Quyết định 1317/2006/QĐ-UBND Chương trình thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 1317/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/05/2006
Ngày có hiệu lực 26/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1317/2006/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 16 tháng 05 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 112/2005/QĐ-TTG NGÀY 18/5/2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ "XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2005-2010" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010";

Căn cứ Thông báo kết luận số 97-TB/TU ngày 06/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và Chương trình hành động xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 353/GDCN-TX ngày 22/3/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010" trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động - TB&XH và các ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể, hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Chương trình đạt kết quả, thiết thực.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh.
- Như điều 3 (thực hiện).
- Đài, Báo Quảng Ninh.
- V0, V1, VX1, TM2, TH1.
- Lưu: VX1, VP/UB.

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Quân

 

CHƯƠNG TRÌNH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 112/2005/QĐ-TTG NGÀY 18/5/2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC "XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2005 - 2010" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1317/2006/QĐ-UB ngày 16/5/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VÀ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở TỈNH QUẢNG NINH

1. Những tiến bộ đã đạt được:

- Quảng Ninh là một trong những tỉnh có sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo phát triển đáp ứng ở mức khá cao nhu cầu của thanh thiếu niên trong các độ tuổi đi học. Hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh phát triển khá hoàn chỉnh. Quy mô trường lớp được phát triển khá mạnh và đa dạng hóa đã tạo điều kiện cơ bản thuận lợi cho thanh, thiếu niên tham gia học tập. Tỷ lệ người đi học trong tổng số dân đạt mức khá cao. Việc huy động trẻ em ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gái và trẻ em khuyết tật đi học và đảm bảo sự bình đẳng về học tập đã được quan tâm. Công tác Chống mù chữ và phổ cập giáo dục (PCGD) đảm bảo tiến độ: tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học đúng độ tuổi tháng 12/2005; dự kiến sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đạt chuẩn quốc gia về PCGD trung học cơ sở trong năm 2006 và đạt chuẩn về PCGD bậc trung học vào năm 2015.

- Sự phát triển hệ thống cơ sở làm nhiệm vụ Giáo dục thường xuyên (GDTX) những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể. Có 2 Trung tâm GDTX cấp tỉnh, 5 Trung tâm GDTX cấp huyện, 35 Trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã, 38 trung tâm ngoại ngữ - tin học, 16 trường chuyên nghiệp, 29 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

- Phong trào "Toàn dân chăm lo xây dựng sự phát triển giáo dục" phát triển sớm và đã đạt kết quả tương đối tốt, huy động được nhiều lực lượng xã hội tích cực tham gia. Những điều kiện tiềm năng thuận lợi cho việc "xây dựng xã hội học tập" đã được hình thành ở các địa phương trong tỉnh: Các thiết chế chính trị ở cơ sở được xây dựng vững chắc, gần 50% các xã, phường, thôn bản đã có các "Nhà văn hóa" hoặc "Trung tâm sinh hoạt cộng đồng"; các địa phương chưa có nhà văn hóa nhưng cũng có các thiết chế vật chất đảm bảo sinh hoạt cộng đồng, đây là những cơ sở để thực hiện tốt chủ trương "Xây dựng xã hội học tập".

2. Một số hạn chế:

- Cơ cấu phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở còn nhiều bất cập; tỉnh chưa có trường học dành riêng cho trẻ khuyết tật; việc xóa mù chữ mới chỉ thực hiện trong giới hạn (từ 15-35 tuổi) nên còn một bộ phận đáng kể dân cư cần tiếp tục được xóa mù chữ và tham gia các chương trình giáo dục sau xóa mù chữ, bổ túc tiểu học và bổ túc trung học cơ sở.

- Nhận thức của các đối tượng trong xã hội về chủ trương "Xây dựng xã hội học tập" nói chung và vị trí, yêu cầu phát triển giáo dục thường xuyên nói riêng chưa cao. Các tổ chức xã hội trực tiếp tác động tới hoạt động "Xây dựng xã hội học tập" mới ở bước phát triển ban đầu. Các phong trào xây dựng truyền thống học tập chưa được triển khai rộng rãi.

- Các cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đồng đều giữa các vùng; số lượng còn ít (đặc biệt là tỷ lệ cấp huyện có Trung tâm GDTX còn rất thấp (35%), các Trung tâm học tập cộng đồng chiếm tỷ lệ chưa đáng kể so với tổng số xã trong tỉnh), chất lượng chưa cao.

II. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC TRONG GIAI ĐOẠN 2005 - 2010 VỀ "XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

1. Mục tiêu chung: "Xây dựng xã hội học tập" nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục.

2. Mục tiêu cụ thể (tính đến năm 2010):

[...]