Kế hoạch 676/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 676/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2023
Ngày có hiệu lực 20/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 676/KH-UBND

Bình Dương, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 146/QĐ-TTG NGÀY 28/01/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NHẬN THỨC, PHỔ CẬP KỸ NĂNG VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

Thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Công văn số 489/BTTTT-THH ngày 17/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 146/QĐ-TTg); theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 05/TTr-STTTT ngày 18/01/2023;

Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh.

- Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số.

2. Yêu cầu

- Xác định cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Quyết định số 146/QĐ-TTg.

- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tránh trùng lắp giữa nội dung Kế hoạch với các chương trình, kế hoạch của tỉnh về Xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

- Xác định rõ các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và lộ trình triển khai thực hiện, phân công rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện; chủ động giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

- Khuyến khích, tận dụng, phát huy tối đa các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là tận dụng sự tham gia có trách nhiệm của cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, chuyên gia chuyển đổi số và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Lãnh đạo các cấp, các ngành trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đối số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

- 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước được tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số.

- 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số.

- 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

- 100% các sở, ban, ngành thuộc tỉnh xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.

- Tuyển chọn, cử cán bộ tham gia Chương trình “Đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương” do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối, để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn.

- Tham gia thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” và triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh, khi mô hình được hoàn thiện, triển khai theo định hướng của bộ, ngành.

- Đào tạo được 30 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh có thể mạnh trong đào tạo chuyển đổi số.

- 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

[...]