QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỚI SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT
TRIỂN NÔNG THÔN VÀ CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN TRONG THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1075/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh.
Quy chế này quy định quy trình trong
thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ về Quyết định chủ
trương chuyển đổi mục đích đất rừng, lập phương án trồng rừng thay thế (áp dụng
đối với đất rừng là đất có rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp ngày
15/11/2017); hồ sơ về thu hồi đất, giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng
đất đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng.
Quy chế này áp dụng đối với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban
ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ
chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính của các nhà đầu tư
khi thực hiện dự án có sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 3. Nội
dung phối hợp.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
các cơ quan có liên quan, nội dung phối hợp gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thống nhất, đồng
bộ với chuyển mục đích sử dụng đất.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá
nhân trình tự, thủ tục thực hiện quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng
rừng và phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì kiểm tra, xác định vị trí, diện tích, hiện trạng rừng tại khu vực
xin chuyển đổi; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng
thay thế đối với diện tích có rừng khi thực hiện các dự án đầu tư theo quy định;
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương
chuyển mục đích sử dụng rừng. Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền của Hội
đồng nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đối với những
diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích mà chủ rừng là tổ chức.
Sau khi có quyết định chủ trương chuyển
mục đích sử dụng rừng và quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế của
cấp có thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở
Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển
đổi mục đích sử dụng đất (bao gồm diện tích rừng đã được cấp có thẩm quyền quyết
định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng).
Riêng đối với đất rừng phòng hộ, rừng
đặc dụng thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi thêm 01 bản cho Sở Tài
nguyên và Môi trường để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng
nhân dân tỉnh chấp thuận danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất
(theo quy định tại Điều 58 Luật đất đai 2013).
3. Khi tiếp nhận, trình hồ sơ về thu
hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự
án (các dự án sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp hoặc các dự án khác
không sử dụng đất vào mục đích lâm nghiệp) mà có sử dụng đất rừng thì Sở Tài
nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó,
có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và phương án trồng rừng
thay thế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng
thì khi trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai, giao Sở
Tài nguyên và Môi trường rà soát Văn bản đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để trình Ủy ban nhân dân
tỉnh.
4. Khi tham gia ý kiến thẩm định dự
án đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định sự ảnh hưởng của dự
án đến đất rừng và hướng dẫn chủ đầu tư lập thủ tục để được cấp quyết định chủ
trương chuyển mục đích sử dụng rừng và phương án trồng rừng thay thế khi thực
hiện dự án.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Trước khi ban hành Quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép
chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư (không cho mục đích lâm
nghiệp) mà có sử dụng đất rừng thì phải có quyết định chủ trương chuyển mục
đích sử dụng rừng và phương án trồng rừng thay thế được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt. Đối với diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích mà chủ rừng là hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
chịu trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết
định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
6. Sử dụng tọa độ để thành lập các bản
đồ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan
trong quá trình khảo sát, thiết kế, lập các loại bản đồ mà có sử dụng tọa độ
thì phải thực hiện đúng luật đo đạc bản đồ năm 2018, Nghị định 27/2019/NĐ-CP
ngày 13/3/2019 của Chính phủ và Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 18/7/2016 của
Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, phải thống nhất sử dụng hệ tọa độ nhà nước
VN-2000, kinh tuyến trục 106° 15’, múi chiếu 3°.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Các bước thực hiện thủ tục về quyết định chủ
trương đầu tư, thông báo thu hồi đất (đối với các dự án thuộc trường hợp thu
hồi đất theo quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai 2013).
Bước 1: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục
đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 33, Luật Đầu tư 2014.
Bước 2: Đối với các dự án có liên
quan đến đất rừng, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn để xác định sự ảnh hưởng của dự án đến đất rừng; trên cơ sở đó, Sở
Nông nghiệp và phát triển Nông thôn hướng dẫn chủ đầu tư lập thủ tục để được cấp
quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và phương án trồng rừng thay
thế khi thực hiện dự án.
Bước 3: Sau khi cơ quan nhà nước có
thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư, Nhà đầu
tư làm việc với Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh
(trường hợp đất thuộc Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp) có văn bản đăng ký để bổ
sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm (nếu chưa phù hợp với quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất); ban hành thông báo thu hồi đất.
Nếu trong khu đất thực hiện dự án có
đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký cụ thể
công trình, dự án có sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gửi Sở Tài nguyên và
Môi trường tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh
chấp thuận thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Bước 4: Sau khi Ủy ban nhân dân cấp
huyện ban hành thông báo thu hồi đất, Nhà đầu tư hợp đồng đơn vị tư vấn thực hiện
công tác đo đạc, quy chủ sử dụng, lập bản đồ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất;
Nhà đầu tư hợp đồng với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực
hiện công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy
định (trường hợp đất thuộc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý thì Ban quản lý
Khu kinh tế tỉnh làm đầu mối, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện).
Việc đo đạc, quy chủ sử dụng, lập bản
đồ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện song song với công tác đo đạc
khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng để chuyển đổi mục đích rừng, lập phương án
trồng rừng thay thế (nhằm rút ngắn thời gian thực hiện).
Điều 5. Các bước thực hiện thủ tục về quyết định chủ
trương chuyển mục đích đất rừng (trừ dự án thuộc Quốc hội và Thủ tướng Chính
phủ quyết định chủ trương đầu tư).
1. Đối với dự án có sử dụng đất rừng
thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ Quyết định.
a) Trường hợp khu rừng thuộc Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Bước 1: Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn làm đầu mối hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn điều tra,
khảo sát rừng tại khu đất thực hiện dự án; lập hồ sơ chuyển đổi rừng theo quy định.
Bước 2: Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn làm đầu mối hướng dẫn chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu
chính 02 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình
Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương chuyển đổi đất rừng, hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị của chủ đầu tư:
- Báo cáo đề xuất dự án đầu tư;
- Văn bản thẩm định Báo cáo đề xuất dự
án đầu tư của các cơ quan liên quan;
b) Trường hợp Khu rừng thuộc tỉnh quản
lý.
Bước 1: Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn làm đầu mối hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn điều tra,
khảo sát rừng tại khu đất thực hiện dự án; lập hồ sơ chuyển đổi rừng theo quy định.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày làm việc
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có
trách nhiệm xem xét; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ
quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
2. Đối với dự án sử dụng đất rừng
thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh
a, Trường hợp chủ rừng là tổ chức:
Bước 1: Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn làm đầu mối hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn điều tra,
khảo sát rừng tại khu đất thực hiện dự án; lập hồ sơ chuyển đổi rừng theo quy định.
Bước 2: Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc
qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối
với diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích. Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị của chủ đầu tư;
- Báo cáo đề xuất dự án đầu tư;
- Văn bản thẩm định Báo cáo đề xuất dự
án đầu tư của các cơ quan liên quan.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chủ
trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
b, Trường hợp chủ rừng là hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư:
Bước 1: Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn/Phòng Kinh tế làm đầu mối hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư
vấn điều tra, khảo sát rừng tại khu đất thực hiện dự án; lập hồ sơ chuyển đổi rừng
theo quy định.
Bước 2: Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc
qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị của chủ đầu tư kèm
theo Báo cáo khảo sát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp khu vực xin chuyển đổi
mục đích sử dụng;
- Báo cáo đề xuất dự án đầu tư;
- Văn bản thẩm định Báo cáo đề xuất dự
án đầu tư của các cơ quan liên quan.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn/Phòng Kinh tế tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện, đề xuất Ủy ban nhân dân
tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục
đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Điều 6. Các bước thực hiện phương án trồng rừng thay thế
khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Bước 1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hướng dẫn chủ dự án thực hiện xây dựng phương án trồng rừng thay thế
và nộp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bước 2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức
thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp cần thiết phải
xác minh thực địa, thời gian thẩm định phương án được kéo dài thêm không quá 15
ngày làm việc.
Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng
thay thế thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ phát triển rừng của tỉnh để Ủy ban nhân
dân tỉnh bố trí trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn kiểm tra, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng
rừng thay thế.
Trình tự, thủ tục thực hiện trồng rừng
thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện
theo quy định hiện hành.
Bước 3. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế thì chủ dự án thực
hiện trồng rừng thay thế theo phương án phê duyệt; Trường hợp chủ dự án không tự
trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Điều 7. Các bước thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất,
cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (áp dụng đối với trường hợp Khu đất
chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Sau khi có Quyết định phê duyệt chủ
trương chuyển đổi rừng và Quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế của
cơ quan có thẩm quyền thì chủ dự án thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất,
chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
1. Đối với khu đất thực hiện dự án
thuộc thẩm quyền thu hồi của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 1. Chủ dự án nộp hồ sơ thu hồi đất
đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo thẩm định và ban hành Quyết
định thu hồi đất; Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư.
Bước 2. Chủ dự án phối hợp với tổ chức
làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và chính quyền địa phương thực hiện
chi trả tiền cho các đối tượng bị ảnh hưởng theo phương án đã phê duyệt.
Bước 3. Chủ dự án nộp hồ sơ giao đất,
cho thuê đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành phần hồ sơ: Theo Bộ thủ tục
hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố + Quyết
định phê duyệt chủ trương chuyển đổi rừng và Quyết định phê duyệt phương án trồng
rừng thay thế (trường hợp không tự trồng rừng thay thế thì có chứng từ nộp tiền
trồng rừng thay thế kèm theo).
Bước 4. Sở Tài nguyên và Môi trường
thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, rừng
sang mục đích khác cùng đồng thời Quyết định giao đất, cho thuê đất. Thời gian
thực hiện: Theo Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được Ủy ban
nhân dân tỉnh công bố.
2. Đối với khu đất thực hiện dự án
thuộc thẩm quyền thu hồi của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bước 1.
Chủ dự án nộp hồ sơ thu hồi đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành phần hồ
sơ: Theo Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố + Quyết định phê duyệt chủ trương chuyển đổi rừng và Quyết định phê duyệt
phương án trồng rừng thay thế (trường hợp không tự trồng rừng thay thế thì có
chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế kèm theo).
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Quyết định thu hồi đất; Quyết định phê duyệt phương án bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bước 2.
Chủ dự án phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và
chính quyền địa phương thực hiện chi trả tiền cho các đối tượng bị ảnh hưởng
theo phương án đã phê duyệt.
Bước 3. Sở
Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định chuyển
mục đích sử dụng đất, rừng sang mục đích khác cùng đồng thời Quyết định giao đất,
cho thuê đất.
Về thời gian, trình tự thực hiện:
Theo Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được UBND tỉnh công bố.
Điều 8. Tổ chức
thực hiện
Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi
trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng ban Quản
lý Khu Kinh tế tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ
đạo triển khai thực hiện các nội dung quy định của Quy chế này.
Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng
năm, các đơn vị tổ chức tổng kết rà soát các phát sinh, vướng mắc, trao đổi kinh
nghiệm nhằm thực hiện đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp
phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị chủ động trao đổi tháo gỡ; nếu
vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét,
giải quyết./.