Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1310/QĐ-UBND năm 2020 Chương trình hành động về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 1310/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/06/2020
Ngày có hiệu lực 02/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Thiên Định
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1310/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ ỔN ĐỊNH DÂN DI CƯ TỰ DO VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC TỪ NÔNG, LÂM TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính Phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 587/TTr-SNNPTNT ngày 08 tháng 4 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Hành động về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- VP: CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN, ĐC, NĐ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thiên Định

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VỀ ỔN ĐỊNH DÂN DI CƯ TỰ DO VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC TỪ NÔNG, LÂM TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1310/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường;

Để quán triệt và thực hiện có hiệu quả, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra Chương trình hành động với những nội dung chính như sau:

I. Đánh giá chung

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 01 huyện và 12 xã biên giới, tuyến biên giới đất liền dài 84 km tiếp giáp với hai tỉnh Sê Kông và Salavan, nước CHDCND Lào. Di dân tự do chủ yếu xảy ra trên địa bàn huyện miền núi A Lưới.

Do lịch sử lâu đời, nên mối quan hệ thân thiện, họ tộc được duy trì liên tục, thường xuyên giữa đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã, thôn bản sát biên giới của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với huyện Sa Muội, tỉnh Sa La Van và huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Chính vì vậy, có nhiều trường hợp người có quốc tịch Lào di cư tự do đến huyện A Lưới và định cư ổn định liên tục trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây. Xã Quảng Nhâm một trong 12 xã biên giới của huyện A Lưới, có khoảng 5 km chiều dài đường biên giới, là xã đặc biệt khó khăn, có 5 dân tộc anh em sinh sống, với dân số 4.685 người, gồm 1.226 hộ. Trước khi thỏa thuận có hiệu lực (14/11/2013-14/11/2016) số lượng người được phép cư trú là 147, sau thỏa thuận được gia hạn (15/11/2016-31/12/2017) thì số lượng người di cư tự do còn 9 và 9 người này đã được Chủ tịch nước ký quyết định và làm lễ công bố cho nhập Quốc tịch Việt Nam vào ngày 06/9/2019. Như vậy nâng tổng số 156 nhân khẩu, 40 hộ dân người Lào đã được nhập quốc tịch Việt Nam.

1. Kết quả đạt được

Trong thời gian qua, công tác quản lý di dân tự do và ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được cấp ủy và chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về công tác bố trí dân cư và quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các Ban quản lý rừng phòng hộ đã được ban hành kịp thời và tương đối đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các Ban quản lý rừng phòng hộ được nâng cao.

Việc thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào đã góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh, trật tự biên giới và phát triển kinh tế - xã hội hai nước, giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú theo đúng nguyện vọng của người di cư.

Các địa phương, ban ngành liên quan đã lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các dự án khác, vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện bố trí ổn định dân di cư tự do, đã bố trí ổn định được 40 hộ, 156 nhân khẩu người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam.

2. Một số tồn tại, hạn chế

- Đời sống người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất chưa bền vững, thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước và điện sinh hoạt, thu nhập thấp, nơi ở tạm bợ, không ổn định, thiếu khoa học kỹ thuật, tỷ lệ hộ nghèo cao.

[...]