Quyết định 85/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010

Số hiệu 85/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/11/2006
Ngày có hiệu lực 16/11/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Hồ Dũng Nhật
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 06 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM CỦA TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010;

Căn cứ Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 19/9/2005 của Tỉnh ủy Bình Thuận về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng Gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh tại Tờ trình số 608/TTr-UBDSGĐTE ngày 30/10/2006 về việc đề nghị ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Căn cứ vào mục tiêu và nội dung Chương trình hành động thực hiện chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010, thủ trưởng các sở, ngành liên quan (Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và PTNT, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức và phối hợp triển khai thực hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Dũng Nhật

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM CỦA TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 85/2006/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Phần I

THỰC TRẠNG ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH

Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận liên tục phát triển khá; đời sống vật chất, tinh thần của mọi gia đình được cải thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng mở rộng, thu hút ngày càng đông đảo số hộ gia đình tham gia, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình Văn hóa” vào năm 2005 đạt 84%. Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 14,2% (theo chuẩn mới). Hộ gia đình có nhà ở tạm bợ, dột nát được hỗ trợ xây sửa nhà ở. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt xấp xỉ 14,6%. Chính sách hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng đạt được những kết quả khả quan, đến nay tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 23%, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp ở các bậc học tăng đều qua các năm học. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt được những kết quả quan trọng, đến năm 2005 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,4%, số con bình quân của mỗi cặp vợ chồng còn 2,2 con.

Tuy nhiên, công tác gia đình ở tỉnh đang tồn tại nhiều yếu kém và thách thức, đó là: tình trạng ly hôn, ly thân, tệ tảo hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân có chiều hướng gia tăng; các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS xâm nhập vào một bộ phận gia đình; trẻ em suy dinh dưỡng còn nhiều, trẻ em lao động trước tuổi, trẻ em lang thang, trẻ em vi phạm pháp luật không giảm. Trong một bộ phận gia đình, đạo lý hiếu nghĩa ít được tôn trọng, thiếu trách nhiệm đối với người già; tệ bạo hành trong gia đình vẫn còn xảy ra. Vẫn còn nhiều gia đình đời sống còn khó khăn, nhất là gia đình có người bị thương tật do ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình còn nhiều thiếu sót và bất cập.

Nguyên nhân của những yếu kém trên, trước hết là do nhận thức về vai trò gia đình của bản thân từng gia đình; của các cấp, các ngành chưa thật đầy đủ. Việc tổ chức công tác gia đình cũng chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, chưa có sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ trong tất cả các ngành, các đoàn thể. Công tác quản lý Nhà nước về gia đình còn lúng túng về nội dung. Công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức về hôn nhân, gia đình chưa tốt. Kết quả công tác xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc, nhiều gia đình đời sống còn quá khó khăn nên chưa có điều kiện để chăm sóc, giáo dục tốt các thành viên trong gia đình, đặc biệt là chăm sóc trẻ em và người cao tuổi.

Phần II

QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Quan điểm:

a) Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng Gia đình Việt Nam ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc là động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

b) Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác gia đình;

c) Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình;

[...]