ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2020/QĐ-UBND
|
Trà
Vinh, ngày 05 tháng 6
năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG KHÁC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG
TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế
quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về
quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về
thanh quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà
nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT ngày 14/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng
dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện
các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế sử dụng
nguồn vốn huy động khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa
bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 6
năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, NN&PTNT, LĐTBXH;
- Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. TU, TT HĐND; Đoàn ĐBQH tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BLĐVP;
- Các Phòng NC;
- Trung tâmTHCB;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đồng Văn Lâm
|
QUY CHẾ
SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG KHÁC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC
GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số
12/2020/QĐ-UBND ngày 05/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Trà Vinh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy ché này quy định cơ chế về quản
lý, sử dụng và quyết toán nguồn vốn huy động hợp pháp từ tổ chức, doanh nghiệp
và cộng đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn hoặc thực hiện
các nhiệm vụ theo nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn
tỉnh Trà Vinh.
2. Quy chế này không áp dụng đối với
các khoản viện trợ, tài trợ của các quốc gia, Tổ chức phi chính phủ nước ngoài
được quản lý theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan đến việc đóng góp, quản lý và sử dụng nguồn vốn huy động khác thực hiện
các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được quy định tại
khoản 1 Điều 1 Quy chế này.
Điều 3. Các
nguyên tắc thực hiện
1. Nguyên tắc về hoạt động huy động vốn
Phải được thực hiện trên nguyên tắc
công khai, minh bạch, tự nguyện, đúng mục tiêu chương trình và đảm bảo cơ chế
giám sát của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng. Tuyệt đối không được yêu cầu nhân
dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không thực hiện huy động đối với hộ nghèo,
người già, người tàn tật không nơi nương tựa, gia đình chính sách, đối tượng hưởng
trợ cấp xã hội.
2. Nguyên tắc quản lý nguồn vốn
Phải thực hiện quản lý theo nguyên tắc
quản lý tài chính kế toán được Nhà nước quy định tại các văn bản hiện hành.
3. Nguyên tắc sử dụng nguồn vốn
a) Đảm bảo đầu tư đúng mục đích, đúng
công trình, nhiệm vụ được huy động; đảm bảo công khai, minh bạch;
b) Đảm bảo nguyên tắc phát huy vai
trò giám sát cộng đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ
chức thực hiện đầu tư, chịu trách nhiệm công khai và giải
trình theo quy định. Thực hiện quy trình thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 4. Hoạt động
huy động vốn
1. Huy động đối với tổ chức, doanh
nghiệp
Công khai danh mục đầu tư thuộc đối
tượng huy động, tiếp xúc trực tiếp hoặc thư ngỏ với tổ chức, doanh nghiệp được
huy động để vận động nguồn vốn đầu tư.
2. Huy động từ cộng đồng dân cư
Tổ chức họp dân trên địa bàn, thực hiện
công khai danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư, định mức huy động và vận động đầu
tư trên nguyên tắc tự nguyện đóng góp; tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng
địa phương đưa ra định mức huy động phù hợp.
3. Hình thức đóng góp
Đóng góp bằng tiền, hiện vật (vật tư
xây dựng, công trình xây dựng,...) và ngày công lao động.
4. Định mức đóng góp
Trên từng công trình, dự án phải được
xác định tỷ lệ huy động cụ thể trên tổng nguồn vốn đầu tư làm tiêu chí để thực
hiện hoạt động huy động. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định tỷ lệ huy
động này.
Điều 5. Quản lý
nguồn vốn
1. Hoạt động thu
a) Trường hợp thu bằng tiền, kế toán Ủy
ban nhân dân cấp xã phải lập phiếu thu theo quy định do cơ quan có thẩm quyền cấp
theo nguyên tắc tài chính kế toán hiện hành. Trường hợp thu bằng ngoại tệ thì
thực hiện quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Ngân hàng
Nhà nước công bố hàng tháng;
b) Trường hợp thu bằng hiện vật, công
lao động tự nguyện của nhân dân trong xã: Căn cứ vào số lượng vật tư, công lao
động do người dân đóng góp, giá cả vật tư, giá ngày công lao động tại địa
phương (tại thời điểm đóng góp), Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện lập biên bản
tiếp nhận và đảm bảo việc bảo quản hiện vật. Nếu hiện vật đã xác định được giá
trị thì thể hiện giá trị hiện vật đó (bằng đồng Việt Nam) trong biên bản tiếp
nhận để thực hiện ghi thu, ghi chi theo quy định;
c) Trường hợp hiện vật của tổ chức,
cá nhân đóng góp chưa xác định được giá trị hiện vật thì phải thành lập Hội đồng
xác định giá trị hiện vật (bằng tiền Việt Nam). Hội đồng xác định giá trị hiện
vật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập; thành viên gồm đại
diện chính quyền, đoàn thể và Ban giám sát của cộng đồng.
2. Quản lý nguồn vốn huy động
a) Kế toán xã mở
sổ kế toán để phản ánh và hạch toán quá trình thu. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp
xã mở tài khoản huy động tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện. Thực hiện việc đăng nộp
nguồn thu vốn huy động vào tài khoản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày huy động;
b) Nếu là hiện vật
được quy đổi thành tiền thì thực hiện quản lý trên cơ sở sổ sách tài chính kế
toán của đơn vị mình.
Điều 6. Sử dụng
nguồn vốn huy động
1. Nguồn vốn huy động đầu tư cho công
trình nào chỉ được sử dụng cho công trình đó. Khi công trình hoàn thành còn thừa
nguồn vốn huy động thì được chuyển qua đầu tư cho công trình khác trên cùng địa
bàn và phải thông báo công khai cho đối tượng đóng góp biết.
2. Chỉ thực hiện giải ngân theo tiến
độ hoàn thành của từng giai đoạn của dự án, không thực hiện việc tạm ứng trước
từ nguồn vốn huy động trong quá trình thực hiện dự án.
3. Phải đảm bảo tất cả nguồn vốn huy
động đều phải được đầu tư đúng, đầy đủ, đảm bảo hiệu quả.
Điều 7. Thanh quyết
toán nguồn vốn huy động
1. Các dự án đầu tư sử dụng nhiều nguồn
vốn khác nhau trong đó có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì phần vốn
ngân sách nhà nước của dự án thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công,
Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính và các quy định
pháp luật khác có liên quan.
2. Các nguồn đóng góp bằng hiện vật
và ngày công lao động hoặc công trình xây dựng hoàn thành, căn cứ đơn giá hiện
vật và giá trị ngày công lao động để hạch toán vào giá trị công trình, dự án để
theo dõi, quản lý; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.
3. Các nguồn đóng góp bằng tiền đã được
Hội đồng nhân dân cấp xã quy định thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước thì phải
quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các
văn bản hướng dẫn của luật. Thủ tục thanh quyết toán thực hiện theo các văn bản
hướng dẫn của Bộ Tài chính.
4. Đối với các nguồn đóng góp bằng tiền
không thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước thì thực hiện thanh quyết toán
trên cơ sở thỏa thuận với bên đóng góp và thủ tục thực hiện theo quy định tài
chính hiện hành, bảo đảm công khai, đúng quy định, không để sai sót, thất thoát
và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với nội dung thanh quyết toán.
Điều 8. Cơ chế
giám sát
1. Thông báo cho các tổ chức, doanh
nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia đóng góp về kết quả sử dụng nguồn vốn huy động
trên phương tiện thông tin đại chúng, thông báo tại các buổi họp dân để người dân biết, giám sát;
2. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp
có tham gia đóng góp nguồn vốn phải thông báo bằng văn bản về kết quả sử dụng
nguồn vốn huy động;
3. Giải quyết thắc mắc: Nếu có những
thắc mắc về việc huy động, sử dụng nguồn vốn đóng góp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã phải thực hiện việc giải trình bằng văn bản. Nếu vẫn
chưa nhận được sự đồng thuận của cá nhân, tổ chức thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện tiếp tục thực hiện việc giải trình.
Điều 9. Chế độ
báo cáo và kiểm tra giám sát
1. Ban Giám sát cộng đồng, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm giám sát quá trình quản lý, sử dụng
vốn huy động khác, đồng thời kiểm tra việc công khai tài chính vốn huy động
theo quy định.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
báo cáo kết quả huy động tài chính, tiến độ thực hiện dự án 6 tháng, hàng năm
(hoặc đột xuất theo yêu cầu) về Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình huy động, quản lý, sử dụng
nguồn vốn huy động triển khai thực hiện các công trình, dự án; chấn chỉnh kịp
thời những sai sót; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo cấp trên để xử
lý.
Điều 10. Công
khai tài chính nguồn vốn huy động
1. Nội dung công khai
a) Công khai kết quả huy động vốn: Đối
tượng, thời gian, hình thức, mức đóng góp của các đối tượng;
b) Công khai việc sử dụng nguồn vốn
huy động để đầu tư xây dựng các công trình: Danh mục công trình được đầu tư,
quyết định phê duyệt dự toán, quyết toán các công trình ở cấp có thẩm quyền;
c) Công khai số chênh lệch thu, chi
(nếu có).
2. Hình thức công khai
Niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp
xã và thông qua các buổi họp trực tiếp với nhân dân trong cộng đồng dân cư.
3. Thời gian công khai
Chậm nhất 30 ngày sau khi được cấp có
thẩm quyền phê duyệt quyết toán công trình.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 11. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn
các địa phương thực hiện huy động vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, tuyên truyền, hướng
dẫn các địa phương thực hiện huy động vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng
dẫn, giải quyết vướng mắc đối với việc thanh toán, quyết toán dự án có sử dụng
nguồn vốn huy động.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách
nhiệm tổ chức triển khai Quy chế này đến các cơ quan chuyên môn trực thuộc và
các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực
hiện của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách
nhiệm thực hiện đầy đủ nội dung theo đúng quy định của Quy chế này trong quá
trình tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
xã, các tổ chức đoàn thể cấp xã và Trưởng Ban nhân dân ấp, khóm có trách nhiệm tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
Điều 12. Sửa đổi,
bổ sung Quy chế
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội để tổng hợp, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp./.