Quyết định 13/2008/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 13/2008/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 06/08/2008
Ngày có hiệu lực 02/09/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

Số: 13/2008/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, thẩm duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 16/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải Đường sông Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ văn bản số 6106/VPCP-CN ngày 25/10/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc “Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định và phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể Phát triển giao thông vận tải đường sông Việt Nam đến năm 2020 theo đúng quy định hiện hành”;
Xét tờ trình của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam số 834/TTr-CĐS ngày 25 tháng 6 năm 2008 trình phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể Phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể Phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm phát triển

- Tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên đồng thời đầu tư tập trung có kế hoạch để phát triển tối đa lợi thế của ngành vận tải thủy nội địa (vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hàng siêu trường siêu trọng, giá thành rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường) để phát triển ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững.

- Phát triển giao thông đường thuỷ một cách đồng bộ về luống tuyến, cảng bến, thiết bị bốc xếp, phương tiện vận tải và năng lực quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn.

- Đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gắn kết với mạng lưới giao thông khác tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. Kết hợp giữa phát triển giao thông đường thủy nội địa với các ngành khác như thủy lợi, thuỷ điện,…

- Phát triển đội tàu vận tải theo hướng trẻ hóa, cơ cấu hợp lý, phù hợp với điều kiện luồng lạch và bảo đảm an toàn vận tải.

- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Nhà nước tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và bảo trì luồng tuyến, tham gia đầu tư các cảng đầu mối quan trọng cùng với các doanh nghiệp.

2. Mục tiêu phát triển

- Về vận tải:

Đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh cao; mở một số tuyến vận tải mới như tuyến ven biển, tuyến quốc tế, tuyến chuyên container, lash. Phát triển đội tàu vận tải theo hướng trẻ hóa (tuổi tàu bình quân là 5 - 7), cơ cấu hợp lý (tàu kéo đẩy 30-35%; tàu tự hành 65-70%); tổng trọng tải đội tàu là 12 triệu tấn.

- Về kết cấu hạ tầng:

Tăng chiều dài đường thủy nội địa được quản lý và khai thác vận tải; đảm bảo đồng cấp trên một số luồng tuyến chính; hiện đại hóa hệ thống báo hiệu; kênh hóa các đoạn sông qua các đô thị lớn. Hiện đại hóa một số cảng đầu mối, cảng chính ở các vùng kinh tế trọng điểm, cảng chuyên dùng; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng địa phương; xây dựng một số cảng khách, bến khách.

- Về công nghiệp đóng mới phương tiện thủy nội địa:

Phát triển các cơ sở công nghiệp đóng tàu tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, đảm bảo đóng mới và sửa chữa được tất cả các loại phương tiện vận tải thủy nội địa.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH TỔNG THỂ

1. Quy hoạch phát triển vận tải: (chi tiết xem bảng Phụ lục 1)

- Tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa bình quân 6,73÷7,02%/năm về tấn và 7,02÷9,6%/năm về T.km; 6,93÷8,32%/năm về khách và 8,3÷11%/năm về HK.km. Cụ thể: Năm 2020 là 190÷210 triệu tấn hàng và 530÷540 triệu hành khách.

- Đội tàu vận tải đến năm 2020 là 12 triệu tấn phương tiện và 1 triệu ghế hành khách, cơ cấu đạt 65% tàu tự hành, 35% đoàn kéo đẩy.

+ Đội tàu vận tải trên các tuyến miền Bắc: Đoàn kéo đẩy từ 1.200÷1.600 tấn, tự hành ≤500 tấn và tàu pha sông biển 1.000÷2.000 tấn; tàu khách thường 50÷120 ghế, tàu khách nhanh 50÷90 ghế.

+ Các tuyến Đồng bằng sông Cửu Long: Đoàn kéo đẩy từ 600÷1.200 tấn, tàu tự hành ≤500 tấn, tàu pha sông biển 1.000÷2.000 tấn; tàu khách thường 50÷120 ghế, tàu khách nhanh 30÷120 ghế.

2. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng

a. Về luồng tuyến:

[...]