Quyết định 2146/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2146/QĐ-TTg
Ngày ban hành 01/12/2014
Ngày có hiệu lực 01/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2146/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 9457/TTr-BCT ngày 25 tháng 9 năm 2014 về Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG

1. Quan điểm

a) Tái cơ cấu ngành công thương là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;

b) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức cơ cấu bộ máy hợp thông qua các cơ chế, chính sách, phân định rõ vai trò, chức năng của nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, các biện pháp can thiệp hành chính, tạo động lực khuyến khích, chuyển dịch, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường nhằm thúc đẩy phát triển ngành;

c) Thực hiện tái cơ cấu ngành công thương vừa phải thực hiện theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; thực hiện chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và giá trị gia tăng của ngành, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về xã hội;

d) Thực hiện tái cơ cấu ngành công thương hướng đến xây dựng cơ cấu hợp lý trong các ngành công nghiệp, thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung; gắn phát triển ngành công thương với bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, ổn định và bền vững;

đ) Gắn nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ để cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển;

e) Tiếp tục mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; thu hút sự tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước để huy động tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội;

g) Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần phải được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng chương trình hành động để thực hiện và một hệ thống giám sát, đánh giá, tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Tái cơ cấu ngành công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành. Nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của ngành, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về năng lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ; khai thác triệt để các lợi thế sẵn có và chủ động tạo ra lợi thế trong nước và các cơ hội quốc tế; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và thế giới để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phấn đấu đến năm 2030, chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) của Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực;

- Phát triển công nghiệp trên cơ sở huy động hiệu quả nhất mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp;

- Phát triển nguồn năng lượng hợp lý, theo cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đẩy mạnh đánh giá trữ lượng tài nguyên, thăm dò, đầu tư mua mỏ ở nước ngoài; tiến tới thực hiện đấu thầu trong các hoạt động khai thác tài nguyên;

- Tiếp tục phát triển thị trường ngoài nước để tăng nhanh xuất khẩu; xây dựng và củng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường bền vững; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh lệ thuộc vào một thị trường nhập khẩu; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn;

- Coi trọng và phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia đa dạng của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế; khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung; phát huy vai trò và vị trí của thương mại trong nước trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân; đặc biệt quan tâm phát triển thị trường ở vùng biên giới, miền núi, hải đảo;

[...]