CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
THANH TRA SỞ XÂY DỰNG TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm
2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương I
VỊ TRÍ - CHỨC NĂNG - NHIỆM
VỤ - QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương (sau đây gọi
tắt là Thanh tra Sở) là cơ quan trực thuộc Sở Xây dựng, thuộc hệ thống Thanh
tra Xây dựng.
Thanh tra Sở có con dấu riêng, được mở tài khoản
tại Kho bạc Nhà nước.
Điều 2. Chức năng
Thanh tra Sở có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Thanh tra Sở
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ được giao của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lí trực tiếp của
Giám đốc Sở (thanh tra hành chính):
a) Thanh tra, kết luận, xử lý hoặc kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền quyết định xử lý;
b) Chủ trì hoặc phối hợp các bên có liên quan
trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính theo hướng dẫn của
Thanh tra tỉnh.
2. Thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc
thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xây dựng (thanh tra
chuyên ngành):
a) Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu
tư xây dựng công trình, tổng mức đầu tư;
b) Công tác giải phóng mặt bằng xây dựng; điều
kiện khởi công xây dựng công trình;
c) Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ
thuật – tổng dự toán, dự toán công trình; công tác khảo sát xây dựng;
d) Việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng;
đ) Công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động
xây dựng;
e) Công tác quản lí chất lượng công trình xây dựng;
nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng; thanh, quyết toán công trình;
g) Điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng của
Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu tư vấn xây dựng và nhà
thầu thi công xây dựng công trình và các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của
pháp luật;
h) Việc thực hiện an toàn lao động, bảo vệ tính
mạng con người và tài sản; phòng chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường trong công
trường xây dựng;
i) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc lập
nhiệm vụ quy hoạch xây dựng; nội dung quy hoạch xây dựng, thẩm quyền lập, thẩm
định và phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện, quản lí xây dựng theo quy hoạch;
k) Việc lập và tổ chức thực hiện các định hướng
phát triển nhà; các chương trình, dự án phát triển các khu đô thị mới; việc cấp
giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà và việc quản lí, sử dụng công sở;
l) Việc lập và tổ chức thực hiện định hướng, quy
hoạch, kế hoạch chương trình, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, tình
hình khai thác, quản lí, sử dụng các công trình gồm: hè, đường đô thị, cấp nước,
thoát nước, vệ sinh môi trường, rác thải đô thị, nghĩa trang, chiếu sáng, công
viên cây xanh, bãi đỗ xe trong đô thị, công trình ngầm và các công trình kỹ thuật
hạ tầng khác trong đô thị;
m) Việc thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu
xây dựng và việc quản lí chất lượng vật liệu xây dựng đưa vào công trình;
n) Việc thực hiện các quy định khác của pháp luật
về hoạt động xây dựng.
3. Cử người tham gia Đoàn Thanh tra chuyên ngành
khi có yêu cầu của Thanh tra Bộ Xây dựng.
4. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố
cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo:
a) Chủ trì hoặc tham gia tiếp công dân đến khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật;
b) Giúp Giám đốc Sở giải quyết khiếu nại, tố cáo
theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
c) Theo dõi, kiểm tra các tổ chức thuộc thẩm quyền
quản lí của Sở trong việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.
6. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, chống tham
nhũng trong lĩnh vực xây dựng ở địa phương theo quy định của pháp luật về chống
tham nhũng.
7. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền quản
lí của Giám đốc Sở Xây dựng thực hiện quy định của pháp luật về công tác thanh tra.
8. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận,
kiến nghị và quyết định sau thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác
thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành xây dựng và giải quyết khiếu nại,
tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lí của Sở.
9. Chủ trì tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra
hành chính, thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra;
được sử dụng Cộng tác viên thanh tra theo quy định của pháp luật.
10. Quản lí, tổ chức, biên chế, tài sản và kinh
phí phục vụ hoạt động của Thanh tra Sở.
11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy
định của pháp luật và Giám đốc Sở giao.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Chánh Thanh tra Sở
1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm
vi quản lí của Sở.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra
trình Giám đốc Sở quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.
Chánh Thanh tra Sở có trách nhiệm ban hành quy chế làm việc cụ thể của Thanh
tra Sở.
3. Trình Giám đốc Sở quyết định thanh tra khi
phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
4. Kiến nghị Giám đốc Sở tạm đình chỉ việc thi
hành quyết định của đơn vị thuộc quyền quản lí của Sở Xây dựng khi có căn cứ
cho rằng các quyết định đó trái pháp luật hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động
thanh tra; kiến nghị Giám đốc Sở xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi
phạm thuộc quyền quản lí của Sở Xây dựng.
5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
6. Trình Giám đốc Sở quyết định hoặc quyết định
theo thẩm quyền việc thành lập các Đoàn Thanh tra, cử Thanh tra viên, trưng tập
Cộng tác viên thanh tra thực hiện việc thanh tra theo quy định của pháp luật.
7. Kiến nghị Giám đốc Sở giải quyết những vấn đề
về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo
Chánh Thanh tra tỉnh, đồng thời báo cáo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.
8. Lãnh đạo cơ quan Thanh tra Sở thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ HOẠT ĐỘNG
Điều 5. Tổ chức bộ máy
Thanh tra Sở có 1 Chánh Thanh tra, các Phó Chánh
Thanh tra, Thanh tra viên và công chức, viên chức thuộc các ngạch khác giúp việc
trực tiếp cho Chánh Thanh tra Sở.
Thanh tra viên và công chức, viên chức phải đáp ứng
đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và các quy định khác của pháp
luật.
Thanh tra Sở được tổ chức thống nhất dưới sự quản
lí, điều hành của Chánh Thanh tra Sở. Chánh Thanh tra Sở là người đứng đầu
Thanh tra Sở và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở. Chánh Thanh tra Sở do Giám
đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.
Phó Chánh Thanh tra Sở giúp Chánh Thanh tra Sở
thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn do Chánh Thanh tra Sở phân công; Phó Chánh
Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của
Chánh Thanh tra Sở.
Điều 6. Biên chế
Biên chế hành chính của Thanh tra Sở gồm Thanh
tra viên và công chức thuộc các ngạch khác làm việc trong Thanh tra Sở do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ trong tổng biên chế hành chính của tỉnh.
Điều 7. Thanh tra viên
xây dựng
1. Thanh tra viên xây dựng là người được phân
công làm công tác thanh tra tại Thanh tra Sở, được bổ nhiệm, miễn nhiệm và cấp
thẻ thanh tra viên theo tiêu chuẩn thanh tra viên do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành.
2. Thanh tra viên xây dựng phải đáp ứng các điều
kiện, tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định.
3. Khi thực hiện công tác thanh tra, Thanh tra
viên xây dựng có các nghĩa vụ, quyền hạn sau:
a) Khi tiến hành thanh tra phải có quyết định của
Chánh Thanh tra Sở hoặc cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền;
b) Khi thi hành công vụ Thanh tra viên phải mặc
đồng phục và mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu của Thanh tra xây dựng theo quy
định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
c) Khi tiến hành thanh tra độc lập phải xuất
trình thẻ thanh tra viên xây dựng;
d) Có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra xuất
trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề;
đ) Có quyền lập biên bản về việc vi phạm của đối
tượng thanh tra;
e) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm
pháp luật vượt quá thẩm quyền xử lý của mình thì Thanh tra viên phải báo cáo
Chánh Thanh tra quyết định;
g) Thực hiện nhiệm vụ được Chánh Thanh tra phân
công trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở theo các quy định của
pháp luật về chuyên ngành Thanh tra xây dựng;
h) Báo cáo Chánh Thanh tra về việc thực hiện nhiệm
vụ được phân công;
i) Thanh tra viên xây dựng khi tiến hành thanh
tra theo Đoàn thì thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1,
Điều 40 của Luật Thanh tra.
Điều 8. Cộng tác viên
Thanh tra xây dựng
1. Thanh tra Sở được sử dụng Cộng tác viên Thanh
tra xây dựng theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật.
2. Cộng tác viên Thanh tra xây dựng không thuộc
biên chế của Thanh tra Sở, được trưng tập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
3. Cộng tác viên Thanh tra xây dựng phải có
trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp nhiệm vụ được giao, có phẩm chất chính trị
tốt, ý thức trách nhiệm, trung thực, khách quan, công minh.
4. Cộng tác viên Thanh tra xây dựng được hỗ trợ,
tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 9. Nguyên tắc hoạt
động
1. Hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật,
bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời;
không làm cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng
thanh tra.
2. Khi tiến hành thanh tra, người ra quyết định
thanh tra, Chánh Thanh tra, Trưởng Đoàn Thanh tra, Thanh tra viên và các thành
viên Đoàn Thanh tra phải tuân theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra và
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi và quyết định của mình.
Điều 10. Chế độ làm việc
1. Thanh tra Sở làm việc theo chế độ Thủ trưởng.
Chánh Thanh tra Sở quyết định các vấn đề thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn và
nhiệm vụ của Thanh tra Sở và chịu trách nhiệm cao nhất trước Giám đốc Sở và Uỷ
ban nhân dân tỉnh về toàn bộ các hoạt động của Thanh tra Sở.
2. Phó Chánh Thanh tra Sở được Chánh Thanh tra Sở
phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh
Thanh tra Sở về lĩnh vực công tác được phân công, đồng thời cùng Chánh Thanh
tra Sở liên đới chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và pháp luật về lĩnh vực được
phân công.
Điều 11. Quan hệ công
tác của Thanh tra Sở
1. Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo trực tiếp của
Giám đốc Sở, đồng thời chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra hành
chính của Thanh tra tỉnh.
2. Thanh tra Sở chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp
vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng; tổng hợp, báo cáo định kỳ
hoặc đột xuất về công tác thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Bộ Xây dựng.
3. Thanh tra Sở phối hợp với thanh tra các
ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền
trong quá trình thanh tra đối với các vấn đề có liên quan đến xây dựng và trong
việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.
4. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm
tạo điều kiện và hỗ trợ cho Thanh tra Sở hoạt động trên địa bàn; trang bị các
phương tiện và điều kiện làm việc cho Đội Thanh tra xây dựng theo quy định của
pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi Đội Thanh tra xây dựng
trình.
5. Thanh tra Sở hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ
thanh tra chuyên ngành đối với Đội Thanh tra xây dựng huyện, thị xã; Đội Thanh
tra xây dựng huyện, thị xã phải tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công
tác thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở.
6. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách
nhiệm phối hợp với các Đội Thanh tra xây dựng huyện, thị xã trong việc kiểm tra
trật tự đô thị trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi có
yêu cầu của Đội Thanh tra xây dựng huyện, thị xã.
Điều 12. Cơ sở vật chất,
phương tiện, thiết bị kỹ thuật và kinh phí hoạt động
Thanh tra Sở được trang bị cơ sở vật chất,
phương tiện, thiết bị kỹ thuật theo Quyết định số 36/2005/QĐ-BXD ngày
24/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Kinh phí hoạt động của Thanh tra Sở do ngân sách
Nhà nước cấp và do các nguồn kinh phí khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ
Xây dựng và quy định của pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Giám đốc Sở có
trách nhiệm thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức; có kế hoạch đào tạo,
bố trí công chức, viên chức đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của
pháp luật hiện hành, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 14. Trong quá
trình thực hiện nếu cần thay đổi, bổ sung hay hủy bỏ bất kỳ điều khoản nào của
bản Quy định này thì Chánh Thanh tra Sở đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng thống nhất
với Giám đốc Sở Nội vụ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.