Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 134/1999/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 134/1999/QĐ-TTg
Ngày ban hành 31/05/1999
Ngày có hiệu lực 15/06/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 134/1999/QĐ-TTG NGÀY 31 THÁNG 5 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT GIAI ĐOẠN 1999 2002

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam tại tờ trình số 04/TT-BVCSTE ngày 29 tháng 12 năm 1998 và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 881 BKH/LĐVX ngày 08 tháng 02 năm 1999, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại văn bản số 706 TC/HCSN ngày 09 tháng 02 năm 1999,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động Bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999- 2002 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của Chương trình.

a) Mục tiêu chung: Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em. Ngăn ngừa, giảm dần và tiến tới giải quyết cơ bản vào năm 2002 tình trạng: trẻ em lang thang kiếm sống; trẻ em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc và độc hại; trẻ em bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; trẻ em vi phạm pháp luật.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Ngăn chặn, giảm dần và tiến tới giải quyết cơ bản vào năm 2002 tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống. Giải quyết cơ bản vào năm 2002 tình trạng trẻ em dưới 15 tuổi phải làm việc trong các điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

- Ngăn ngừa, giảm dần và tiến tới giảm cơ bản vào năm 2002 tình trạng trẻ em bị xâm phạm nhân phẩm, danh dự, bị xâm phạm tình dục, đặc biệt vì mục đích thương mại; tổ chức giáo dục, chữa bệnh và tái hòa nhập cộng đồng cho những đối tượng này.

- Chặn đứng phát sinh mới, giảm dần và tiến tới xóa bỏ vào năm 2002 tệ nạn sử dụng ma túy trong trẻ em.

- Đấu tranh, ngăn chặn, giảm dần các loại tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi trẻ em. Giảm cơ bản vào năm 2002 tình trạng trẻ em phạm các tội nghiêm trọng.

2. Các đề án chủ yếu của Chương trình.

- Đề án 1: Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống và bị lạm dụng sức lao động. Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ quan phối hợp: ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan.

- Đề án 2: Phòng ngừa tình trạng trẻ em bị xâm phạm nhân phẩm, danh dự, trẻ em bị xâm phạm tình dục, đặc biệt vì mục đích thương mại. Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan.

- Đề án 3: Phòng, chống tệ nạn sử dụng ma túy trong trẻ em. Cơ quan chủ trì: ủy ban Quốc gia Phòng, chống ma túy. Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, ủy ban Dân tộc và Miền núi, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội có liên quan.

- Đề án 4: Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi trẻ em. Cơ quan chủ trì: Bộ Công an. Cơ quan phối hợp: ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội có liên quan.

- Đề án 5: Tổ chức công tác truyền thông, giáo dục, tư vấn với nhiều hình thức (như sử dụng hình thức trung tâm truyền thông, giáo dục, tư vấn,...) cho gia đình và cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cơ quan chủ trì: ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam. Cơ quan phối hợp: ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan.

3. Kinh phí thực hiện Chương trình sẽ được cụ thể hóa cho từng đề án thành phần.

Vốn từ ngân sách Nhà nước được bố trí trong kế hoạch hàng năm: thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia (Xoá đói, giảm nghèo, Việc làm, Phòng, chống tội phạm, Phòng, chống HIV/AIDS, Phòng, chống ma túy) cho các đề án 1, 2, 3 và 4; cân đối cho các hoạt động thường xuyên của ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho đề án 5.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần huy động từ các nguồn vốn khác ở trong và ngoài nước cho các đề án của Chương trình.

Riêng năm 1999, các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí kinh phí cho các đề án thành phần trong dự toán ngân sách Nhà nước đã được giao.

4. Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 1999 đến năm 2002.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam là cơ quan giúp Chính phủ phối hợp xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình của các Bộ, ngành và các địa phương theo quy định hiện hành; hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình; tiến hành sơ kết vào năm 2000 và tổng kết vào năm 2002 tình hình thực hiện Chương trình này.

2. Các cơ quan chủ trì các đề án thành phần, qui định tại khoản 2, Điều 1 của Quyết định này, chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện đề án theo quy định hiện hành. ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chương trình ở địa phương.

3. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ tại Chương trình này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung liên quan nhằm từng bước triển khai Chương trình; hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông qua ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, về tình hình thực hiện Chương trình theo quy định của Nhà nước. Từng địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động bảo vệ trẻ em gắn với việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội triển khai Chương trình trong phạm vi hoạt động của mình, đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động của các cấp chính quyền có liên quan.

[...]