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trên cơ sở đúng các quy định của
pháp luật và phù hợp với thực tiễn; Đồng thời ưu tiên cho những nhà đầu tư phát
triển lâu dài tại Quảng Ninh và đầu tư có chuyển giao những công nghệ tiên tiến.
- Năm 2015, tập trung xúc tiến đầu tư tại các thị trường
chiến lược là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Mỹ, Châu Âu. Quý II/2015 tổ
chức đoàn đi XTĐT thị trường Hàn Quốc, Đài Loan nhằm tiếp cận và làm việc với
các nhà đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông lâm thủy
sản xuất khẩu. Quý III/2015 tổ chức đoàn đi XTĐT thị trường Nhật Bản, Châu Mỹ,
Châu Âu đầu tư vào du lịch và sản xuất công nghiệp. Đón đầu các doanh nghiệp
đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc và Thái Lan sang Việt Nam.
- Tổ chức các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu, học tập
kinh nghiệm xúc tiến đầu tư, mô hình phát triển các KCN, KKT, ĐKKT ở trong và ngoài
nước. Học tập kinh nghiệm của các địa phương đã có kinh nghiệm và thành công
trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài.
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chủ động phối hợp với
Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc tham gia vào các đoàn xúc tiến đầu tư ở nước
ngoài do Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức.
9. Triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến đầu
tư với Nhật Bản
Tiếp tục phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật
Bản tại Việt Nam (JETRO) Triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy hợp tác, thu hút
đầu tư từ Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở Chương trình phối hợp giữa UBND
tỉnh Quảng Ninh và JETRO, Nhật Bản.
Phối hợp với JETRO Hà Nội quảng bá website XTĐT của
Quảng Ninh trên đường link trang Website của JETRO, nhằm tuyên truyền, giới thiệu,
quảng bá tiềm năng, môi trường, cơ hội đầu tư của Quảng Ninh tới thị trường
Nhật Bản để thu hút đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh thông qua Website
này. JETRO Hà Nội sẽ thông tin và giới thiệu cho các doanh nghiệp của Nhật Bản
tiếp cận tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh.
Thông qua JETRO tư vấn, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh tiếp
cận trực tiếp, kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội
đầu tư tại Việt Nam vào đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh; Định hướng thu hút đầu tư
vào 2 khu công nghiệp chuyên sâu của tỉnh: Khu công nghiệp Việt Hưng giai đoạn
2 (thành phố Hạ Long) và Khu công nghiệp - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc (Thị xã Quảng
Yên) và một số Khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với JETRO tại Hà Nội và các thành
viên hội đồng cố vấn phía Nhật Bản để tổ chức các hình thức xúc tiến đầu tư, cải
thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh.
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản sau khi đã xác định
rõ lĩnh vực, dự án nhà đầu tư quan tâm thì đề nghị JETRO tổ chức cho các doanh nghiệp
đến Quảng Ninh tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai hình thức xúc tiến đầu tư
trực tiếp với các doanh nghiệp. Chuẩn bị và tổ chức tốt các cuộc xúc tiến đầu
tư tại Quảng Ninh do JETRO chủ trì cho các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ
hội đầu tư tại Quảng Ninh.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí dự kiến để tổ chức thực hiện các nội dung trong
Chương trình xúc tiến năm 2015 của tỉnh Quảng Ninh là 14.480 triệu đồng từ
nguồn ngân sách tỉnh, giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư là đơn vị đầu mối, chủ
trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính
thẩm định kinh phí tổ chức trên cơ sở đảm bảo trình tự, thủ tục, trình UBND
tỉnh cấp kinh phí cho các đơn vị triển khai thực hiện.
IV. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐƯA VÀO
CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ QUỐC GIA
1) Bổ sung và định kỳ cập nhật các dự án kêu gọi thu
hút của Quảng Ninh vào danh mục các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài
theo Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
2) Kết nối trang thông tin điện tử xúc tiến đầu tư của
tỉnh Quảng Ninh với các trang thông tin của Bộ, ngành trung ương và trang thông
tin điện tử có uy tín trên thế giới.
3) Kết hợp quảng bá môi trường đầu tư của Quảng Ninh
khi các cơ quan trung ương đặt hàng cơ quan truyền thông trong nước và ngoài
nước viết bài, làm phóng sự trên báo chí, truyền thanh, truyền hình về xúc tiến
đầu tư, cung cấp thông tin đầu tư vào Việt Nam.
4) Phối hợp tổ chức hoặc tham gia các hoạt động xúc
tiến đầu tư quốc gia như hội nghị, hội thảo, triển lãm... trong nước và ngoài nước.
5) Tham gia các khóa đạo tạo nâng cao năng lực và kỹ
năng xúc tiến đầu tư; học tập, trao đổi kinh nghiệm đối với các tổ chức xúc tiến
đầu tư thành công trên thế giới.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và đầu tư
- Là cơ quan đầu mối, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về
danh mục các công trình đầu tư thí điểm theo hình thức đối tác công - tư; Tổng hợp,
đánh giá chất lượng của nguồn FDI đầu tư vào Quảng Ninh và chủ động cung cấp
thông tin cho các đơn vị liên quan để có các giải pháp cụ thể, kịp thời, hữu
hiệu trong công tác thu hút, kêu gọi đầu tư và khắc phục những dự án đầu tư có
chất lượng còn hạn chế.
- Phối hợp cung cấp thông tin về Quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh để hỗ trợ các nhà đầu tư, căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được giao để xây dựng kế hoạch hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang đầu
tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
2. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện chức năng, nhiệm
vụ xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phối hợp với Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các
hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Chủ trì, phối hợp với
các đơn vị trên cơ sở nội dung Chương trình này xây dựng Chương trình chi tiết
các hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2015 đảm bảo hiệu quả, thiết thực, báo
cáo UBND tỉnh trước ngày 15/6/2015; Là đầu mối tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND
tỉnh kết quả triển khai Chương trình này vào tháng 12/2015.
- Trên cơ sở nội dung Chương trình này, Ban Xúc tiến
và Hỗ trợ đầu tư xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, theo hướng hỗ
trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hiện đang đầu tư, kinh doanh
trên địa bàn tỉnh; Đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức các buổi đối thoại doanh
nghiệp.
- Chủ trì xây dựng chương trình cụ thể, các nội dung
chuẩn bị liên quan, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh tổ chức các chuyến làm việc,
chủ động gặp gỡ các tổ chức, hiệp hội có vai trò kết nối, xúc tiến đầu tư, đặc
biệt là đầu tư nước ngoài.
- Chủ động tìm hiểu và làm việc trực tiếp với các nhà
đầu tư thành công tại Việt Nam, có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn vào các
dự án mà tỉnh cần kêu gọi đầu tư.
- Chủ trì tham mưu tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư ở
một số địa bàn chiến lược nước ngoài; Chủ trì xây dựng chương trình và tham mưu
triển khai tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư; Chủ trì triển khai Đề án hợp tác,
thu hút đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh.
- Xây dựng, cập nhật, in ấn tài liệu xúc tiến đầu tư
vào Quảng Ninh.
3. Ban quản lý Khu kinh tế
- Chủ trì tổ chức đoàn đi khảo sát, nghiên cứu, học
tập mô hình phát triển các KCN, KKT, ĐKKT ở một số địa phương đã có kinh nghiệm
và thành công trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài.
- Chủ động tiếp cận, tiếp xúc trực tiếp và xúc tiến
đầu tư đối với các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn vào các dự
án mà tỉnh cần kêu gọi đầu tư vào KCN, KKT, KKTCK.
- Phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tham gia
các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, nước ngoài. Triển khai thực hiện một
số hoạt động xúc tiến đầu tư theo phân công tại Phụ lục 1 của kế hoạch này.
- Chỉnh sửa, biên tập và cập nhật các ấn phẩm, tài liệu
giới thiệu chuyên sâu về tiềm năng, lợi thế đầu tư vào KCN, KKT, KKTCK tại Quảng
Ninh để cung cấp và giới thiệu cho các nhà đầu tư. Duy trì, cập nhật website,
tuyên truyền quảng bá trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
4. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn đơn vị phụ trách,
triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan trong Chương trình xúc
tiến đầu tư năm 2015.
5. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp nhận kiến nghị,
phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức
thực hiện Chương trình này; kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Chương trình
cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và theo hướng dẫn của các cơ quan
Trung ương.