Quyết định 126/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2000 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 126/1998/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/07/1998
Ngày có hiệu lực 26/07/1998
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 126/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM ĐẾN NĂM 2000

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật lao động ngày 26 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1998;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 93/CSLĐ ngày 17 tháng 11 năm 1997, văn bản số 1653/BLĐTBXH-CSLĐ ngày 23 tháng 5 năm 1998 và ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 2994 BKH/VPTĐ ngày 07 tháng 5 năm 1998.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2000 (kèm theo Quyết định này) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2000.

2. Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Mục tiêu của Chương trình:

a) Mục tiêu cơ bản lâu dài:

Tạo việc làm mới và bảo đảm việc làm cho người lao động có khả năng lao động, có yêu cầu việc làm; thực hiện các biện pháp để trợ giúp người thất nghiệp nhanh chóng có được việc làm, người thiếu việc làm có đủ việc làm, đặc biệt có chính sách trợ giúp cụ thể các đối tượng yếu thế trong thị trường lao động; thông qua đó giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm từng bước thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

Mỗi năm thu hút thêm 1,3-1,4 triệu lao động có chỗ làm việc, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống 5% và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 75% vào năm 2000.

4. Những nội dung hoạt động cụ thể của Chương trình:

a) Tổ chức nghiên cứu, phân tích đánh giá tác động của chủ trương, chính sách vĩ mô đến tăng, giảm việc làm để kiến nghị các giải pháp; tổ chức xây dựng và thẩm định chỉ tiêu tạo việc làm mới và giảm chỗ làm việc trong các kế hoạch Nhà nước, các chương trình, các dự án. b) Tăng cường thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ trực tiếp để giải quyết việc làm cho các đối tượng yếu thế trong thị trường lao động.

c) Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm để người thất nghiệp, người thiếu việc làm đăng ký tìm việc làm tại các cơ sở thuộc hệ thống dịch vụ việc làm của Chương trình trên phạm vi cả nước và các dịch vụ việc làm cho người sử dụng lao động khi có yêu cầu.

d) Tổ chức điều tra lao động, việc làm; thu thập, xử lý thông tin về thị trường lao động và công bố tình hình lao động, việc làm hàng năm.

đ) Tổ chức đầu tư xây dựng trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các Trung tâm dịch vụ việc làm, trên cơ sở lựa chọn và tổ chức lại các Trung tâm xúc tiến việc làm hiện có ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở vệ tinh của các Trung tâm dịch vụ việc làm này tại các thị xã, thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp tập trung, đảm bảo thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm trong thị trường lao động.

e) Đào tạo và đào tạo lại nghề theo hợp đồng học nghề gắn với việc làm cho người thất nghiệp đã đăng ký tìm việc làm, chủ yếu là thanh niên nông thôn tại các cơ sở dạy nghề của Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc các cơ sở dạy nghề khác do Trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu.

g) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ từ 1-2 lần/năm cho các nhân viên dịch vụ việc làm của Chương trình và các cán bộ quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, Chương trình giải quyết việc làm của địa phương.

h) Đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật để có đủ năng lực bảo đảm thực hiện các hoạt động đào tạo của Chương trình.

i) Tổ chức cho vay vốn để người thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm; người sử dụng lao động bố trí việc làm ổn định cho những người thất nghiệp đã đăng ký tìm việc làm; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ để đảm bảo việc làm cho người lao động; dạy nghề và tạo việc làm cho lao động là người tàn tật.

k) Xây dựng, bổ sung các chính sách bảo đảm thực hiện Chương trình, tổ chức các hoạt động thông tin thị trường lao động, tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình.

5. Kinh phí của Chương trình:

a) Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đến năm 2000 ước tính 4.800 tỷ đồng, sẽ được cụ thể hoá và bố trí trong kế hoạch hàng năm cho từng nội dung hoạt động của các dự án thành phần.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách Nhà nước;

- Trợ giúp của các nước;

[...]