Quyết định 44/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình của thành phố Đà Nẵng đến năm 2010

Số hiệu 44/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/05/2006
Ngày có hiệu lực 18/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Hoàng Tuấn Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 03 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2010 CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1006/2005/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược về xây dựng Gia đình của thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 (viết tắt là Chiến lược) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM:

1. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, giữ gìn và phát huy truyền thống tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

3. Xây dựng gia đình là nhiệm vụ của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền từ thành phố đến xã, phường, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác gia đình.

4. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên trong gia đình và xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình.

5. Giáo dục và xây dựng gia đình kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn liền với tiếp thu những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

6. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Nhà nước ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội và tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế cho công tác gia đình.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung: Từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

2. Các mục tiêu cụ thể:

2.1. Mục tiêu 1: Củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện quy mô gia đình ít con; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.

Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt vào năm 2010:

Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa lên 85%.

Chỉ tiêu 2: Mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con.

Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ nam, nữ thanh niên được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình trước khi kết hôn lên 90% .

Chỉ tiêu 4: Tăng tỷ lệ người cao tuổi trong gia đình được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình lên 90 - 100%. Trường hợp người cao tuổi không còn người chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và Gia đình hoặc có người chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và Gia đình nhưng không đủ khả năng chăm sóc, phụng dưỡng thì được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chỉ tiêu 5: Tăng tỷ lệ gia đình thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lên 95%-100%.

2.2. Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.

Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt vào năm 2010:

Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình trong việc ổn định và phát triển xã hội lên 95 - 100%.

[...]