ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
110/2006/QĐ-UBND
|
Đồng Xoài,
ngày 16 tháng 11 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT
NAM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày
16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược gia đình Việt
Nam giai đoạn 2005 - 2010;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia
đình và Trẻ em tại Tờ trình số 296/TTr-UBDSGĐTE-KHTC ngày 16/10/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam
giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2.
1. Giao Ủy ban Dân
số - Gia đình và Trẻ em:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có
liên quan, UBMTTQVN tỉnh, các hội, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Tổng hợp tình hình thực hiện, thường xuyên báo
cáo kết quả và đề xuất các giải pháp thực hiện cụ thể hàng năm về Ủy ban nhân
dân tỉnh.
2. Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch và phân bổ kinh phí hàng
năm để thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Các ông (bà):
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan
căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thỏa
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM GIAI ĐOẠN
2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 110/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2006
của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược
xây dựng gia đình Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm củng cố,
ổn định và phát triển gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ X, Chỉ thị 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết
Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực
hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh
như sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU THỰC
HIỆN
1. Quan điểm:
- Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng
quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia
đình Việt Nam ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ,
bình đẳng, hạnh phúc vừa là động lực, đồng thời cũng là mục tiêu của chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và
sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình,
cá nhân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác gia đình;
- Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm với
nhau, với xã hội và tổ quốc và ngược lại xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định
và phát triển của gia đình;
- Giáo dục và xây dựng gia đình luôn kế thừa, giữ
gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn
liền với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển;
- Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển
bền vững. Nhà nước ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của
toàn xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cho công tác gia
đình.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu chung: Từng bước ổn định, củng cố và
xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
2.2. Các mục tiêu cụ thể:
a) Mục tiêu 1: Củng cố, ổn định gia đình trên cơ
sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam,
tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển;
thực hiện quy mô gia đình ít con; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của
các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm của các thành viên trong
gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
- Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt được vào năm 2010:
+ Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn
gia đình văn hóa lên 88%.
+ Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đạt mức sinh thay thế.
+ Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước
khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình lên 80%.
+ Chỉ tiêu 4: 90 - 100% người cao tuổi trong gia
đình được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng, trong trường hợp người cao tuổi không
còn người chăm sóc, phụng dưỡng hoặc có người chăm sóc, phụng dưỡng nhưng không
đủ khả năng chăm sóc, phụng dưỡng thì được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ nuôi dưỡng.
+ Chỉ tiêu 5: Tăng tỷ lệ gia đình thực hiện tốt
trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lên 95%, nhất là trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn.
b) Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị
trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách,
pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, tăng cường phòng ngừa, ngăn
chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; tăng cường phòng chống bạo
lực trong gia đình; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận
động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
- Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt được vào năm 2010:
+ Chỉ tiêu 1: 90 - 100% gia đình được tuyên truyền
giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm trong ổn định và
phát triển xã hội.
+ Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ tảo hôn của người dân đang
sinh sống tại địa bàn giảm còn 10 - 15%.
+ Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ bạo lực trong gia đình giảm
còn 15 - 20%, triển khai rộng rãi mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững
(thuộc đề án phòng chống bạo lực trong gia đình).
+ Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ gia đình bị các tệ nạn xã hội
xâm nhập giảm còn 10 - 15%.
c) Mục tiêu 3: Nâng cao mức sống gia đình trên
cơ sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc
biệt đối với các gia đình có công với cách mạng, gia đình thuộc các dân tộc thiểu
số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
- Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt được vào năm 2010:
+ Chỉ tiêu 1: Giảm hộ nghèo còn mức 5% (theo
tiêu chí mới).
+ Chỉ tiêu 2: 100% gia đình có công với cách mạng
được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, gia đình của người dân tộc thuộc các dân
tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh
tế - xã hội còn khó khăn được Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành
viên của Mặt trận, cộng đồng quan tâm chăm sóc, hỗ trợ nâng cao mức sống về mặt
vật chất và tinh thần.
+ Chỉ tiêu 3: Số gia đình ở nhà tạm giảm còn
10%.
+ Chỉ tiêu 4: Tăng tỷ lệ gia đình của người dân
tộc thuộc các dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa,
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ
văn hóa, y tế, giáo dục và các phúc lợi xã hội khác lên 95%.
+ Chỉ tiêu 5: Tăng tỷ lệ dân cư ở nông thôn được
dùng nước sạch hợp vệ sinh lên 85%.
II. CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Lãnh đạo, tổ chức và quản lý:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và
sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình. Thực hiện có hiệu
quả quản lý Nhà nước đối với công tác gia đình, phát huy cao nhất sự hợp tác
tích cực giữa các cơ quan Nhà nước và các tổ chức tham gia công tác gia đình.
- Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức
làm công tác dân số, gia đình và trẻ em các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở, đảm bảo
đủ về số lượng để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược và các Đề
án về gia đình, có chế độ ưu đãi về vật chất và tinh thần cho đội ngũ tham gia
công tác dân số, gia đình và trẻ em.
- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác
gia đình, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý
thuận lợi cho công tác gia đình. Tiến hành các nghiên cứu khoa học về gia đình
để dự đoán xu thế phát triển của gia đình, đề ra những giải pháp thực hiện phù
hợp với tình hình của địa phương và chủ động giải quyết những vấn đề nảy sinh
theo hướng tích cực. Tập trung chú ý đối tượng liên quan đến công tác gia đình ở
các khu phố, thôn ấp.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, tăng cường
sự tham gia thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đọan 2006 -
2010 và kế hoạch thực hiện Chiến lược của Ủy ban nhân dân tỉnh, của các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gia đình, cộng
đồng và mọi công dân.
2. Truyền thông, vận động, giáo dục:
- Tạo sự chuyển đổi nhận thức đối với các cấp,
các ngành, cộng đồng và các thành viên trong gia đình về vị trí, vai trò của
gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện chủ trương
của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, giúp các gia đình
có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống xâm nhập của các tệ nạn xã hội
vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của
dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội
phát triển.
- Đa dạng hóa các kênh truyền thông phù hợp với
từng loại hình gia đình, từng nhóm đối tượng, từng khu vực và từng địa bàn để
tăng cường vai trò của gia đình trong giáo dục các thành viên, góp phần thực hiện
chủ trương xây dựng chiến lược về con người, có đầy đủ các yếu tố “Đức, trí, thể,
mỹ”.
- Tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng sản
phẩm truyền thông, xây dựng các điểm tư vấn, kênh, đường dây nóng và củng cố
các mô hình như: “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, “Câu lạc bộ người
cao tuổi”, “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ gia đình trẻ”. Đẩy mạnh hoạt
động tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác
viên, tuyên truyền viên Dân số, Gia đình và Trẻ em.
- Hàng năm tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình Việt
Nam 28/6 để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác
gia đình.
3. Kinh tế hộ gia đình:
- Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển kinh tế
gia đình, tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ các
gia đình phát triển kinh tế. Lồng ghép các chương trình và đẩy mạnh sự hợp tác
để phát triển kinh tế gia đình.
- Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế
gia đình cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình của người dân tộc thuộc
các dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều
kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
- Tranh thủ và thực hiện có hiệu qủa các dự án
gia đình phát triển bền vững. Chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm làm
ăn để gia đình tăng thu nhập, kinh tế hộ gia đình phát triển.
4. Mạng lưới dịch vụ gia đình và cộng đồng:
- Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng
hệ thống dịch vụ gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận
được kiến thức, pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi
xã hội, nâng cao chất lượng và mở rộng các cơ sở phúc lợi xã hội để nuôi dưỡng
người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật, đặc
biệt thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Xây dựng, củng cố và nâng cao hệ thống dịch vụ
tư vấn về gia đình, xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ về gia đình.
5. Thực hiện chính sách ưu đãi, ưu tiên và trợ
giúp xã hội cho gia đình:
- Thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi đối với các
gia đình có công với cách mạng.
- Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với
các gia đình gặp rủi ro, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình có người tàn tật,
gia đình nghèo.
6. Đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc
tế:
- Tiến hành thực hiện các cuộc nghiên cứu khoa học
về gia đình, nhằm đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chủ
trương chính sách về gia đình tại địa phương.
- Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ làm
công tác gia đình.
- Tranh thủ các dự án và sự giúp đỡ của các tổ
chức nước ngoài để vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện công tác gia đình.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Hằng năm, ngoài ngân sách Trung ương phân bổ
và kinh phí vận động các nguồn tài trợ khác của các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài tỉnh. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ Sở Tài chính tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện
các mục tiêu của Kế hoạch xây dựng Gia đình Việt Nam.
- Ủy Ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh chủ
trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh, các Sở ngành có liên quan,
các huyện, thị tích cực vận động kinh phí từ các nguồn tài trợ của các tổ chức,
các nhân trong và ngoài tỉnh.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
2. Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em chủ trì phối
hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xây dựng kế họach
hoạt động hàng năm phù hợp Kế hoạch này, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh và các đề án, kế hoạch của Trung ương. Hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp
tình hình thực hiện kế hoạch theo định kỳ hàng năm để báo cáo Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, tổ chức sơ kết tình hình thực hiện vào năm 2008 và tổng kết vào
năm 2010.
3. Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy
ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, các sở ngành có liên quan đưa một số chỉ
tiêu chủ yếu của Kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm
và 5 năm của tỉnh.
4. Sở Tài chính hướng dẫn và kiểm tra các sở,
ngành có liên quan và các địa phương sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện theo
qui định hiện hành.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ
trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và tăng cường các hoạt động
phổ biến kiến thức, khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng hệ thống dịch vụ ở
nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu thụ, chế biến và tiêu
dùng để hỗ trợ cho các gia đình phát triển kinh tế gia đình.
6. Sở Lao động - Thương binh và xã hội thực hiện
có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo và việc làm; chính sách, chế độ ưu
đãi đối với gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, chính sách bảo trợ
xã hội. Phối hợp với Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em và các ngành có liên
quan xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án “Phòng chống bạo lực trong gia
đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2006 -
2010”.
7. Sở Tư pháp tuyên truyền sâu rộng Luật Hôn
nhân gia đình, tổ chức trợ giúp pháp lý theo qui định của pháp luật, hướng dẫn
và kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở liên quan đến gia đình.
8. Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ủy
ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên
truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, giáo dục về phong tục,
tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực hôn
nhân và gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục và phát huy
hiệu quả phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa, ấp, xã văn hóa”, xây dựng gương
người tốt việc tốt, hoàn thành việc đưa các tiêu chí dân số - gia đình và trẻ
em vào trong hương ước, quy ước của các thôn, ấp.
9. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban
Dân số - Gia đình và Trẻ em, Sở Tư pháp, Sở Văn hoá - Thông tin tăng cường phổ
biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân tộc thuộc các
dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
10. Căn cứ vào kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã đưa các mục tiêu về gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội
dài hạn và ngắn hạn của địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch
hoạt động hàng năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa
phương mình và tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm với Ủy ban Dân số - Gia đình
và Trẻ em; chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng
cường công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia
đình; đồng thời xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân, Liên Đoàn Lao động, Hội Cựu chiến
binh và các thành viên khác của Mặt trận tham gia triển khai và thực hiện kế hoạch
trong phạm vi hoạt động của mình; tiếp tục đẩy mạnh và lồng ghép việc thực hiện
các cuộc vận động, phong trào, chương trình, kế hoạch của hội, đoàn thể mình với
việc thực hiện Kế hoạch này./.