KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2012 -
2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1213 /QĐ-UBND ngày 21/6/2013 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát triển quy mô
và nâng cao chất lượng giáo dục chính quy, tập trung xây dựng, củng cố và phát
triển hệ thống giáo dục thường xuyên, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi
người được học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời, góp phần nâng cao dân trí,
đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội
tham gia xây dựng và phát triển giáo dục.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Mục tiêu đến năm 2015:
a) Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:
- 96% người trong độ tuổi từ 15 - 60, 98% trở lên
người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ. Ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em
gái, đồng bào Khmer; phấn đấu tỷ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ; giáo dục
tiếp tục sau khi biết chữ cho đối tượng trong độ tuổi từ 15 - 35, chú trọng đến
các đối tượng đi lao động ngoài địa phương khi trở về nơi cư trú.
- 99,9% trở lên trẻ trong độ tuổi tốt nghiệp tiểu
học, 98,5% đối tượng trong độ tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở. Có 25% xã, phường,
thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2; 90% xã, phường,
thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 30% xã, phường, thị trấn đạt
chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông.
b) Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, tiếng
dân tộc Khmer:
- 80% trở lên cán bộ, công chức, viên chức tham
gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin
trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.
- 20% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ
ngoại ngữ bậc 2 và 5% có trình độ bậc 3.
- 30% trở lên cán bộ, công chức, viên chức công
tác trong vùng có đông đồng bào Khmer được bồi dưỡng chương trình tiếng dân tộc
Khmer.
- Hàng năm, tăng tỷ lệ số công nhân lao động có
kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu
văn hóa.
c) Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,
tay nghề để lao động có hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn:
- Đối với cán bộ, công chức từ tỉnh đến cấp huyện:
+ 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định
và lựa chọn được hình thức học tập thường xuyên để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức
về các lĩnh vực.
+ 95% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản
lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định.
+ 70 đến 80% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc
tối thiểu hàng năm.
- Đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị
trấn (gọi chung là cấp xã): Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công
chức cấp xã giai đoạn 2011 - 2015 theo Đề án 1956 ban hành kèm theo Quyết định
số 2023/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh. Phấn đấu đạt
các chỉ tiêu:
+ 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc.
+ 95% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo
tiêu chuẩn quy định.
+ 70 đến 80% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi
dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm.
+ 100% người hoạt động không chuyên trách được bồi
dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
- Đối với lao động nông thôn:
+ Thực hiện tốt Đề án Đào tạo nghề cho lao động
nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 2021/QĐ-UBND
ngày 12/11/2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
+ 50% lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật
kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các
trung tâm học tập cộng đồng.
- Đối với công nhân lao động:
+ 80% công nhân lao động có trình độ học vấn
trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên.
+ 85% công nhân lao động được học tập nâng cao
trình độ nghề, nâng bậc nghề, chuyển đổi công nghệ hoặc nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ.
+ Đào tạo nghề và trình độ ngoại ngữ (giao tiếp)
cho người lao động tham gia các chương trình hợp tác lao động ở nước ngoài.
d) Hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống
cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn: Hằng năm, tăng dần tỷ lệ học
sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương tình giáo dục kỹ
năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Trong đó, phấn đấu 30% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở
giáo dục.
2.2. Mục tiêu đến năm 2020:
a) Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:
- 98% người trong độ tuổi từ 15 - 60, 99% trở
lên người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ. Tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu
tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào Khmer; phấn đấu tỷ lệ biết chữ
cân bằng giữa nam và nữ; giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho đối tượng trong
độ tuổi 15 - 35 tuổi đi lao động ngoài địa phương khi trở về nơi cư trú.
- 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học
tập và không mù chữ trở lại.
- 100% huyện, thành phố tiếp tục củng cố vững chắc
kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, kết quả phổ cập giáo dục trung
học cơ sở. Phấn đấu có 50% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu
học đúng độ tuổi mức 2; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục
trung học cơ sở đúng độ tuổi; có 50% số xã - phường - thị trấn trong tỉnh đạt
chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông.
b) Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, tiếng
dân tộc Khmer:
- 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các
chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong công
tác chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.
- 40% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ
ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3.
- 45% trở lên cán bộ, công chức, viên chức công
tác trong vùng có đông đồng bào Khmer được bồi dưỡng chương trình tiếng dân tộc
Khmer.
- Hàng năm, tăng tỷ lệ số công nhân lao động có
kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu
văn hóa.
c) Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,
tay nghề để lao động có hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn:
- Đối với cán bộ, công chức từ tỉnh đến cấp huyện:
+ Tiếp tục duy trì 100% được đào tạo đáp ứng
tiêu chuẩn quy định.
+ 100% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định.
+ 90% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối
thiểu hằng năm.
- Đối với cán bộ, công chức cấp xã:
+ 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc.
+ 98% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo
chuẩn quy định.
+ 85% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng
bắt buộc tối thiểu hàng năm.
- Đối với lao động nông thôn:
+ Tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao
động nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số
2021/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
+ 70% lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật
kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các
trung tâm học tập cộng đồng.
- Đối với công nhân lao động:
+ 90% công nhân lao động có trình độ học vấn
trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên.
+ 95% công nhân lao động được học tập nâng cao
trình độ nghề, nâng bậc nghề, chuyển đổi công nghệ hoặc nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ.
+ Đào tạo nghề và trình độ ngoại ngữ (giao tiếp)
cho người lao động tham gia các chương trình hợp tác lao động ở nước ngoài.
d) Hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống
cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn: Hàng năm, tiếp tục tăng tỷ lệ
học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục
kỹ năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc
hơn. Trong đó phấn đấu 50% học sinh sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ
sở giáo dục.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:
1. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức
của người dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng xã hội học
tập:
- Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng
và Nhà nước, của tỉnh về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến mọi tầng
lớp nhân dân trong tỉnh.
- Tổ chức các hình thức tuyên truyền phong phú
trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường, cơ quan, doanh
nghiệp, khu dân cư, qua các hội nghị, hội thảo; tuyên truyền xây dựng xã hội học
tập thông qua phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, phát động phong
trào đơn vị học tập, cộng đồng học tập.
- Tổ chức các hoạt động học tập suốt đời trong
các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
- Nghiên cứu và tổ chức nhiều hình thức phong phú
nhằm động viên mọi người học tập suốt đời; hàng năm tổ chức tốt các hoạt động
“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” ở các địa phương. Xây dựng chuyên mục “xây
dựng xã hội học tập” trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn và
phát hành bản tin, các tài liệu tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập. Tổ chức
tuyên dương, khen thưởng các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công
tác xây dựng xã hội học tập; tổ chức xét tặng danh hiệu “Đơn vị học tập” cho
các cơ quan, các địa phương.
- Các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện
các chương trình giáo dục từ xa, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về các lĩnh vực
của khoa học và đời sống.
2. Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở
giáo dục:
- Trung tâm học tập cộng đồng: Củng cố, phát triển
bền vững các trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường các biện pháp nâng cao chất
lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; mở rộng các điểm học tập cộng
đồng hoạt động đến các ấp, khóm, cụm dân cư, các chùa trong vùng có đông đồng
bào Khmer và các cơ sở thờ tự khác; đa dạng hóa nội dung giáo dục, hình thức hoạt
động; phấn đấu tăng số lượng trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả;
phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể
thao xã hoạt động có hiệu quả.
- Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề:
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; mở rộng quy mô hợp lý, nâng
cao chất lượng, năng lực của các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, cấp
huyện đã được thành lập; các trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ: giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề; thực hiện dạy nghề
cho lao động nông thôn theo Quyết định số 2021/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao
động nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020; hỗ trợ các trung tâm học tập cồng đồng
thực hiện các nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, phát triển cộng đồng.
- Các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo
dục thường xuyên: Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá trong
các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm giáo dục cho
học sinh, sinh viên tinh thần ham học, năng lực tự học, khả năng nghiên cứu để
học tập suốt đời có hiệu quả. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong tỉnh tổ
chức nghiên cứu về các hình thức học tập suốt đời, phát triển các loại học liệu
phục vụ cho học tập suốt đời; mở mã ngành đào tạo về giáo dục cộng đồng, về học
tập suốt đời; xây dựng chương trình và triển khai bồi dưỡng về phương pháp giáo
dục người lớn cho giáo viên các cơ sở giáo dục thường xuyên; tổ chức giáo dục kỹ
năng sống cho học sinh, sinh viên.
- Các cơ sở giáo dục khác: Củng cố, phát triển
các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các cơ sở ngoại ngữ - tin học; củng cố mạng
lưới trường, trung tâm bồi dưỡng chính trị tỉnh và các huyện, thành phố đáp ứng
nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động. Thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến
khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thành lập các cơ sở học tập,
bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
3. Tổ chức hình thức học từ xa, học qua mạng:
- Tổ chức các hoạt động đào tạo từ xa ở các cơ sở
giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục đại học.
- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng
công nghệ thông tin phục vụ cho việc đào tạo từ xa; tăng cường ứng dụng công
nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập suốt
đời cho mọi người.
- Trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh
nghiên cứu phát triển công nghệ đào tạo từ xa; trung tâm bồi dưỡng cán bộ, giáo
viên phục vụ học tập suốt đời.
4. Triển khai các biện pháp hỗ trợ người học
nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời:
- Xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất
lượng hoạt động của tổ chức Hội Khuyến học để làm nòng cốt trong phong trào xây
dựng xã hội học tập của tỉnh; phát triển các mô hình khuyến học, khuyến tài.
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình
hiếu học, dòng họ hiếu học, các danh hiệu tập thể làm khuyến học.
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng quỹ khuyến
học. Tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo
tâm trong và ngoài tỉnh, ngoài nước ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học, các hoạt động
khuyến học, khuyến tài; nhân rộng mô hình nhận nuôi, đỡ đầu học sinh nghèo hiếu
học…
- Khuyến khích hình thành các mô hình khuyến học
tự nguyện (dạy xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, mở lớp học tình thương…)
- Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người
học thuộc đối tượng chính sách, đồng bào Khmer, phụ nữ và trẻ em gái theo địa
bàn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Tổ chức biên soạn tài liệu học tập về các lĩnh
vực của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi tầng lớp nhân
dân.
- Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra
đánh giá phù hợp với việc học tập của người lớn tuổi.
5. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các
ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng xã hội học tập:
- Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của
các tổ chức, cá nhân, cơ chế tham gia phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ
chức, doanh nghiệp đối với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; khuyến
khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, thành lập các cơ sở đào tạo nghề, bồi
dưỡng nhân lực tại chỗ; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng “Quỹ học tập suốt đời”
để hỗ trợ người lao động học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp, đào tạo lại cho
những người chuyển đổi nghề nghiệp.
- Các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế, tổ chức
xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân đưa xây dựng xã hội học tập là nội dung bắt buộc
trong chương trình, kế hoạch hoạt động, thi đua hàng năm và từng giai đoạn của
đơn vị.
- Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập
từ tỉnh đến cấp xã.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm:
1. Ngân sách Trung ương đảm bảo 40% tổng
kinh phí thực hiện Đề án để thực hiện các hoạt động:
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân
về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập.
- Cung cấp tài liệu học tập cho các cơ sở giáo dục
thường xuyên.
- Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo
viên các cơ sở giáo dục thường xuyên.
- Kinh phí quản lý thực hiện Đề án.
2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ các hoạt động
tuyên truyền; cung cấp tài liệu học tập phù hợp với từng địa phương; đào tạo đội
ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
3. Huy động các nguồn lực hợp pháp khác để
thực hiện Kế hoạch.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Là cơ quan thường trực, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức triển khai thực hiện toàn diện Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các
Sở, ngành tỉnh có liên quan hướng dẫn thực hiện Kế hoạch này.
- Kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện Kế hoạch
này; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban
nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch này.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ
trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, ngành tỉnh có liên quan mở rộng
các hình thức dạy nghề trong các doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất
và dạy nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn các địa phương, các cơ sở
dạy nghề thực hiện đúng tiến độ, đạt chỉ tiêu số lượng và chất lượng đào tạo
nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 2021/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho
lao động nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020; hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức
và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các huyện làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và dạy nghề.
3. Sở Nội Vụ: Phối hợp với các Sở, ngành
tỉnh có liên quan tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
theo các mục tiêu của Kế hoạch này; tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có
liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này; triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh
các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc
bộ theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn
các địa phương củng cố, kiện toàn mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng
đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao xã.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì,
phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, định hướng các cơ quan thông tin
đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp
với các Sở, ngành tỉnh có liên quan chủ động, tích cực huy động mọi nguồn lực để
triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch
này với các Chương trình, Kế hoạch khác có liên quan.
7. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở
Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành tỉnh có liên quan, căn cứ khả năng của ngân
sách tỉnh hàng năm cân đối, đề xuất, bố trí và trình phân bổ ngân sách Trung
ương được giao để thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tài
chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
8. Ban Dân tộc tỉnh: Có trách nhiệm xây dựng
xã hội học tập trong vùng có đông đồng bào Khmer; vận động Ban Quản trị các
chùa Khmer tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về học tập
suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nhân dân; hỗ trợ các hoạt động giáo dục,
dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật… trong vùng có đông đồng bào Khmer.
9. Các Sở, ngành tỉnh: Có trách nhiệm tạo
mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc
ngành mình được học tập suốt đời; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo
và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Kế hoach này.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch này tại địa phương; lồng ghép
việc triển khai thực hiện Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch khác có
liên quan trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá và định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch này (qua Sở Giáo dục
và Đào tạo).
11. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức xã hội, nghề nghiệp:
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Tham gia
tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia học tập; đưa nội dung xây dựng
xã hội học tập vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở
khu dân cư”.
b) Liên đoàn Lao động tỉnh: Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, động viên, theo dõi việc đào tạo, bồi
dưỡng cho đội ngũ người lao động trong các doanh nghiệp.
c) Tỉnh Đoàn Thanh niên: Chủ trì, phối hợp
với các Sở, ngành tỉnh có liên quan lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về xây
dựng xã hội học tập cho các đoàn viên, thanh niên; xây dựng phong trào thanh
niên tình nguyện, thanh niên tài năng; vận động gây quỹ hỗ trợ thanh niên có
hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập.
d) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
- Tổ chức phối hợp, lồng ghép các hoạt động
tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập,
lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia
đình 5 không 3 sạch”.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền,
vận động phụ nữ, trẻ em gái ở những vùng khó khăn chưa biết chữ ra học các lớp
xóa mù chữ.
đ) Hội Khuyến học tỉnh:
- Phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội
trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực học tập suốt đời,
xây dựng xã hội học tập.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai
thực hiện Kế hoạch này; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động của các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các mô hình học tập phù hợp để thực
hiện các mục tiêu của Kế hoạch này; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về xây
dựng xã hội học tập thông qua hệ thống mạng lưới hội khuyến học các cấp.
e) Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ban Đại
diện Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh…
phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiệm vụ và giải pháp xây dựng
xã hội học tập phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội./.