Quyết định 1071/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”

Số hiệu 1071/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/05/2023
Ngày có hiệu lực 11/05/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1071/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 11 tháng 5 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, NHẤT LÀ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Chương trình hành động số 69-Ctr/TU ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1700/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề cương Đề án Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án chi tiết kèm theo).

1. Tên Đề án: Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

2. Quan điểm, mục tiêu và phạm vi, đối tượng của Đề án

a) Quan điểm

- Quan điểm chung: Phấn đấu phát triển nguồn lao động đạt chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; có tỷ trọng lao động có tay nghề, có chuyên môn kỹ thuật cao, có cơ cấu trình độ và nghề nghiệp hợp lý; trên cơ sở phát triển đào tạo và gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm trên thị trường lao động.

- Quan điểm phát triển và đột phá:

+ Phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các thành phần kinh tế và toàn xã hội. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, quản lý và sử dụng hiệu quả người lao động của tỉnh, thu hút người lao động có chất lượng cao phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

+ Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bao gồm: đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động trực tiếp sản xuất. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực là cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức hành chính Nhà nước, chú trọng nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý, nhà kinh doanh, công nhân kỹ thuật lành nghề, nhân viên giỏi góp phần nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh.

+ Đầu tư phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng thực hành, thực nghiệp, định hướng chất lượng cao, chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo; tăng cường gắn kết cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; đảm bảo cung ứng lao động có tay nghề giỏi và kỹ năng kỹ thuật cao, có phẩm chất tốt; cơ cấu nghề đào tạo hợp lý, ưu tiên các nhóm nghề công nghệ cao.

+ Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch, nhu cầu sử dụng, lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao làm khâu đột phá trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

+ Phát triển thị trường lao động, tập trung phát triển kết nối cung cầu trên TTLĐ, linh hoạt, năng động, hiệu quả; xây dựng và phát triển hệ thống kết nối đào tạo - việc làm thông minh. Đẩy mạnh chuyển đổi số làm động lực để tạo sự chuyển biến về chất, hình thành số lượng phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.

b) Mục tiêu

- Mục tiêu chung: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ về quy mô và đáp ứng về chất lượng trên các yếu tố cơ bản là: trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực chất lượng cao trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 nhanh và bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Phát triển nguồn nhân lực, thu hút, đãi ngộ nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu, kỹ năng giỏi, có nhận thức về văn hóa nghệ thuật, có sức khỏe để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

[...]