Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 1991

Số hiệu 57-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 12/08/1991
Ngày có hiệu lực 16/08/1991
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 57-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 1991

 

LUẬT

BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM CỦA QUỐC HỘI SỐ 57-LCT/HĐNN8 

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để nâng cao trách nhiệm của gia đình, cơ quan Nhà nước, nhà trường, tổ chức xã hội và công dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm bồi dưỡng các em trở thành công dân tốt của đất nước theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
Căn cứ vào các Điều 41, 64, 65 và 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Luật này quy định các quyền cơ bản, bổn phận của trẻ em và việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi.

Điều 2

Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 3

Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân.

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 4

Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện.

Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em, đều bị nghiêm trị.

Chương 2:

CÁC QUYỀN CƠ BẢN VÀ BỔN PHẬN CỦA TRẺ EM

Điều 5

1- Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch.

2- Trẻ em không rõ cha, mẹ, khi có yêu cầu, được cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ xác định cha, mẹ cho mình.

Điều 6

1- Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dạy để phát triển thể chất, trí tuệ và đạo đức.

2- Trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng cao, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh, được Nhà nước tạo điều kiện trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.

3- Trẻ em tàn tật, trẻ em có khuyết tật, được Nhà nước và xã hội giúp đỡ trong việc điều trị, phục hồi chức năng để hoà nhập vào cuộc sống xã hội; được thu nhận vào các trường, lớp đặc biệt.

4- Trẻ em không nơi nương tựa, được Nhà nước và xã hội tổ chức chăm sóc, nuôi dạy.

Điều 7

Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của đứa trẻ.

Việc giao, nhận trẻ em làm con nuôi phải theo quy định của pháp luật, bảo đảm cho đứa trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt.

[...]