Quyết định 146/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 146/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/08/2004
Ngày có hiệu lực 13/09/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 146/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 146/2004/QĐ-TTG NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 2004 VỀ PHƯƠNG HƯỚNG CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 7349/BKH-CLPT ngày 01 tháng 12 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đối với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, để phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm xây dựng vùng KTTĐ phía Nam trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, thực sự là vùng kinh tế động lực của cả nước, giữ vững vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả nước và trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc tế, đi đầu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

Điều 2. Mục tiêu phát triển chủ yếu

1. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 1,2 lần, giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 1,1 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 36% hiện nay lên khoảng 40 - 41% vào năm 2010 và 43 - 44% vào năm 2020.

2. Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 1.493 đô la Mỹ năm 2005 lên 3.620 đô la Mỹ năm 2010 và 22.310 đô la Mỹ năm 2020.

3. Tăng mức đóng góp của vùng trong thu ngân sách của cả nước từ 33,9% năm 2005 lên 38,7% năm 2010 và 40,5% năm 2020.

4. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ phấn đấu đạt bình quân 20 - 25%/năm trong tiến trình hiện đại hoá, nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt trên 50%.

5. Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất và xã hội chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế và trong khu vực Đông Nam á đủ đáp ứng cho nhu cầu của cả khu vực phía Nam và khách quốc tế.

6. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4% vào năm 2010, dưới 1% năm 2020, tỷ lệ lao động không có việc làm khoảng 4% đến năm 2020.

7. Ổn định số dân trong vùng đến năm 2020 khoảng 15 - 16 triệu người. Bảo đảm kỷ cương, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm bền vững môi trường cả ở đô thị và nông thôn trong vùng.

Điều 3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt

1. Nhiệm vụ mới có tính đột phá.

Xây dựng khu đô thị tổng hợp ở Tây - Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh thuộc 3 tỉnh Long An, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Bình Dương, các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm đào tạo nghề trình độ cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khu sinh dưỡng công nghiệp (chuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật công nghệ cho toàn Nam Bộ) và xây dựng tổng kho trung chuyển tại Đồng Nai.

Xây dựng các tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Trung Lương và Tây Ninh; đồng thời, chuẩn bị triển khai xây dựng sân bay Long Thành.

2. Về điều chỉnh quy hoạch.

a) Chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành có chất lượng hàng hoá cao, công nghệ hiện đại và năng suất lao động cao.

- Các ngành dịch vụ cần phát triển với tốc độ nhanh và chất lượng cao, nhằm bảo đảm nhịp độ tăng trưởng cao, phát triển toàn diện và bền vững cho toàn vùng.

Tập trung phát triển toàn diện các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ công nghệ, viễn thông, vận tải quốc tế; phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán; phát huy có hiệu quả các tổ chức tài chính, các cơ quan đào tạo, dịch vụ y tế và nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm dịch vụ chất lượng cao về các mặt viễn thông, dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, du lịch của cả nước và có tầm cỡ quốc tế.

Thương mại cần vươn lên ngang tầm quốc tế và trở thành động lực cho sự phát triển của cả Nam Bộ.

Phát huy lợi thế của hệ thống cảng biển, đẩy mạnh dịch vụ vận tải biển trong nước và quốc tế, hướng tới đảm nhận hàng xuất nhập khẩu từ 30 - 40% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu trong vùng. Phát triển đội tàu vận tải biển theo xu hướng tàu chuyên dụng có trọng tải lớn. Đẩy mạnh các loại dịch vụ hàng hải quốc tế tại các cảng khu vực Sài Gòn, cảng khu vực Thị Vải, Vũng Tàu.

Đa dạng hoá các dịch vụ bưu chính viễn thông, mở rộng hoạt động bưu chính viễn thông của các thành phần kinh tế trong vùng, đặc biệt là các dịch vụ bưu chính viễn thông quốc tế. Mở rộng hệ thống bưu chính viễn thông ở khu vực nông thôn và hải đảo, đảm bảo một điểm bưu chính tại các thành phố lớn phục vụ từ 20.000 người đến 28.000 người, ở thành phố nhỏ từ 14.000 - 18.000 người/điểm bưu cục, ở khu vực nông thôn từ 4.000 - 5.000 người/điểm bưu cục.

Phát triển du lịch gắn liền với việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, khu bảo tồn thiên nhiên. Chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm. Gắn du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với các vùng khác trong nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá các loại hình du lịch, đẩy mạnh phát triển các trung tâm thông tin và tư vấn phát triển du lịch, gắn liền với xây dựng hệ thống an ninh và an toàn du lịch để đến năm 2005 đón khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ khoảng 10 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế là 2 triệu lượt người và đón khoảng 13 - 14 triệu lượt người vào năm 2010, trong đó khách quốc tế là 3,2 - 3,5 triệu lượt người.

- Tăng tốc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp bổ trợ.

[...]