Quyết định 12119/QĐ-BCT năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 12119/QĐ-BCT
Ngày ban hành 05/11/2015
Ngày có hiệu lực 05/11/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12119/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035;

Căn cứ Quyết định số 1749/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035;

Căn cứ Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG

1. Quan điểm

a) Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam là một hợp phần của tái cơ cấu ngành năng lượng trong tổng thể tái cơ cấu ngành Công Thương phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

b) Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam phải phù hợp với quan điểm định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 ban hành kèm theo Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:

- Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược biển Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

- Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam với hiệu quả cao, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; mở rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam theo nguyên tắc kinh tế thị trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường tính chủ động trong quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò dầu khí truyền thống để bù đắp sự thiếu hụt từ khai thác dầu khí trong nước, tăng cường đầu tư ở khu vực nước sâu, xa bờ, gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời tích cực đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm có hiệu quả kinh tế. Tăng cường nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thăm dò các nguồn năng lượng phi truyền thống (khí than, hydrate, dầu khí đá phiến sét,...); chú trọng phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

- Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn nòng cốt, cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Tập trung vào phát triển các lĩnh vực chính là: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phát triển ngành Dầu khí. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, đồng thời cần huy động sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế khác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

c) Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần phải được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng chương trình hành động để thực hiện và hệ thống giám sát, đánh giá, tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam nhằm phát triển ngành Dầu khí Việt Nam thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành Dầu khí.

Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về dầu khí hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

b) Mục tiêu cụ thể

Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể như sau:

[...]