Quyết định 1109/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền tỉnh Lai Châu đến năm 2020

Số hiệu 1109/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/09/2011
Ngày có hiệu lực 22/09/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Nguyễn Khắc Chử
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1109/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 22 tháng 9 năm 2011.

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG CAO SU ĐẠI ĐIỀN TỈNH LAI CHÂU ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 87/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 05/11/2008 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 145/2008/NQ-HĐND, ngày 05/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu về Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2015;

Thực hiện Thông báo số 282-TB/TU ngày 19/8/2011 của Tỉnh ủy Lai Châu thông báo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền tỉnh Lai Châu đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 388/TTr-SNN, ngày 12 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền tỉnh Lai Châu đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Quy hoạch phát triển cây cao su thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

2. Chỉ quy hoạch phát triển cây cao su ở những vùng có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây cao su. Phát triển cao su trên diện tích chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và đất rừng tự nhiên là rừng nghèo phù hợp với trồng cây cao su.

3. Quy hoạch phát triển cây cao su phải trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; gắn với việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư kết cấu hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư trong vùng cao su, đảm bảo nguồn nhân lực cho sản xuất cao su, góp phần ổn định đời sống, xoá đói, giảm nghèo bền vững.

4. Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của nhà nước, để đảm bảo sản xuất cao su có hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Về diện tích: Đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 25.000 - 30.000 ha cao su, cụ thể:

- Giai đoạn 2008 - 2010: diện tích cao su đã trồng được 5.797 ha.

- Giai đoạn 2011 - 2015: trồng mới khoảng 14.000 ha.

- Giai đoạn 2016 - 2020: trồng mới khoảng 10.000 ha.

2. Về sản phẩm: Đến năm 2015 có 900 ha cao su được khai thác mủ, sản lượng khai thác đạt khoảng 1.000 tấn; Đến năm 2020 có trên 11.000 ha cao su được khai thác mủ, sản lượng khai thác đạt trên 13.000 tấn.

3. Về giải quyết việc làm: Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 20.000 lao động trong tỉnh trực tiếp trồng, chăm sóc, chế biến cao su và các hoạt động dịch vụ phát triển cao su.

III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Về quỹ đất trồng cao su

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh có 25.000 - 30.000 ha cao su đại điền, cần quy hoạch các xã có tổng diện tích tự nhiên là 126.664 ha, diện tích vùng quy hoạch là 65.500 ha đất nông, lâm nghiệp đủ tiêu chuẩn trồng cao su, đã giao và chưa giao cho cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, các tổ chức, gồm:

- Đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất: Đất rừng trồng chất lượng kém, khoanh nuôi tái sinh không thành rừng; đất có rừng tự nhiên (trạng thái IIa, IIb, IIIa1) chất lượng kém, với diện tích nhỏ, manh mún trong vùng quy hoạch;

[...]