Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 1100/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 1100/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/11/2021
Ngày có hiệu lực 12/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1100/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 12 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN, LIÊM CHÍNH, HÀNH ĐỘNG, PHỤC VỤ NHÂN DÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 27/11/2020 của Tnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 19/7/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Căn cứ Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 10/8/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 166/TTr-SNV ngày 04/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân (Có Chương trình và Phụ lục danh mục các nhiệm vụ/kế hoạch chủ yếu của UBND tỉnh kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (b/cáo);
- Các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Văn phòng và các cơ quan giúp việc Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh;
- Các huyện, thị, thành ủy
- VPUB: PCVP, KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, NCvi894.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN, LIÊM CHÍNH, HÀNH ĐỘNG, PHỤC VỤ NHÂN DÂN
(Kèm theo Quyết định số 1100/QĐ-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh)

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 22/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 19/7/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 27/11/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 10/8/2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; UBND tỉnh ban hành Chương trình xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

2. Chương trình xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân phải gắn liền với sự thay đổi cơ chế quản lý sang cơ chế phục vụ; được cụ thể hóa, xác lập các nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu, thời gian thực hiện và phân công trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ và kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Xây dựng và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở gắn với vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng và tính chuyên nghiệp cao. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì sự phát triển của địa phương, đất nước, tạo động lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ Nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chức năng của Nhà nước; đẩy mạnh việc tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao tính đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, tạo môi trường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng trong tình hình mới.

3. Chú trọng quản lý phát triển xã hội; thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường. Tiếp tục sắp xếp, cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công của tỉnh; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và hoạt động Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021 - 2025.

4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; triển khai ứng dụng phần mềm có khả năng phát triển mở rộng (Nâng cấp, mở rộng, bổ sung... các tính năng mới); tăng cường sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin của tỉnh đặc biệt là phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; đưa các hệ thống thông tin của tỉnh tập trung về Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Trong đó cần quan tâm tới việc đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 cho người dân và doanh nghiệp.

5. Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của công dân và doanh nghiệp. Phát triển dịch vụ pháp lý. Phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban hành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chương trình này; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và tránh hình thức, lãng phí.

[...]